Yếu tố đồ họa trong nhiếp ảnh

Tác giả: Roman Rzolin

Trong bài viết này tôi muốn nói về các yếu tố đồ họa và những ảnh hưởng của nó trong một bức hình như thế nào. Bố cục của một bức hình có ý nghĩa quan trọng nhất, ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Trong đó các yếu tố đồ họa là nền tảng của bố cục.

Bài viết gồm bốn phần, trong bài này chúng tôi sẽ đề cập hai phần đầu tiên trong bài này.

- Khung ảnh
- Mắt chúng ta
- Các đường bên trong hình ảnh
- Màu sắc 

Khung ảnh
 

Khung ảnh có những ảnh hưởng nhất định trên các bức hình. Đầu tiên, khung ảnh là phần phân chia giữa hình ảnh thế giới và thực tế. Phần khung khoanh vùng lại hình ảnh và tạo ảnh hưởng đến hình dạng của nó. Hình chữ nhật là loại khung bình thường nhất đối với mắt của chúng ta và dễ dàng tiếp nhận, nhưng nếu hình khung khác đi, thì chúng ta sẽ thấy bức hình trở nên không bình thường và khi đó chúng ta sẽ tìm hiểu nội dung của bức hình có gì khác biệt. Vấn đề ở đây là không nên lạm dụng phần khung, vì cuối cùng nó chỉ là khung. 

Có hai dạng chính của khung ảnh: chân dung (thẳng đứng) và phong cảnh (nằm ngang). Chúng ta nhìn thấy những hình dạng này mỗi ngày hoặc thậm chí mỗi phút trên giấy tờ, sách báo, tài liệu, khung cửa, vv và mắt của chúng ta đã quen thuộc với chúng. Các nhà khoa học đã thấy rằng, khung đứng ảnh chân dung là hấp dẫn nhất trong mắt của chúng ta. Đó là lý do, nếu bạn không biết mình nên dùng khung ảnh theo hướng nào thì nên chọn loại này.

 

Một điểm quan trọng cần phải nhớ, khung ảnh phải cân xứng với bức hình. Hãy lấy ví dụ khi nhìn một hình ảnh thẳng đứng (như hình ở trên). Khung này có dạng hình chữ nhật bình thường đặt theo chiều dọc. Bạn biết lý do tại sao nó thẳng đứng? Vì đó là cây đèn đường. Nó có hình dạng thẳng đứng và vì nó cũng là chủ đề chính của bức hình.Phần khung phải hỗ trợ được ý nghĩa chính này bằng cách đặt thẳng đứng. Trong trường hợp này đường dài nhất là đường dọc và cũng có nghĩa  nó là đường quan trọng nhất so với các đường còn lại trong khung ảnh.

Điều gì tô điểm cho phần khung, và phần biên để làm gì? Không có câu trả lời nhất định cho nó. Tôi hay cố gắng tạo ra các khung ảnh khác nhau và đôi khi là sa đà với điều đó, mà quên đi nội dung của bức hình, vì thế hãy cẩn thận. Khung ảnh đóng vai trò phụ để làm nổi bật phần hình ảnh, làm tăng thêm tính thẩm mỹ khi trình bày. Nhưng nó cũng có thể làm phân tâm nếu quá nổi bật.

Bạn nên sử dụng màu chính của bức hình cho phần khung, nó sẽ hỗ trợ hình ảnh về phương diện kiểu dáng lẫn nội dung và môi trường nơi bức hình được treo (có thể trên trang web, cuộc thi ảnh, diễn đàn, hay trên tường). Không nên làm khung ngang quá rộng.

Hầu hết các trang web sử dụng màu xám làm nền cho những bức hình. Đó là một quyết định đúng, bởi vì các màu xám là một màu bổ sung cho tất cả các màu sắc khác, vì nó là màu trung tính. Màu xám phù hợp trong hầu hết các trường hợp, nhưng đôi khi có thể đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để làm phần khung. Trong vài trường hợp, ta có thể thêm vài điểm đen xung quanh hình ảnh, hoặc phức tạp hơn sử dụng khung thường dùng cho tranh sơn dầu.

Nói thêm một chút  về kích thước của hình ảnh, phần kích thước chủ yếu phụ thuộc vào loại bức hình. Một số hình ảnh đòi hỏi quan tâm nhiều hơn đến chi tiết, và một số trường hợp khác thì quan tâm đến cảm giác tổng thể và bố cục. Đối với bức hình nhỏ và phần quan trọng nằm trong phần chi tiết ảnh, người xem sẽ khó nhìn thấy và không hài lòng, làm giảm tác động của bức hình. Trong trường hợp này, nên làm bức hình lớn hơn . Khi bố cục là yếu tố chính, nó có thể được nhận bất chấp kích thước lớn nhỏ. Về vấn đề kích thước, không nên quá tham lam, cân đối hài hòa để bảo đảm diễn đạt được nội dung bức hình. 

Mắt của chúng ta

 

Mắt là yếu tố chính phán quyết bức hình của chúng ta, do đó, sẽ rất tốt nếu chúng ta biết cách ứng xử  của mắt, hiểu những điều nó thích hay không thích. Có thể chúng ta không biết hết mọi thứ, nhưng tôi muốn chia sẻ với bạn những điều tôi học được.

Bắt đầu từ những điều cơ bản. Mắt người đầu tiên nhận ra kích cỡ, sau đó là màu sắc và sau cùng là hình dáng. Đó là hành vi tiềm thức hay bản năng, chúng ta phải nhớ nguyên tắc này, giữ nó trong tâm trí và sử dụng để đạt được hiệu quả lớn. Một vấn đề nữa, là cách mắt di chuyển khi nhìn vào hình ảnh của chúng ta. Hầu hết mọi người đọc từ trái sang phải, và mắt chúng ta cũng vậy, sẽ di chuyển từ trái sang phải khi nhìn vào một hình ảnh. Nhưng cách di chuyển này còn tùy vào các yếu tố và điều kiện khác. Yếu tố đó có thể là những trở ngại hay giúp mắt nhận thấy dọc theo hướng đi. Mắt thường di chuyển dễ dàng dọc theo các đường, và hiệu quả của các đường hội tụ dựa theo điều này.

Nếu có một đường cắt ngang qua hướng nhìn của mắt, nó sẽ thành một vật cản. Lúc đó mắt sẽ quyết định hướng nhìn mới nào sẽ đi, có thể là hướng đi dễ dàng hay hướng đi thú vị nhất. Hệ số góc hình thành giữa hai đường này cũng ảnh hưởng đến cách chọn hướng đi. Những khu vực có tính tương phản sẽ thu hút mắt tốt hơn. Chúng ta sẽ bàn thêm một tí về tính tương phản

 

Dựa vào hướng mắt di chuyển, ta có thể thiết lập một đường dẫn nào đó trên hình ảnh để nó đi qua. Ý tưởng thiết lập một đường đi trên hình ảnh là cách dễ nhất để dẫn mắt đi vào, lưu ý rằng các đường này phải bảo đảm giữ mắt luôn nằm trong phạm vi của khung ảnh. Để hướng mắt vào bên trong khung ảnh, các nhiếp ảnh gia thường sử dụng những đường bắt đầu từ phần biên và dẫn đến hình ảnh (tốt hơn nếu nó bắt đầu từ bên trái, hãy nhớ hướng đi của mắt). 

Nhưng làm thế nào để giữ mắt ở trong khung? Đó chính là chủ đề của bức hình. Bởi vì mục đính chính của bạn hướng mắt người xem vào khung là muốn giữ họ lại ở điểm mạnh, nơi mà não của chúng ta cảm nhận mạnh mẽ với chúng. Còn có một cách tiếp cận khác để làm cho mắt ở trong khung ảnh, là làm cho nó luôn bận rộn với các đường bên trong. Cách tiếp cận tốt nhất với những hình ảnh trừu tượng (ví dụ như kiến trúc), nơi có nhiều đường và nhiều cách để khám phá. 

Bây giờ, chúng ta trở lại với tính tương phản, mà tôi đã đề cập trước đó. Các tính tương phản rất dễ thu hút mắt của chúng ta, có thể chúng ta bỏ quên, điều này đôi khi quay lại chống lại ta. Ví dụ, tôi chụp một bức chân dung, mà quên đi bàn tay, đó là một thí dụ về tính tương phản. Nó sẽ làm cho mắt do dự nơi nào cần xem (mặt hoặc tay).

Cuối cùng, nếu bạn có thể kết hợp giữa điểm mạnh và tính tương phản trong chủ đề của mình và hướng mắt người xem vào đó, thì bạn đã thực hiện tốt một bức hình rồi đấy. 

Các đường nằm trong khung

Ở phần trước, tôi có đề cập vai trò các đường trong hình ảnh đối với mắt người xem. Đó là con đường dẫn dắt mắt người xem. Nhưng còn có một khía cạnh khác, đó là phản ứng của mắt khi nhìn theo các đường đó.

  

Phía trên là các dạng đường cơ bản. Mỗi đường này có một ý nghĩa nhất định, nó tạo ra sự cảm nhận khác nhau trong tâm trí của chúng ta. Dưới đây là các diễn giải về ý nghĩa của từng đường.

1. Đường dọc

Đường này tạo ra sự cân bằng, nhưng đôi khi cũng có sự căng thẳng và dâng cao. Nó được liên tưởng với một tòa nhà cao tầng rất chắc chắn, nhưng có thể bị ngã đổ.

2. Đường chéo sắc (giống dấu sắc)

Điểm chính của nó tạo cảm giác năng động. Đường này đại diện cho sự tăng trưởng ổn định hoặc sự chuyển động tích cực. Các đường thẳng nói chung vẫn ngụ ý tạo ra một mức độ căng thẳng nào đó.

3. Đường cong theo hướng chéo lên

Giống như đường chéo, đường cong này cũng mang ý nghĩa năng động, nhưng vì đường cong mượt mà nên nó không tạo ra căng thẳng. Nhưng nếu bạn kết hợp nó với một nhành hoa cong theo gió, thì sự căng thẳng vẫn có ở phần đầu phía trên của đường cong.

4. Đường chữ N nghiêng

Đường này có hai góc, nhưng trong thực tế, các đường như vậy có thể có nhiều góc. Nó tạo cảm giác phát triển, tuy nhiên nó cũng tạo ra nhiều căng thẳng. Hình ảnh này liên kết với tia chớp hay hàm răng sắc nhọn, mang lại sự xâm lăng và sợ hãi.

5. Tam giác

Đây là một hình đơn giản được tạo ra bởi ba đường. Tỷ lệ giữa chiều cao và chiều rộng của nó nói lên sự ổn định, nhưng vẫn có thể bị lật đổ bởi một tác động nhỏ. Hai cạnh của tam giác có ý nghĩa tương tự như Đường chéo sắc đã trình bày ở trên. Đỉnh góc ở trên làm gia tăng giác căng thẳng và sắc bén (phụ thuộc vào độ lớn của góc). Ý nghĩa của màu sắc sẽ được trình bày ngay sau phần này.

6. Dòng nằm ngang

Nó có lẽ ổn định nhất trong các loại đường, ngoài ra còn tạo cảm giác bình yên. Đường này thường được liên kết với chân trời, hay mặt đất.

7. Đường cong chéo ngược

Nó tương tự như đường cong chéo, nhưng phần năng động ít hơn. Có chiều hướng xuống cấp. Nhưng nó vẫn tạo một chút căng thẳng, nhưng giảm dần về phía bên phải.

8. Đường chéo huyền (giống dấu huyền)

Là một dạng khác nữa của đường chéo. Đường này tạo cảm giác suy thoái và tiêu cực. Nhưng cảm giác tiêu cực này chủ yếu khi đường chéo đứng một mình (không chứa đựng nội dung bên trong). Ý nghĩa của đường này cũng tương tự với đường chéo sắc.

9. Tam giác nghịch

Điều đầu tiên chúng ta có thể thấy là hình tam giác rất dễ bị ngã, do phần đáy quay lên. Không có sự cân bằng và chỉ tạo sự chuyển động. Cạnh đáy làm tăng thêm cảm giác tiêu cực. Góc dưới thu hút nhiều sự chú ý, bởi vì hai cạnh của nó có khuynh hướng dẫn mắt người xem đến góc dưới.

10. Tam giác cân

Là một loại tam giác, nó tạo ra sự cân bằng và không sợ bị ngã, hình dạng này tạo nên sự ổn định, nhưng vẫn có một chút căng thẳng, nó có khuynh hướng tập trung vào các góc. Nhưng góc trên thu hút nhiều nhất.

11. Vòng tròn

Đường này tạo cảm giác bình an và cân bằng nhất. Nó có thể được coi như là một mẫu hình rất năng động, chúng ta chỉ cần cân nhắc xem vòng tròn đó được đặt trên một đường chéo nào đó hay không, vì nó có thể lăn xuống. Nhưng nếu như hình tròn này đứng độc lập, nó sẽ đại diện cho sự êm đềm và mắt chúng ta sẽ hướng theo vòng tròn, sau đó mới đi vào bên trong.

12. Đường chữ N ngược

Chỉ là một hướng khác của đường chữ N nghiêng. Thay vì đấu tranh để chiến thắng, đường này đại diện cho một cuộc đấu tranh nhưng thất bại. Hướng của nó dường như luôn luôn nói về sự suy giảm giá trị hoặc các phẩm chất.

Để kết thúc phần này, tôi muốn nói thêm rằng, trong thực tế có thể xuất hiện nhiều đường trong một hình ảnh, tuy nhiên nhiệm vụ chính của nó vẫn là dẫn dắt mắt người xem theo một hướng nào đó. Vì bạn là người xây dựng nên các đường này, nên có thể dẫn mắt đi vào trong hay ra khỏi khung hình. Tình huống xấu nhất, bạn có thể tạo ra một mê cung, có thể làm mắt nhầm lẫn và mất phương hướng hoàn toàn. Hãy chú ý điều này. 

Màu sắc

Màu sắc có thể làm phân tâm hoặc sẽ hỗ trợ làm nổi bật những ý chính bạn muốn truyền tải. Chúng ta hãy cùng khám phá nó sau đây. Bạn đã bao giờ cố gắng để nhìn vào một bức hình đơn sắc trắng đen? Cảm giác đầu tiên khi xem là cảm giác rất ấn tượng, người xem phải suy nghĩ sâu hơn về bức hình. Bởi vì, điều duy nhất bạn thấy chỉ là nội dung bức ảnh, bức hình không có màu sắc trông ảm đạm, tuy nhiên nó không làm xao lãng nội dung bên trong. Màu sắc sẽ làm bức hình mang tính giải trí nhiều hơn, nó thu hút sự chú ý, tuy nhiên nó cũng làm phân tâm nội dung bên trong.

Những tính chất của màu sắc đó là sắc thái màu (hue), giá trị (value), cường độ (intensity) và nhiệt độ màu(temperature). Những từ này mô tả các đặc điểm cơ bản của màu sắc và được sử dụng trong lý thuyết lẫn trong thực hành.

• Sắc thái màu được hiểu là hoặc có màu hoặc không màu (màu xám trung tính).
• Giá trị (value) được dùng trong dãy từ trắng sang đen, giá trị của tông sáng (high-key) hay tông tối (low-key), có ý nghĩa biểu cảm màu sắc.
• Cường độ (độ tinh khiết hoặc grayness) cho hiệu quả ánh sáng trong hội họa.
• Nhiệt độ màu tạo ra tâm trạng và hiệu quả không gian: ví dụ “lạnh” thì “xa” và “nóng” thì “gần.” 

Nhiệt độ màu được sử dụng rộng rãi và rất dễ bị lẫn lộn, nó chỉ mang tính tương đối. Khi bạn nhìn vào màu của bánh xe, với màu cam, màu đỏ và màu vàng làm cho chúng ta thấy nóng. Trong khi với màu xanh dương, xanh lá, và tím làm cho chúng ta thấy lạnh. Màu sắc nóng nhất là sự pha trộn giữa màu đỏ và màu cam – trong khi màu xanh dương và màu xanh lá cây cho cảm giác lạnh nhất. Các màu nằm gần màu da cam- đỏ, thì càng nóng, trong khi các màu càng gần với màu xanh dương-màu xanh lá cây, thì càng lạnh.

Ví dụ:

Bức hình ảnh đầu tiên là nóng và  bức cuối cùng là lạnh, chúng tạo ra một tâm trạng nhất định, và hình ở giữa là một số kết hợp của hai màu nóng và lạnh. Nó tạo ra sự  căng thẳng và tương phản. Trong bức hình thứ hai, ta nhận thấy rằng màu nóng ở trên màu lạnh (tuyết của bầu trời). Mắt người xem sẽ cân nhắc màu nóng nằm ở phía trên màu lạnh và sự đối lập này có thể gây nhầm lẫn cho người xem. 

Dịch theo romanzolin.com

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00