Các ống kính tương thích với máy ảnh kỹ thuật số SLR

ỐNG KÍNH CỦA MÁY ẢNH SLR 35mm CÓ THỂ SỬ DỤNG ĐƯỢC VỚI MÁY ẢNH KỸ THUẬT SỐ KHỔ APS-C HAY KHÔNG ?

Trong đa số trường hợp, câu trả lời là được. Nếu bạn có một ống kính của máy ảnh phim SLR của cùng một thương hiệu máy ảnh được sản xuất những năm gần đây thì câu trả lời là được (Xin tham khảo thông tin dưới đây để biết thêm chi tiết về các ống kính 35mm của máy ảnh phim hiện có thể dùng được với các loại máy ảnh kỹ thuật số đời mới). Nếu ống kính máy ảnh SLR 35mm cho được hình ảnh rõ nét, màu sắc tốt, và có độ tương phản cao khi chụp bằng phim, thì nó cũng có thể cho được hình ảnh có chất lượng cao khi chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số. Điều khác biệt duy nhất ở đây là góc nhìn của ống kính. Góc nhìn của máy ảnh kỹ thuật số khổ APS-C nhỏ hơn khổ phim 35mm, và có kích thước khoảng 23 x 16mm. Do đó một ống kính góc rộng của máy ảnh SLR 35mm không đủ rộng khi sử dụng với máy ảnh kỹ thuật số khổ APS-C, nhưng ống kính tele thì lại có góc nhìn hẹp hơn. Đới với máy ảnh SLR 35mm, ống kính 50mm là một ống kính có tiêu cự “trung bình” và có góc nhìn gần như góc nhìn của mắt con người. Dưới 50mm, góc nhìn sẽ rộng hơn, cảnh vật sẽ được nhìn thấy rộng hơn; trên 50mm góc nhìn của ống kính sẽ hẹp đi và chủ đề trông như gần hơn. Đối với máy ảnh kỹ thuật số, tiêu cự “trung bình” (đường chéo của khung hình) khoảng 32 – 35mm, do đó ống kính 50mm của khổ 35mm trở thành một ống kính tele lửng (tương đương với khoảng 75 – 80mm). Ống kính zoom 18 – 200mm của máy ảnh kỹ thuật số có góc nhìn gần tương đương với ống kính zoom 28 – 300mm của máy ảnh SLR 35mm. Để biết được hệ số chuyển đổi tiêu cự tương đương với ống kính của máy ảnh SLR 35mm, hãy nhân tiêu cự của ống kính máy ảnh kỹ thuật số khổ APS-C cho 1,5x hoặc 1,6x tùy theo hiệu máy ảnh.

Đối với một số máy ảnh kỹ thuật số chuyên nghiệp như Canon EOS 1Ds series, EOS 5D, Nikon D3 series và D700, v.v… có kích thước cảm biến hình ảnh 24 x 36mm giống như khổ phim của máy ảnh SLR 35mm do đó ta không cần phải nhân hệ số chuyển đổi khi dùng ống kính của máy ảnh SLR 35mm.

GÓC CHUYỂN ĐỔI ỐNG KÍNH CỦA CÁC KHỔ CHỤP KHÁC NHAU. 

Góc nhìn của ống kính

Góc rất rộng

97 độ

Góc rộng

75 độ

Trung bình

46 độ

Tele lửng

27 độ

Tele vừa

12 độ

DSLR

(hệ số 1,6x)

12mm

18mm

32mm

56mm

128mm

SLR 35mm

19mm

28mm

50mm

90mm

200mm

Phim 6 x 6 cm

40mm

(88 độ)

50mm

80mm

150mm

(30 độ)

350mm

(13 độ)

CÁC ỐNG KÍNH CHỈ SỬ DỤNG ĐƯỢC CHO MÁY ẢNH KỸ THUẬT SỐ.

Vì hiện tại có rất nhiều loại máy ảnh kỹ thuật số có cảm biến hình ảnh nhỏ hơn phim 35mm, nên các nhà sản xuất máy ảnh và ống kính đều sản xuất ra một chủng loại ống kính chỉ dành cho máy ảnh kỹ thuật số khổ APS-C mà thôi. Sự khác biệt đầu tiên của loại ống kính này so với ống kính khổ 35mm là chúng có góc nhìn hẹp hơn, và tất nhiên là rẻ tiền hơn. Đa số các loại ống kính này đều có cùng ngàm với ống kính 35mm và có thể gắn lên máy ảnh 35mm cùng hiệu (ngoại trừ các loại ống kính Canon EF-S), nhưng chúng không thể phủ hết góc nhìn của khổ 35mm nên hình ảnh chụp bằng loại ống kính này với khổ 35mm sẽ bị tối bốn góc.

Mặt phẳng của cảm biến CCD và CMOS bóng hơn nhũ tương phim, do đó ánh sáng sẽ phản chiếu từ mặt phẳng của cảm biến lên thấu kính sau cùng của ống kính nhiều hơn. Do đó các loại ống kính chỉ dành cho máy ảnh kỹ thuật số được tráng lớp phủ chống lóe dày hơn ở thấu kính cuối cùng để hấp thu các tia phản chiếu, nhằm bảo đảm cho hình ảnh có được độ tương phản tốt. 

MÁY ẢNH CANON.

Từ cuối những năm 1980, hãng Canon đã cho ra đời hệ thống máy ảnh EOS 35mm tự động lấy nét với công nghệ điện tử mới nhất thời bấy giờ. Ống kính Canon EOS được đặt tên là ống kính EF, ví dụ như ống kính “EF 28 – 85mm”. Khi sản xuất máy ảnh SLR kỹ thuật số, Canon tiếp tục sản xuất hệ thống ống kính EF. Do đó tất cả ống kính EF đều có thể dùng được với các loại máy ảnh Canon kỹ thuật số khổ 35mm và khổ APS-C. Khi Canon cho ra đời máy ảnh kỹ thuật số Rebel, họ cũng đồng thời sản xuất ra dòng ống kính chỉ sử dụng được với máy ảnh kỹ thuật số, được gọi là ống kính EF-S. Dòng ống kính này sử dụng cùng một loại ngàm và mạch điện tử như ống kính EF, nhưng không thể dùng được với các loại máy ảnh SLR 35mm và các loại máy ảnh Canon full-frame. Ống kính EF-S chỉ có thể được dùng với dòng máy ảnh Rebel và dòng máy ảnh EOS 20D tới 60D… mà thôi.

Trước khi sản xuất ra hệ thống ống kính EOS, máy ảnh Canon sử dụng một hệ thống ngàm ống kính khác được gọi là ngàm “FD”. Các loại ống kính này lấy nét bằng tay và có một vòng khẩu độ cơ học, chúng không thể dùng được với máy ảnh EOS. 

MÁY ẢNH MINOLTA MAXXUM/SONY ALPHA.

Hãng Minolta sản xuất ra máy ảnh SLR 35mm tự động lấy nét đầu tiên vào năm 1985, được bán tại Hoa Kỳ với tên thương hiệu là Maxxum. Sau khi hợp nhất với hãng Konica, Minolta đã sản xuất ra máy ảnh kỹ thuật số Maxxum 7D và 5D dùng cùng một hệ thống ngàm ống kính như máy ảnh Maxxum SLR 35mm. Đầu năm 2006 Konica Minolta rời bỏ thị trường máy ảnh. Hãng điện tử Sony tiếp tục sản xuất hệ thống máy ảnh kỹ thuật số dựa trên nền tảng của máy ảnh kỹ thuật số Maxxum, và đặt tên là hệ thống máy ảnh kỹ thuật số Alpha. Máy ảnh kỹ thuật số Sony Alpha đầu tiên là chiếc A100 rất giống như chiếc máy ảnh kỹ thuật số Maxxum 5D cuối cùng. Tất cả các loại ống kính Maxxum và Alpha đều có thể dùng chung với nhau được, do đó ống kính Maxxum được sản xuất từ một phần tư thế kỷ trước vẫn có thể dùng được với máy ảnh kỹ thuật số Sony đời mới nhất, và ngược lại. 

MÁY ẢNH NIKON.

Hãng Nikon vẫn tiếp tục sử dụng ngàm ống kính F, được coi là ngàm ống kính huyền thoại, được sản xuất với máy ảnh SLR 35mm đầu tiên vào năm 1950, cho tất cả các loại máy ảnh kỹ thuật số SLR của mình. Nikon hiện vẫn đang sản xuất ba dòng ống kính, và tất cả đều có thể sử dụng được với máy ảnh kỹ thuật số Nikon. Dòng ống kính DX là dòng ống kính về mặt lý thuyết chỉ sử dụng được với máy ảnh kỹ thuật số SLR khổ APS-C, chứ không dùng được với máy ảnh kỹ thuật số full-frame mà Nikon gọi là máy ảnh FX. Nhưng trên thực tế khi gắn ống kính DX lên máy ảnh kỹ thuật số FX, máy ảnh sẽ tự động nhận biết và sử dụng một phần cảm biến để thu nhận hình ảnh của ống kính DX mà thôi. Dòng ống kính D là dòng ống kính sử dụng được cả cho máy phim lẫn máy số. Dòng ống kính D có một vòng khẩu độ cơ học để điều chỉnh độ mở ống kính khi dùng với máy ảnh cơ như Nikon F3, FM2, v.v… đồng thời cũng được tích hợp các chấu tiếp xúc CPU để dùng với các loại máy ảnh phim điện tử như Nikon F4, F5, F100, F6, v.v… và máy ảnh kỹ thuật số. Dòng ống kính G cũng sử dụng được với cả máy phim lẫn máy số, nhưng lại không có vòng điều chỉnh khẩu độ nên chỉ sử dụng được với các loại máy ảnh có chức năng điều chỉnh độ mở ống kính trên thân máy ảnh mà thôi.

Về cơ bản, ngàm ống kính sử dụng cho tất cả các loại máy ảnh SLR của Nikon đều không thay đổi, nên máy ảnh Nikon chủ yếu chỉ thay đổi cách tiếp xúc điện tử giữa ống kính và máy ảnh, cũng như thay đổi hệ thống tự động lấy nét để máy ảnh có thể tương thích với các ống kính đời cũ mà thôi. Đây cũng chính là lợi thế của máy ảnh Nikon khi với máy ảnh kỹ thuật số đời mới nhất như máy D7000 (sản xuất năm 2010), bạn vẫn có thể sử dụng được nhiều thế hệ ống kính được sản xuất từ năm 1950 cho đến nay, và vẫn đo sáng được bình thường ngoại trừ việc phải lấy nét bằng tay. 

MÁY ẢNH PENTAX.

Dòng ống kính kỹ thuật số hiện nay của Pentax được gọi là dòng ống kính DA. Ống kính loại này sử dụng ngàm Pentax K của máy ảnh SLR 35mm, nhưng góc nhìn của ống kính hẹp hơn vì cảm biến hình ảnh của máy ảnh kỹ thuật số Pentax nhỏ hơn khổ 35mm. Do đó khi sử dụng ống kính DA với máy ảnh SLR 35mm, hình ảnh sẽ bị tối bốn góc. Ống kính DA không có vòng khẩu độ, do đó chỉ sử dụng được với máy ảnh có chức năng mở độ mở ống kính trên thân máy ảnh mà thôi.

Có lẽ sau Nikon, Pentax là hiệu máy ảnh thứ hai cho phép sử dụng được nhiều ống kính đời cũ nhất. Máy ảnh SLR kỹ thuật số Pentax sử dụng được các loại ống kính Pentax K đời đầu dành cho máy ảnh SLR 35mm, được sản xuất khoảng giữa năm 1970. Nếu ống kính có chức năng tự động kiểm soát độ mở (Pentax KA), và tự động lấy nét (Pentax KAF) thì sẽ có thể kết nối hoàn toàn với máy ảnh kỹ thuật số Pentax. Máy ảnh kỹ thuật số Pentax cũng có thể sử dụng được các loại ống kính vặn răng – thường được gọi là ống kính M42 – được sản xuất từ năm 1960 và đầu những năm 1970, với điều kiện được dùng với một thiết bị chuyển đổi được gọi là Pentax Lens Mount Adapter B.

Hiện nay Pentax đang liên doanh với hãng Samsung (Hàn quốc) để sản xuất máy ảnh SLR kỹ thuật số, do đó hiện nay (và cũng có thể trong tương lai), máy ảnh kỹ thuật số SLR Samsung cũng có thể sử dụng chung ống kính với Pentax. 

MÁY ẢNH OLYMPUS.

Không giống như các hiệu máy ảnh SLR 35mm khác, Olympus chưa bao giờ thành công với hệ thống máy ảnh SLR 35mm tự động lấy nét, do đó không có được một hệ thống ống kính kế thừa cho máy ảnh kỹ thuật số SLR của họ. Nên họ đã tạo ra một hệ thống ống kính mở khác cho các hãng sản xuất máy ảnh khác, gọi là hệ thống ống kính 4:3 (Four Thirds system). Máy ảnh kỹ thuật số SLR Olympus sử dụng cảm biến hình ảnh có tỷ lệ 4:3, kích thước 17,3 x 13mm, lớn hơn cảm biến hình ảnh của các loại máy ảnh “point-and-shoot” nói chung, nhưng lại tương đối nhỏ so với cảm biến của máy ảnh kỹ thuật số khổ APS-C (23 x 16mm). Do đó ống kính Olympus có hệ số 2x so với máy ảnh SLR 35mm. Ống kính 25mm đời mới của Olympus tương đương với ống kính 50mm của máy ảnh SLR 35mm, và ống kính 14mm tương đương với ống kính 28mm, v.v… Các loại ống kính này được thiết kế đặc biệt để chỉ sử dụng được với máy ảnh kỹ thuật số mà thôi, và thường được gọi là ống kính Pancake (bánh kẹp) vì thân ống kính rất ngắn.

Trước kia Olympus cũng có sản xuất một hệ thống máy ảnh SLR và ống kính lấy nét bằng tay được gọi là hệ thống OM rất nổi tiếng. Olympus cũng có sản xuất ra adapter để sử dụng ống kính OM với máy ảnh kỹ thuật số SLR Olympus nhưng bị rất nhiều giới hạn nên không được ưa chuộng. 

ỐNG KÍNH CỦA CÁC HÃNG THỨ BA.

Ống kính của các hãng thứ ba sản xuất thường cũng có những đặc tính tương thích như ống kính chính hãng. Ví dụ ống kính Tamron sản xuất cho máy ảnh Canon EOS vẫn hoạt động tốt với máy ảnh như ống kính chính hãng. Ống kính của các hãng thứ ba thường vẫn giữ lại vòng khẩu độ đối với hiệu máy ảnh Nikon và Pentax rất lâu sau khi hai hãng này đã sản xuất ra dòng ống kính đời mới khác. 

ỐNG KÍNH SIGMA.

Hãng Sigma sản xuất ra rất nhiều dòng và rất nhiều chủng loại ống kính, vì chính Sigma cũng tự sản xuất máy ảnh kỹ thuật số SLR với cảm biến hình ảnh Foveon X3. Dòng ống kính DC của Sigma là dòng ống kính chỉ sử dụng cho máy ảnh kỹ thuật số khổ APS-C. Dòng ống kính DG được tối ưu hóa để sử dụng với máy ảnh kỹ thuật số, nhưng vẫn hoạt động tốt với máy ảnh SLR 35mm và sử dụng được với máy ảnh kỹ thuật số full-frame. 

ỐNG KÍNH TAMRON.

Thế hệ ống kính mới nhất của Tamron được gọi là dòng ống kính Di-II. Dòng ống kính này chỉ sử dụng được với máy ảnh kỹ thuật số khổ APS-C. Tamron cũng có sản xuất ra dòng ống kính Di dùng được cho cả máy phim lẫn máy số, được cải tiến về mẫu mã và được phủ nhiều lớp chống lóe hơn để hoạt động tốt hơn với máy ảnh kỹ thuật số, so với các loại ống kính trước kia chỉ dành cho máy phim. 

ỐNG KÍNH TOKINA.

Ống kính Pro DX của Tokina chỉ sử dụng được với máy ảnh khổ APS-C, không dùng được với máy ảnh khổ 35mm. Dòng ống kính Tokina ProD là dòng ống kính được tráng nhiều lớp chống lóe để hoạt động hiệu quả với cả máy ảnh kỹ thuật số full-frame lẫn máy ảnh phim 35mm.