Hướng dẫn mua ống kính máy ảnh

Ưu thế lớn nhất của máy ảnh DSLR/CSC là cho phép thay đổi ống kính. Có nhiều ống kính trên thị trường, việc chọn lựa đúng mục đích sử dụng cần nhiều kinh nghiệm. Dù một ống kính có thể dùng nhiều mục đích, nhưng các thiết kế khác nhau sẽ có công dụng khác nhau.
Trong phần sau, sẽ hướng dẫn cách mua các loại ống kính theo từng mục đích sử dụng. Không phân biệt cụ thể ống kính dùng cho máy ảnh nào, những ống kính đề cập trong phần này được sử dụng phổ biến, cũng như chất lượng hình ảnh mang lại. Các ống kính có thể sử dụng với nhiều hay một mục đích, phụ thuộc vào kích thước chủ đề, góc nhìn, khoảng cách hoặc cách bố cục. Hiệu suất ống kính phụ thuộc nhiều vào thành phần quang học, khả năng lấy nét và tính năng khác. Sau đây là một vài hướng dẫn hữu ích trước khi quyết định nên sẽ chọn ống kính nào cho công việc.

"Biết mục đích và nhu cầu sử dụng, định hướng sử dụng trong tương lai để đầu tư đúng ống kính cần mua và tránh lãng phí sau này."

Phân loại ống kính máy ảnh
Để chọn và đánh giá một ống kính phụ thuộc rất nhiều yếu tố, như loại ống kính Prime hay zoom, tiêu cự nào, chất lượng quang học, khả năng lấy nét, lấy nét tự động hay bằng tay, và những tính năng khác như tính năng kháng thời tiết, lớp phủ, sử dụng mục đích chụp ảnh hay quay phim. Ngoài ra còn chọn ống kính theo mục đích sử dụng, tần suất sử dụng, ngân sách hay tính tương thích thiết bị sử dụng trong tương lai.

01 Prime lens (ống kính tiêu cự cố định): Thiết kế nhỏ gọn so với ống kính zoom, chất lượng quang học cao, giá thành thấp.
02 zoom lens (ống kính thay đổi được tiêu cự): Tính tiện dụng cao, thay đổi góc nhìn linh hoạt. Giá bán thường cao.
03 Others lens (ống kính khác): Ống kính có thiết kế chuyên dụng đặc biệt cho một mục đích sử dụng nào đó.

Chọn ống kính prime hay zoom
Với người sử dụng thông thường các ống kính zoom luôn là chọn lựa đầu tiên vì tính đa năng và tiện dụng. Nếu phải chọn một ống kính zoom nên cân nhắc, dải tiêu cự không quá dài. Ống kính zoom cho chất lượng hình ảnh thấp hơn so với ống kính Prime ngay cả với ống kính zoom cao cấp có giá thành cao (cùng phân cấp). Một điều cần chú ý, các ống kính chuyên nghiệp đều là ống kính Prime vì chất lượng rất cao của ống kính này. Tuy vậy, tính linh hoạt rất kém, cần xác định trước vị trí và phối cảnh khi chụp nên thường dành cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Trong cùng phân cấp, ống kính zoom thường đắt hơn ống kính Prime. Nếu phải chọn giữa 2 loại này, ngoại trừ tiêu chí chất lượng ống kính, cần xác định tính thường xuyên ống kính prime hay zoom được sử dụng để quyết định sẽ chọn loại ống kính nào.

Fujinon XF10-24mmF4 R OIS WR là ống kính một khẩu

Ống kính zoom một khẩu hay hai khẩu?
Các ống kính prime luôn có một độ mở khẩu lớn nhất. Ngược lại, ống kính zoom thường có 2 độ mở khẩu tối đa về mặt lý thuyết (ống kính hai khẩu). Nhưng các nhà sản xuất vẫn đưa ra thị trường các ống kính zoom có độ mở khẩu tối đa không đổi (ống kính một khẩu). Vậy lựa chọn nào thích hợp? Dĩ nhiên chọn ống kính một khẩu, tuy nhiên giá thành cao. Ống kính 2 khẩu thường thay đổi độ dài khi zoom và bụi dễ bám vào trong, nhưng đổi lại có giá thành thấp.

 YN14mmF2.8 là ống kính góc rộng của Yongnuo

Chọn lựa ống kính theo góc nhìn (tiêu cự)
Mục đích sử dụng phụ thuộc rất nhiều vào góc nhìn ống kính.

+ Góc rộng (wide angle): sử dụng cho ảnh phong cảnh, kiến trúc đô thị, nội thất, chân dung toàn cảnh, đời thường...
+ Góc tiêu chuẩn (standard lens): ảnh chân dung, ảnh đường phố, đời thường,...
+ Góc hẹp (telephoto angle): cho ảnh chân dung đặc tả, ảnh thiên nhiên hoang dã, ảnh thể thao, ảnh phong cảnh xa,....

 

 Fujinon XF8-16mm F2.8 R LM WR là ống kính zoom nhãn đỏ cao cấp của Fujifilm

Ống kính cao cấp
Các hãng sản xuất luôn hoạch định một phân cấp ống kính cao cấp (thường là ống kính zoom), đó là sản phẩm sử dụng chất liệu quang học cao cấp, công nghệ lớp phủ cao cấp, động cơ tiên tiến và CPU mạnh để duy trì hiệu suất lấy nét nhanh. Ngoài ra còn hạn chế tối đa quang sai và luôn cho hình ảnh sắc nét cao. Đây là một chọn lựa ưu tiên về mặt chất lượng, nhưng giá thành cao. Như Canon có thương hiệu ống kính L, Nikon với ống kính N, Fujifilm với ống kính Red Badge hay Sigma với ống kính Art,...

Chọn ống kính AF hay MF
Đây là vấn đề không chỉ với người dùng thông thường mà nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp phải đối diện

Lấy nét tự động (AF) hay lấy nét bằng tay (MF): Một số ống kính cao cấp có chất lượng quang học rất cao và dĩ nhiên đắt tiền, nhất là ống kính của Đức, nhưng các ống kính này chỉ hỗ trợ lấy nét bằng tay. Đây là một vấn đề lớn với người dùng thông thường vì khó sử dụng dù chất lượng ảnh rất thượng hạng. Chỉ nên chọn ống kính AF dù khả năng mất nét cũng có thể xảy ra. Ống kính MF khó lấy nét nên chỉ dành cho người am hiểu về kỹ thuật và có kinh nghiệm, hay cần chất lượng cao, và không đòi hỏi về tốc độ thao tác.

Độ mở khẩu tối đa ở mức nào?
Các ống kính prime hay zoom một khẩu thường có 2 phân khúc độ mở khẩu, đó là độ mở khẩu rộng hơn hoặc bằng F2.8 (gọi là ống kính nhanh) và hẹp hơn hoặc bằng F4. Phân khúc giữa thường là ống kính KIT. Chọn ống kính nhanh nếu sử dụng trong nhà hoặc ban đêm, hay muốn có vùng ảnh rõ hẹp, bokeh đẹp. Ngược lại phân khúc hai là các ống kính sử dụng ngoài trời, ống kính góc rộng hay dùng trong phòng chụp (thường dùng F8). Theo thực tế, khi chụp ở độ mở khẩu tối đa thường cho chất lượng thấp, ống kính thường đạt hiệu suất cao nhất khi khép khoảng 2 stop từ độ mở khẩu lớn nhất. Nghĩa là ống kính F2.8 dùng để chụp ở khẩu độ F5.6 hay ống kính F1.4 dùng để chụp ở khẩu độ F2.8. Ống kính tele có độ mở khẩu nhỏ từ F4 chỉ thích hợp dưới trời nắng và chụp tốc độ màn trập cao như ảnh thể thao hành động hay thiên nhiên hoang dã vì cần DOF sâu.

Tính năng khác
. Kháng thời tiết: là một tính năng quan trọng khi chọn ống kính chụp ngoài trời. Các ống kính có tính năng kháng thời tiết hạn chế bụi và nước bám vào bên trong ống kính và thường có khả năng hoạt động trong điều kiện lạnh đến -10oC.

. Gửi thông tin khoảng cách cho máy ảnh: Các ống kính thế hệ sau này đều có khả năng trả ra thông tin khoảng cách cho máy ảnh khi lấy nét. Thông tin này giúp máy ảnh đo sáng và chụp ảnh với đèn Flash chính xác hơn.

. Kiểm soát phơi sáng: Độ mở khẩu thường được điều khiển bằng vòng chỉnh khẩu. Các ống kính mới sau này có tính năng điều khiển độ mở khẩu từ máy ảnh, giúp điều khiển phơi sáng chính xác hơn. Hãy chọn ống kính có tính năng này, như ống kính G của Nikon.

. Nút chức năng trên ống kính: Các ống kính có thêm nút chức năng cho phép ống kính chuyển nhanh đến khoảng cách lấy nét đã cài đặt trước đó, rất hữu ích khi chụp ảnh thể thao hay thiên nhiên hoang dã. Với ống kính có tiêu cự dài, hay ống kính macro, nên chọn ống kính có chức năng giới hạn lấy nét để tăng tốc độ lấy nét.

. Cập nhật firmware: Để bảo đảm ống kính có hiệu suất tốt nhất và được duy trì tương thích trên máy ảnh mới. Nên chọn ống kính có thể nâng cấp Firmware. Có 2 hình thức, nâng cấp từ máy ảnh hoặc nâng cấp thông qua cổng USB trên ống kính.

Tiêu chí nào để chọn ống kính

Thường có các tiêu chí sau khi chọn ống kính:
- Nhu cầu sử dụng
- Ngân sách
- Tần suất sử dụng
- Chất lượng quang học
- Hiệu suất AF
- Chụp ảnh/quay phim
- Động cơ
- Tính tương thích

Sau đây sẽ trình bày vài tiêu chí quan trọng:

A. Tiêu chí chất lượng
Chú ý chất lượng ống kính bằng cách tìm hiểu cấu trúc quang học để biết hiệu suất quang sai và chất lượng ảnh. Các ống kính góc rộng luôn cần thấu kính phi cầu để ảnh sắc nét ở vùng ngoại vi, ống kính tele cần thấu kính ED để duy trì độ tương phản cao, lớp phủ công nghệ giúp sử dụng ống kính ngoài trời, ngoài khả năng giảm hiện tượng loé sáng và bóng mờ, còn cho độ bão hòa màu cao và độ tương phản cao. Đọc biểu đồ MTF của ống kính để biết độ phân giải ống kính có phù hợp với độ phân giải của máy ảnh (thường đòi hỏi ống kính cao hơn máy ảnh).

B. Hiệu suất AF
Các ống kính sử dụng cơ chế lấy nét cũ thường hoạt động chậm, dẫn đến hiệu suất hoạt động của ống kính thấp. Các động cơ mới sau này cho phép điều khiển nhanh nhóm thấu kính, giúp ống kính lấy nét nhanh và chính xác. Tốc độ lấy nét tự động của các ống kính hiện nay vào khoảng 0.05 giây. Thông thường, các ống kính ưu tiên chất lượng quang học thì tốc độ lấy nét tự động sẽ thấp thậm chí không có tính năng lấy nét tự động. Vì thế cần cân nhắc tiêu chí nào quan trọng để chọn lựa.

C.Ngân sách và tính tương thích
Đây là hai tiêu chí khó, chỉ dành cho người có kinh nghiệm.

Ngân sách là yếu tố đầu tiên quyết định sản phẩm nào phù hợp với với nhu cầu, tuy vậy nhìn xa hơn về định  hướng công việc, tần suất sử dụng và tính tương thích sẽ thấy nếu chọn ngân sách eo hẹp có thể bị thiệt hại nhiều hơn sau này. Ví dụ chọn ống kính chỉ dùng trên máy ảnh aps-c, sẽ không thể dùng khi nâng cấp máy ảnh lên full frame. Hay chọn những ống kính đắt tiền nhưng tần suất sử dụng thấp dẫn đến lãng phí. Nếu có ý định chuyển sang hệ thống máy ảnh khác thì cân nhắc khi mua thêm ống kính vì phải bỏ đi hay bán lại với giá rẻ. Hãy chọn những ống kính có khả năng dùng được trên cả hai hệ DSLR và Mirrorless giúp tiết kiệm nhiều chi phí.

D. Ống kính chụp ảnh hay quay video
Đây là tiêu chí quan trọng khi máy ảnh ngày nay đều có khả năng quay video. Các ống kính quay phim, cần động cơ lấy nét hoạt động yên lặng để tránh bị thu âm khi quay. Vì thế những ống kính dùng động cơ lấy nét siêu âm, hay theo bước rất thích hợp để quay phim. Ngoài ra, chọn ống kính có tính năng zoom điện (Power zoom) để chuyển góc nhìn mượt không bị khựng. Nên chọn ống kính có khả năng không hay ít bị co giãn trường ảnh khi lấy nét.

Phần kết
Những hướng dẫn trên chỉ là những  tiêu chí chung mang tính tham khảo. Để mua một ống kính, trước hết cần xác định chính xác mục đích sử dụng. Thông thường một nhiếp ảnh gia thường sở hữu nhiều ống kính bao gồm ống kính zoom đa dụng và ống kính Prime chất lượng cao tùy theo công việc. Các tiêu chỉ có thể mở rộng thêm tùy theo nhu cầu sử dụng thiết bị khi chọn mua.

Việc chọn mua ống kính, cũng cần cân nhắc thêm khả năng bán lại hay đổi mới sao cho ít bị thiệt hại. Các ống kính theo hãng máy ảnh luôn có hiệu suất và tương thích cao, tuy nhiên giá thành cao so với hãng sản xuất thứ 3. Sau cùng ngân sách vẫn là 1 tiêu chí quan trọng. Hãy cân nhắc về tần suất sử dụng trước khi mua ống kính mới.

Tips: Vì sao ống kính màu trắng? đó là loại ống kính sử dụng ngoài trời. Màu sơn trắng cho phép ống kính phản xạ ánh sáng, giảm sự gia nhiệt bên trong thấu kính, nguyên nhân làm suy giảm chất lượng quang học và hiệu suất hoạt động.

 

 

 

 

 

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00