Ý tưởng nhiếp ảnh

"...Đây là một bài rất hay mà tôi tin rằng có những kiến thức rất hữu ích và nhiều thông tin có thể bạn chưa biết. Mong muốn giới thiệu đến các bạn thành viên cùng đọc, và mong nhận được những góp ý chân thành." BTV Lục Bình

Tác giả bài viết và ảnh chụp của Ron Bigelow

www.ronbigelow.com

Nếu bạn đọc bài viết này, thì có nghĩa bạn đang tìm kiếm những ý tưởng cho việc chụp ảnh của bạn. Nếu bạn muốn có ý tưởng và suy nghĩ cách để làm ra một album ảnh hay thực hiện một bộ ảnh thiên nhiên nào đó.Thì những gì trình bày trong bài viết này có thể không giúp ích được gì cho bạn, tôi muốn trình bày bài này theo một  cách tiếp cận khác, nó giúp bạn phát triển những kỹ năng trong nhiếp ảnh. Từ đó bạn có thể hoàn thiện các hình ảnh tốt hơn. 

Bài này tôi sẽ trình bày mười hai ý tưởng nhiếp ảnh. Mỗi ý tưởng là một kỹ năng  có thể được sử dụng làm nền tảng để thực hiện các công việc liên quan. Những kỹ năng này cho phép bạn chọn lựa và vận dụng  nó vào nhiếp ảnh. Về cơ bản, sau mỗi kỹ năng, bạn sẽ được yêu cầu thực hiện các hình ảnh bằng cách vận dụng các kiến thức đã trình bày trong từng phần.Một khi bạn đã nắm vững một kỹ năng, bạn có thể chuyển sang kỹ năng khác và tiếp tục hoàn thiện cho đến khi hoàn thành tất cả.

Với cách tiếp cận này, bạn sẽ kết thúc với một loạt các hình ảnh ấn tượng  và nâng cao nhiều kỹ năng khác nhau.Các kỹ năng sẽ được đề cập bao gồm:

  • Màu sắc
  • Tông màu tương phản
  • Quy tắc tam giác
  • Vùng ảnh phụ
  • Tâm trạng
  • Ánh sáng yếu
  • Cân bằng
  • Hiệu ứng căng thẳng
  • Đóng Khung
  • Hình màu trên nền trắng đen
  • Thuật kết hợp sáng tối
  • Phản chiếu 

1. Màu sắc 

 

Hình 1: Màu sắc

Chúng ta sẽ bắt đầu bằng kỹ năng “Màu sắc”, đơn giản vì nó là yếu tố dễ thu hút người xem. Thật vậy, hai đối tượng thường được các nhiếp ảnh gia chọn phổ biến nhất là cảnh hoàng hôn và hình ảnh bông hoa, là vì màu sắc của nó. Vì vậy, việc sử dụng màu sắc là cách hiệu quả nhất để tạo ảnh hưởng trong các hình ảnh. Tuy nhiên, để sử dụng màu sắc hiệu quả, chúng ta cần phải hiểu về nó.

Có ba khía cạnh của màu sắc được sử dụng để làm thay đổi hình ảnh đó là : sắc thái màu(hue), độ bão hòa (saturation) và độ tương phản màu(contrast).

  • Sắc thái màu (Hue): Là những gì chúng ta thường nghĩ như là màu sắc (về mặt kỹ thuật, màu sắc được xác định bởi các bước sóng của ánh sáng).  

    Một trong những lý do lớn nhất mà sắc thái màu có ảnh hưởng lớn đối với nhiếp ảnh là do hệ thống thị giác của hai người khác nhau sẽ nhạy cảm với màu sắc khác nhau. Đối với ba màu cơ bản (đỏ, xanh lá cây, và xanh dương), thị giác của con người nhạy cảm nhất với màu đỏ, kế đến là màu xanh lá cây, và rất ít nhạy cảm với màu xanh dương (có khoảng hai phần ba tế bào hình nón của mắt phát hiện màu đỏ, một phần ba phát hiện màu xanh lá cây, và chỉ một phần trăm phát hiện màu xanh dương). Kết quả là, hình ảnh có nhiều màu đỏ (hoặc các màu liên quan đến đỏ như màu da cam) có xu hướng thu hút sự chú ý của người xem nhiều nhất. Vì vậy, để tạo ra những hình ảnh bắt mắt, chúng ta cần bắt đầu với các đối tượng chứa nhiều màu sắc.

    Tuy nhiên, còn có những ý nghĩa khác nữa mà sắc thái màu có thể tác động đến hệ thống nhận thức của con người. Đó là những tác động về cảm xúc. Trong nhiều trường hợp, các màu sắc ấm áp (ví dụ, màu đỏ, cam, và màu vàng) mang lại cảm giác thoải mái. Ví dụ như: ánh sáng đỏ của lò sưởi, hay hoàng hôn có màu da cam rực rỡ, hoặc một bông hoa màu vàng rất đẹp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, màu đỏ có thể mang lại cảm xúc khác như cảnh báo điều gì đó hay gây phấn khích (đó là lý do tại sao các bảng hiệu giao thông và xe chữa cháy được sơn màu đỏ). Màu xanh lá cây thường mang lại cảm giác mới lạ hoặc tạo ra hiệu ứng tươi mát (như đồng cỏ xanh tươi , mùa xuân,). Màu xanh dương có xu hướng tạo cảm giác êm đềm như một đại dương yên bình trong buổi hoàng hôn.

    Thế thì, những điều này có ý nghĩa gì với một nhiếp ảnh gia? Về cơ bản, sắc thái màu làm nổi bật hình ảnh, nên cần được lựa chọn cẩn thận để phù hợp với từng tâm trạng, đó chính là ý nghĩa của nó.Ví dụ, nếu dùng màu xanh lá cây thích hợp có thể nổi lên các cung bậc của một cảnh quan, nhưng lại làm giảm đi hình ảnh lãng mạn của bức ảnh. 
  • Độ bảo hoà (Saturation): được hiểu như là “sự tinh khiết” của màu sắc. Ví dụ, độ bão hòa mạnh của màu đỏ sẽ làm nó đỏ rực rỡ, trong khi độ bão hòa thấp làm màu đỏ bị loãng ra và biến thành màu đỏ nhợt nhạt. Độ bảo hoà rất quan trọng vì nó giúp xác định độ mạnh yếu của một màu. Màu sắc có độ bảo hoà càng cao, sẽ tạo cảm giác mạnh mẽ bên trong tri giác của con người, trong khi độ bão hòa thấp tạo ra một cảm giác yếu mềm. Đối với nhiếp ảnh gia, độ bão hòa màu sắc có ý nghĩa tạo ra cảm giác mạnh hoặc yếu trong các bức hình của họ. 
  • Độ tương phản (Contrast): Độ tương phản dùng để chỉ hai hoặc nhiều màu sắc đối nghịch nhau tạo ra sự tương phản. Sử dụng màu sắc tương phản là một trong những cách hiệu quả nhất để tạo ra hình ảnh ấn tượng. Làm tri giác của con người, trở nên kích thích (nói cách khác, hệ thống thị giác của chúng ta được thiết lập để đáp ứng sự tương phản màu sắc này). Vì vậy, tại sao chúng ta không sử dụng nó để tạo ra hình ảnh tuyệt vời, bằng cách tìm kiếm các đối tượng có màu tương phản cao.

 Trước khi kết thúc phần kỹ năng này, tôi sẽ chỉ định cho bạn một việc, hãy thực hiện những tấm ảnh có sử dụng màu sắc để thu hút sự chú ý của người xem. Sử dụng kiến thức của bạn về sắc thái màu, độ bão hòa, và độ tương phản màu sắc có thể nâng cao hình ảnh.

2. Tông màu tương phản

Hình 2: tông màu tương phản 

Cùng với yếu tố màu sắc, một trong những cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của người xem là sử dụng tông màu tương phản. Cụ thể, ta dùng các tông màu tương phản cao, để thu hút sự chú ý. Giống như  độ tương phản trong “màu sắc”, tông màu tương phản cũng kích thích hệ thống thị giác của con người. Nói cách khác, đôi mắt và bộ não thường chú ý đặc biệt các khu vực có độ tương phản cao trong bức hình. Đây là một cơ hội lớn cho các nhiếp ảnh gia như chúng ta tận dụng lợi thế này. Điều này được thực hiện bằng cách đưa nhiều đối tượng tương phản cao vào trong hình ảnh của chúng ta. 

Dù vậy, việc đưa nhiều đối tượng tương phản cao vào trong một hình ảnh là không đủ. Mà ta cần phải điều khiển được mức độ tương phản của nó. Điều đó có nghĩa là độ tương phản phải được đặt vào những nơi thích hợp. Trong hầu hết trường hợp, điều này có thể đạt được thông qua hai nguyên tắc sau đây:

  • Các vùng ảnh tích cực trong bức hình cần có sự tương phản cao.
  • Và các vùng còn lại thì sẽ không có hoặc it tương phản. 

Khi vùng ảnh tích cực trong bức hình có độ tương phản cao, mắt của người xem sẽ nhanh chóng bị lôi kéo vào đó. Sự tương phản cao của các vùng ảnh tích cực cũng sẽ giữ sự chú ý người xem và hạn chế nhìn vào những khu vực khác. Đó là lý do ta không nên làm cho những đối tượng còn lại trong tấm ảnh có độ tương phản cao, nếu không nó sẽ thu hút sự chú ý người xem ra khỏi vùng ảnh tích cực. Điều này làm hình ảnh bị suy yếu. 

Tất nhiên, trong nhiếp ảnh các quy tắc đều có thể bị phá vỡ. Đôi khi, có hai vùng ảnh tương phản cao trong cùng một bức ảnh, để cố tình tạo ra sự căng thẳng. Lúc này sự chú ý của người xem sẽ bị lôi kéo về hai phía trước và sau giữa hai vùng tương phản –gây nên sự căng thẳng. Kỹ thuật này vẫn có thể dùng, khi bạn cần tạo ra sự căng thẳng trong một hình ảnh trong vài trường hợp đặc biệt. 

Công việc của bạn trong phần này là tạo ra các hình ảnh có sử dụng tông màu tương phản để tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ. Mục đích chính của bài tập này để bạn có thể điều chỉnh mức độ tương phản trong các tấm hình - đặc biệt bạn phải đặt độ tương phản vào nơi mà nó sẽ phát huy tác dụng tối đa. 

3. Quy tắc Tam giác

Hình 3: quy tắc tam giác 

Có nhiều kỹ thuật sắp xếp trong nhiếp ảnh. Một trong số đó là nguyên tắc tam giác. Kỹ thuật này liên quan đến việc sáng tác ảnh, trong đó có ba hoặc nhiều đối tượng hình thành nên một tam giác. 

Hãy tưởng tượng ra các đường thẳng kết nối ba điểm. Nó tạo ra một hình ảnh rất năng động. Mắt của người xem sẽ có xu hướng di chuyển qua lại dọc theo đường kết nối các điểm của hình tam giác này. Nếu có nhiều hơn ba đối tượng trong hình ảnh, thì các đối tượng dư ra cần phải nằm trên một cạnh. 

Các đối tượng thường đồng nhất hay tương tự nhau (ví dụ như nhiều bông hoa) hoặc chúng có cùng mối liên hệ với nhau (ví dụ các loại linh kiện khác nhau nằm trong một cửa hàng). 

Có hai loại tam giác có thể được áp dụng đó là : tam giác đơn tâm và tam giác đa tâm. 

Rất nhiều bức hình thành công khi áp dụng loại tam giác đơn tâm này. Tam giác đơn tâm được hiểu là một trong những đối tượng nằm trên một đỉnh của tam giác có chức năng như vùng ảnh tích cực. Các đối tượng còn lại trên tam giác sẽ hỗ trợ và nâng cao vùng ảnh tích cực theo nhiều cách: như ít sắc nét hơn, giảm độ tương phản hay độ bão hòa, và kích thước chúng cũng có thể khác nhau. 

Trong khi tam giác đa tâm, tất cả các đối tượng nằm trên tam giác đều quan trọng như nhau trong một tấm hình. Một ví dụ về cách sử dụng tam giác đa tâm này là chụp chân dung một gia đình,  sắp xếp sao cho đầu của các thành viên tạo nên một hình tam giác. Các thành viên trong gia đình đều có tầm quan trọng như nhau và cần được cân bằng trong bức chân dung.

Lấy từ nguồn www.old-picture.com

Trong phần này, mục đích chính của bạn là tạo ra các hình ảnh có áp dụng nguyên tắc tam giác. Bạn có thể xem xét và thử kỹ thuật này với nhiều đối tượng (ví dụ, con người, thiên nhiên, cấu trúc thành phố và các đồ dùng ...). 

4. Sử dụng vùng ảnh phụ

Hình 4: Hình dùng nguyên tắc vùng ảnh phụ

Bất kỳ bức ảnh nào có ba thành phần như bên dưới,  được xem như có áp dụng nguyên tắc vùng ảnh phụ

  • Khung bao: là các đường biên xác định các cạnh của hình ảnh.
  • Vùng ảnh tích cực: nơi chứa chủ đề chính của tấm hình.
  • Vùng ảnh phụ: là không gian nằm giữa các vùng ảnh tích cực và khung bao. 

Khi sáng tác ảnh, nhiều người có xu hướng chỉ nghĩ về chủ đề chính (vùng ảnh tích cực). Các khu vực còn lại (vùng ảnh phụ), thường bị bỏ mặc khi chụp. Đây là một sai lầm! Nếu sử dụng đúng cách, vùng ảnh phụ sẽ thực hiện một trong hai chức năng rất quan trọng sau đây:

  • Xác định nguồn gốc của chủ đề chính (vùng ảnh tích cực) bằng cách cung cấp các thông tin chi tiết để xác định được nó. Ví dụ: bức hình chụp cận ảnh một thác nước, ta thấy nước đổ xuống rất đẹp. Nhưng nó không cho ta biết chính xác dòng thác này nằm ở đâu, có thể nằm trong một công viên, khu rừng hay một nơi nào đó. Nhưng nếu ta chụp bức hình rộng thêm, thấy được quang cảnh xung quanh. Bao quanh dòng thác là một khu rừng nhiệt đới (vùng ảnh phụ) tươi tốt ẩn trong sương mai. Những chi tiết này giúp ta xác định được thác nước ở đâu. Tuy nhiên, khi sử dụng vùng ảnh phụ với mục đích này, điều quan trọng nhất là nó không được lấn áp chủ đề chính(vùng ảnh tích cực). Bằng cách làm mờ khu rừng nhiệt đới làm nó mất nét, để không lấn áp thác nước.
     
  • Làm nổi bật chủ đề vì vùng ảnh phụ có thể giúp kiểm soát được mắt người xem.Nếu dùng nó theo cách này, vùng ảnh phụ thường không có nhiều chi tiết va mờ. Hơn nữa, thường màu sắc của vùng ảnh phụ  tương phản với màu của vùng ảnh tích cực. Điều này, giúp người xem tập trung sự chú ý vào vùng ảnh tích cực – vì vậy, mà chủ đề chính được nổi bật. 

Do đó, để tạo ra hình ảnh mạnh mẽ, các nhiếp ảnh gia cần phải xem xét các vùng ảnh phụ khi sáng tác  ảnh.Vì thế khi chụp, bạn cần phải xác định mục đích sử dụng vùng ảnh phụ hoặc làm nổi bật hoặc xác định nguồn gốc ảnh chính. 

Trong phần này, bạn hãy chụp các hình ảnh có dùng “vùng ảnh phụ”.  Trong từng bức hình, bạn cố gắng sử dụng hai chức năng của “vùng ảnh phụ” vào trong kết cấu của tấm hình 

5. Tâm trạng

Hình 5: Tâm trạng

 Việc thể hiện tâm trạng vào trong một hình ảnh có thể là một công cụ rất mạnh mẽ. Tâm trạng giúp một hình ảnh có thể truyền cảm xúc và thu hút người xem. Có nhiều cách để đưa tâm trạng vào trong một hình ảnh. Hai cách được sử dụng phổ biến nhất là dùng ánh sáng và thời tiết.

  • Ánh sáng (Light): Ánh sáng có tác dụng rất mạnh mẽ truyền tải tâm trạng vào trong hình ảnh. Các loại ánh sáng khác nhau sẽ tạo ra những tâm trạng khác nhau. Ánh sáng lúc trưa thường tạo một tâm trạng rất khắc nghiệt. Vì lúc đó ánh sáng thường có độ tương phản rất cao và nó làm giảm độ bão hoà màu sắc của những vật xung quanh. Đây là loại ánh sáng có thể áp dụng cho quang cảnh của một thị trấn vắng vẻ, bỏ hoang ở giữa sa mạc. Ánh sáng trưa giúp ta nhấn mạnh những môi trường khắc nghiệt tồn tại trong một nơi nào đó.

    Mặt khác, các nhiếp ảnh gia cũng thường sử dụng ánh sáng để tạo ra cảm giác lôi cuốn. Ánh sáng xảy ra khoảng nửa giờ sau khi mặt trời mọc và khoảng một giờ rưỡi trước khi hoàng hôn được xem là tuyệt nhất. Vì lúc này ánh sáng được khuếch tán và có độ bão hòa cao. Nên nó thường được sử dụng để tạo cảm giác ấm cúng hoặc lãng mạn.
     
  • Thời tiết (Weather): Thời tiết là một cách tuyệt vời để tạo ra tâm trạng.Cụ thể, thời tiết càng khắc nghiệt thì sẽ tạo ra nhiều tâm trạng. Trái với nhiều người, họ chỉ muốn được ở trong nhà khi thời tiết xấu, thì đó là lúc bạn cần ôm chiếc máy ảnh và ra khỏi nhà.Khi cơn bão bắt đầu và trước khi kết thúc là thời gian lý tưởng để tạo ra những hình ảnh đầy tâm trạng. Những đám mây  đen dày đặc sẽ khuếch tán ánh sáng sẽ giúp bạn thể hiện tốt mục đích này. Ngoài ra, những ngày mù sương  cũng được dùng để tạo ra cảm giác thần bí. 

Dù bạn dùng cách nào, ánh sáng hay thời tiết để tạo ra tâm trạng, điều quan trọng nhất là phải xác định chính xác tâm trạng bạn muốn chuyển tải vào trong hình ảnh. Sau đó, chọn lựa cẩn thận thể loại ánh sáng hay thời tiết để tạo ra tâm trạng thích hợp. Điều này đòi hỏi bạn phải có kế hoạch cụ thể. Bạn cần phải có trước một ý tưởng trong đầu về những gì bạn muốn tạo ra (điều này được gọi là previsualization ). Sau cùng, bạn cần phải đợi cho đến khi có được những điều kiện thời tiết thích hợp để chụp hình.

Trong phần này bạn hãy sử dụng ánh sáng và thời tiết để tạo ra các hình ảnh đặc trưng thể hiện từng tâm trạng. 

6. Ánh sáng yếu

Hình 6: Minh hoạ ánh sáng yếu

Khi mặt trời lặn, nhiều nhiếp ảnh gia đóng lại các thiết bị và máy ảnh của họ và về nhà. Nhưng những nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm thì khác. Một số bức ảnh tuyệt vời có thể được chụp sau khi mặt trời đã vượt qua đường chân trời. Có rất nhiều cơ hội như vậy. Hai cơ hội phổ biến thường được tận dùng đó là chụp ánh trăng và phơi (một thuật ngữ dân nhiếp ảnh ám chỉ chụp hình với thời gian màn trập mở lâu).

  • Chụp ánh trăng (Moonlight): Mặt trăng tròn trông mềm mại, ánh sáng nhẹ nhàn toả trên khắp mặt đất.Đó là cơ hội để tạo ra những hình ảnh đẹp. Để đưa được ánh trăng vào được trong bức ảnh, chúng ta cần phải chụp ngay sau khi mọc lên, hoặc ngay trước khi nó lặn. Nghĩa là vị trí của nó chỉ cách không xa đường chân trời.Đối với kiểu chụp này, chúng ta cần thiết lập thời gian phơi sáng thích hợp để thấy rõ các chi tiết bên trong mặt trăng. Nếu không, mặt trăng sẽ trở thành một đốm sáng. Có một giải pháp khác, là cố định máy ảnh trên chân máy ba càng và chụp hai lần. Lần thứ nhất cài đặt độ phơi sáng sao cho thấy rõ các chi tiết của mặt trăng. Lần thứ hai để lấy chi tiết trong phần còn lại của bức ảnh. Sau đó dùng phần mềm kết hợp lại khi sửa ảnh. 
  • Phơi (Long Exposures): Phơi có nghĩa chụp trong thời gian dài, kỹ thuật này được áp dụng trong các tình huống ánh sáng yếu. Tất nhiên, trong điều kiện ánh sáng yếu việc phơi lâu sẽ cho phép nhiều ánh sáng hơn đi vào máy ảnh. Chúng có thể được sử dụng để sáng tác. Ví dụ, dùng kỹ thuật phơi để làm mờ chuyển động. Một ví dụ khác sử dụng phơi để chụp bãi biển.  Các chuyển động sóng sẽ bị mờ gây hiệu ứng các ngọn sóng biến thành đám mây bao quanh bờ biển. Tương tự như vậy, việc phơi lâu ban đêm có thể tạo ra một vệt đèn pha chạy dọc suốt những con đường.  Việc phơi sáng lâu chỉ bị giới hạn bởi chính đầu óc của bạn mà thôi. 

Bạn hãy thực hiện các tình huống trong điều kiện ánh sáng yếu.  Mục đích của phần này yêu cầu bạn vận dụng trí tưởng tượng để xác định và thực hiện việc chụp  quang cảnh ngay sau khi mặt trời lặn.  

7. Cân bằng

Hình 1: Cân bằng 

Thông thường, các nhiếp ảnh gia hay tìm những đề tài về cân bằng. Hình ảnh cân bằng là một hình ảnh được sắp xếp hài hoà hay cân đối. Nó có xu hướng tạo ra một cảm giác thoải mái khi xem. Có rất nhiều cách tạo ra sự cân bằng trong bức ảnh. Ba cách phổ biến mà chúng ta sẽ xem xét bên dưới đây là: cân bằng bố cục, màu sắc, và tông tương phản.

  • Cân bằng theo bố cục (Composition): mục tiêu tạo ra các hình ảnh mà chúng không có bất kỳ điều gì bất thường hay bất đối trọng. Nói cách khác, bằng trực giác ta không thấy phần nào trong bức hình ảnh nặng hay nhẹ hơn những  phần khác.

    Có một vài cách để thực hiện điều này. Cách đầu tiên là tạo ra một hình ảnh đối xứng. Hình ảnh này trông giống như đối xứng theo chiều dọc (hay chiều đứng). Các hình ở hai phía nhìn tương tự nhau và có cùng trọng lượng.

    Một cách khác là làm theo quy tắc “một phần ba”. Nguyên tắc này có xu hướng làm cho hình ảnh trông cân bằng. Trong trường hợp này, hình ảnh không nhất thiết phải đối xứng. Cân bằng theo nghĩa này,  được gọi là cân bằng bất đối xứng. Đây là một khái niệm không dễ để biết hết ý nghĩa của nó, một đơn giản dể hiểu là , khi áp dụng nguyên tắc một phần ba thì hình ảnh khi nhìn vào sẽ cảm thấy thoải mái – phân bố này không làm phần nào trong bức hình cảm thấy nặng nề.

Nguyên tắc một phần ba (www.instructables.com) 

  • Cân bằng theo màu sắc (Color): Một hình ảnh được gọi cân bằng theo màu sắc,khi nó có màu sắc hài hòa.Nói cách khác, không có xung đột cũng như tương phản mạnh về màu sắc. 
  • Cân bằng theo tông màu tương phản (Tonal Contrast):Một hình ảnh được gọi là ảnh cân bằng theo tông màu tương phản khi các màu sắc bên trong được kiểm soát chặc chẽ. Điều này không có nghĩa bên trong hình ảnh sẽ không có khu vực màu tương phản cao. Chúng vẫn có thể có, nhưng vùng tương phản cao là do được cố tình đưa vào (nghĩa là được kiểm soát) để thu hút sự chú ý đến một tâm điểm quan trọng nào đó. Các khu vực khác sẽ không có tương phản cao. 

Trong phần này, bạn hãy tạo ra nhiều hình ảnh với yêu cầu sử dụng những nguyên tắc: cân bằng về bố cục, cân bằng về màu sắc, và cân bằng về tông màu tương phản. 

8. Hiệu ứng Căng thẳng

Hình 2: Hiệu căng thẳng 

Hiệu ứng này không bao giờ muốn tạo ra một hình ảnh hài hòa.Trong thực tế, đôi khi các nhiếp ảnh gia cố tình tạo ra hiệu ứng căng thẳng trong một bức hình. Có nhiều cách tạo ra hiệu ứng căng thẳng. Ba cách phổ biến nhất đó là: sử dụng đường cong, tông màu tương phản, và hình ảnh có độ nặng nhẹ không đều nhau. 

  • Sử dụng đường cong (Curves):Một trong những cách hiệu quả nhất để tạo ra hiệu ứng căng thẳng là sử dụng các đường cong. Đường cong tạo ra sự căng thẳng bằng cách gây sự chú ý lên người xem, làm mắt họ liên tục nhảy từ một hình này sang  hình khác - không dừng lại tại bất kỳ điểm nào trong bức hình. Có một cách mà các đường cong có thể tạo ra hiệu ứng căng thẳng, là có hai hoặc nhiều đường cong giao nhau từ nhiều hướng. Vì mắt của người xem luôn nhìn theo đường chéo trước, sau đó mới đến các khu vực khác. Một cách khác nữa, để tạo ra hiệu ứng căng thẳng với đường cong là sử dụng nhiều đường cong lởm chởm chạy trong nhiều hướng khác nhau. Khi thực hiện đúng cách, nó không chỉ tạo ra hiệu ứng căng thẳng về thị giác mà còn tăng thêm cảm giác không thoải mái vào sự căng thẳng đó.

Bản quyền của www.123rf.com 

  • Sử dụng tông màu tương phản (Tonal Contrast): Tông màu tương phản gắt có thể tạo và tăng thêm cảm giác căng thẳng. Điều này đặc biệt đúng nếu có nhiều khu vực tương phản cao trong một hình ảnh. Mắt người xem bị kích thích khi nhìn từ vùng tương phản cao này đến vùng tương phản cao khác. Một lần nữa, điều này bắt mắt chúng ta chuyển động không ngừng và tạo ra sự căng thẳng. 
  • Sử dụng độ nặng nhẹ của hình ảnh (Visual Weight): Mức độ nặng nhẹ không đồng đều của hình ảnh cũng tạo ra hiệu ứng căng thẳng. Nghĩa là trong một bức ảnh, một phần hình ảnh này có vẻ nặng hơn là phần còn lại. Sự mất cân đối này làm cho mắt người xem luôn phải cố gắng cân bằng lại, nhưng thực tế không bao giờ có được. 

Mục tiêu của phần này giúp bạn tạo ra các hình ảnh có sử dụng các đường cong, tông màu tương phản, và độ nặng nhẹ của hình ảnh để nó có cảm giác căng thẳng. 

9. Đóng khung chủ đề

Hình 3: Đóng khung chủ đề 

Tạo một khung xung quanh chủ đề chính để thu hút sự quan tâm và là một cách rất hiệu quả cải thiện  hình ảnh. Khung bên ngoài có nhiệm vụ làm nổi bật tâm điểm chú ý, tăng thêm chiều sâu và dẫn dắt mắt người xem. 

  • Nổi bật tâm điểm của hình ảnh: Khi dùng đúng cách, phần khung sẽ là phần cung cấp chi tiết hay nội dung để làm nổi bật tâm điểm. Về cơ bản, phần khung đặt trung tâm của sự chú ý vào bối cảnh bằng cách trưng ra môi trường, nơi chốn,  địa điểm mà chủ đề tồn tại. 
  • Tạo chiều sâu: phần khung này hoạt động như một phần nền phía trước làm tăng chiều sâu cho hình ảnh. 
  • Dẫn dắt người xem: Phần khung này cũng có tác dụng dẫn mắt người xem, hướng vào tâm điểm của sự chú ý. Về cơ bản, phần khung có nhiệm vụ tập trung sự chú ý của người xem. 

Bạn hãy chụp một số hình ảnh có sử dụng việc đóng khung. 

10. Hình màu trong nền trắng đen

Hình 4: Hình màu trên nền trắng đen 

Kỹ thuật này tạo ra một hình ảnh, có chủ đề chính là hình màu nổi trên nền trắng đen. Mục tiêu của kỹ thuật này là muốn tập trung sự chú ý vào chủ đề chính của bức hình.

Kỹ thuật này thường được thực hiện nhờ vào phần mềm chỉnh sửa hình ảnh trên máy tính như Photoshop. Có rất nhiều cách để thực hiện. Một trong những cách đó được làm như sau (ví dụ bằng photoshop CS5 – chúng tôi mượn một tấm hình của trang web thegioidongvat.org để minh hoạ cho phần hướng dẫn của tác giả). 

1. 1. Mở một hình ảnh trong chương trình photoshop. Đặt tên hình ảnh gốc là “hình nền”.

  

 2. 2 Tạo một lớp mới phía trên lớp nền (bấm tổ hợp phím Ctrl-Shift-N). Đặt tên lớp mới này là “Lớp xám”,và chỉnh chế độ hoà trộn là “Saturation". như hình minh hoạ.

Sau đó phủ lớp này bằng một màu xám trung tính bằng cách bấm Shift-F5 và điền thông tin như hình mô tả bên dưới

3. 3. Tại lớp xám, dùng công cụ Magnetic Lasso Tools để chọn chủ đề chính, trong trường hợp này là con bướm.  Đảo vùng chọn bằng cách bấm Shift –D, 

4. 4. Sử dụng lựa chọn này để tạo ra một mặt nạ trên lớp xám bằng cách chọn menu Layer-> Layer Mask->Reveal selection. Ta được hình ảnh như sau

Mục tiêu của phần này là tạo ra các hình ảnh,  mà chủ đề là hình màu, trong khi mọi thứ còn lại đều là trắng đen. Một trong những thuận lợi, là bạn chỉ cần dùng một tấm hình có sẵn và áp dụng phương pháp trên.  

11. Thuật kết hợp sáng tối

Hình 5: Thuật kết hợp sáng tối 

Thuật kết hợp sáng tối là một phong cách ảnh, nó được thiết kế một cách đặc biệt để làm một chủ đề trở nên ấn tượng mạnh mẽ thông qua sự kết hợp của sắc độ nặng và độ tương phản cao 

  • Tương phản cao (High Contrast): Ánh sáng được bố trí sao cho chỉ một phần của đối tượng được chiếu sáng. Phần còn lại của chủ đề nằm chìm trong bóng tối. Một cách cụ thể, phần tâm điểm được chiếu sáng, phần còn lại thì không. Kỹ thuật này thực hiện bốn nhiệm vụ sau đây. Thứ nhất, nó thu hút sự chú ý đến phần tâm điểm. Thứ hai, nó loại bỏ đi những chi tiết rối rắm trong phần còn lại của hình ảnh. Thứ ba, nó có xu hướng tạo ra một cảm giác hình ảnh có chiều sâu. Thứ tư, nó làm hình ảnh thật sự ấn tượng vì sự tương phản cao. 
  • Sắc độ nặng (Low Key: có nghĩa phần lớn hình ảnh là màu tối. Trong thuật kết hợp sáng tối, chỉ có tâm điểm là được chiếu đủ sáng, hầu hết phần còn lại của hình ảnh chìm trong bóng tối. Bản chất của thuật kết hợp sáng tối là thường  tạo ra một hình ảnh có vẻ buồn. 
  • Tâm trạng (Mood): Phần mô tả trên có thể thấy rằng thuật sáng tối thường được sử dụng để tạo ra hình ảnh ấn tượng và buồn. 
  • Ánh sáng (Lighting): Có hai loại ánh sáng có thể được sử dụng để tạo ra hình ảnh trong thuật kết hợp sáng tối này, đó là: ánh sáng tự nhiên và đèn flash. Muốn tạo ra các bức hình loại này ở ngoài trời bằng cách sử dụng ánh sáng tự nhiên, là một thử thách lớn. Cách phổ biến nhất để thực hiện điều này là chụp lúc trời có nhiều mây, và có những tia sáng đi qua và chiếu sáng chủ đề của bạn. Ngược lại, khi chụp trong nhà, ánh sáng đi qua khung cửa sổ, là cơ hội tốt được tận dụng để chiếu sáng chủ đề. Với đèn flash trong tay, bạn có thể dễ dàng hơn rất nhiều. Kết hợp đèn flash và cửa điều sáng (hoặc bất cứ vật dụng nào có thể được sử dụng để chặn hoặc tập trung ánh sáng) để tạo ra chùm sáng nhỏ đủ chiếu sáng chủ đề. 

Đối với phần này, bạn được yêu cầu tìm cách tạo ra hình ảnh sử dụng Thuật kết hợp sáng tối. Phần này yêu cầu bạn phải chú ý đến cách điều tiết ánh sáng , làm sao để nó chỉ chiếu đủ sáng vào chủ đề bạn muốn chụp mà thôi. 

12. Sự phản chiếu

                    

Hình 6: Phản chiếu 

Sự phản chiếu làm ra một cơ hội lớn cho việc tạo hình. Hầu hết các bức ảnh phản chiếu được khai thác từ bề mặt thủy tinh hay nước. 

  • Bề mặt thuỷ tinh (Glass): Những hình ảnh phản chiếu qua bề mặt thủy tinh được hình thành chủ yếu qua các tòa nhà. Vì vậy, người ta thường chụp chủ yếu trong thành phố hoặc các khu vực ngoại ô. Việc lấy nét là một vấn đề lớn với những hình ảnh phản chiếu trên bề mặt thủy tinh. Vấn đề, thường các hình ảnh được phản chiếu toàn bộ hay chỉ một phần chủ đề, có thể thấy qua khung cửa sổ, và sự phản chiếu có thể hoàn toàn chồng lên đối tượng. Vì vậy, chúng ta phải đảm bảo rằng máy ảnh cần lấy nét vào các đối tượng thích hợp khi chụp. 
  • Mặt nước (Water): Chụp hình ảnh phản chiếu từ mặt nước là điều rất thú vị. Những cơ hội này thường mang lại các kết quả rất ấn tượng thông qua sự phản chiếu hình ảnh bị méo mó do mặt nước rung động. Để tạo sự phản chiếu tốt, bề mặt của nước không được quá lay động, nếu không hình ảnh phản chiếu sẽ không thể nhận ra . Tiếp theo, bề mặt nước sẽ cần phải được bao quanh bởi một hoặc nhiều đối tượng phản chiếu trên bề mặt. Đối tượng có màu sáng thường cho hình ảnh phản chiếu rất tốt. Ví dụ, những bông hoa chầm chậm trôi theo dòng nước có thể tạo ra sự phản chiếu đầy màu sắc. 

Tốc độ màn trập phải được chọn thích hợp vì nó quyết định bao nhiêu hình ảnh được phản xạ đi vào máy ảnh. Tốc độ màn trập mở lâu sẽ lấy được các chi tiết nằm trong sự phản chiếu, do các hình ảnh luôn bị xáo trộn bởi bề mặt nước. Tốc độ màn trập nhanh hơn sẽ có được hình ảnh phản chiếu ấn tượng, do bắt đứng được các hình ảnh đang chuyển động trên mặt nước. 

Những phản chiếu được trình bày trong phần này là mục tiêu chính để bạn tạo ra hình ảnh thông qua thủy tinh và nước. 

Kết luận

Hy vọng rằng giờ bạn đã có nhiều ý tưởng cho các kế hoạch của mình và cũng có thể nghĩ ra thêm nhiều ý tưởng mới. Nhưng, điều quan trọng nhất bây giờ là bạn phải lấy chiếc máy ảnh và bước ra khỏi nhà để bắt đầu những dự định mới của bạn. 

Dịch theo nguồn http://www.ronbigelow.com

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00