Phần 4: Các vấn đề liên quan đến lộ sáng

Phạm vi bài viết dành cho máy ảnh DSLR:

Phần 1: Cơ bản về lộ sáng (Exposure) 
Phần 2: Điều chỉnh mức lộ sáng 
Phần 3: Tam giác lộ sáng và mối liên hệ của các thành phần
Phần 4: Các vấn đề liên quan đến lộ sáng 
Phần 5: Biểu đồ Histogram và cách đọc thông tin.

 

Hậu cảnh và kích thước chủ đề

Tương quan kích thước của chủ đề và hậu cảnh có thể ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả đo sáng. Nếu độ sáng của hậu cảnh và chủ đề tương đương, thì kích thước không có nhiều ảnh hưởng và chúng ta không bàn đến trường hợp này. Tuy nhiên nếu có độ chênh lệch, cụ thể mức chênh lệch cao hơn 2Ev. Kích thước của hậu cảnh sẽ làm tác động đáng kể đến thiết bị đo sáng. Quay trở lại các phương thức đo sáng trên máy ảnh. Ngoại trừ phương thức đo sáng theo điểm (spot metering) và đo sáng một phần (partial metering), các phương thức còn lại đều đo sáng trên một vùng phủ gần hết hình ảnh nằm trong khung ngắm. Trong một khung cảnh, nếu chủ đề khá lớn, phần hậu cảnh xem như không tồn tại hay không có nhiều tác động. Nhưng nếu chủ đề nhỏ và phần hậu cảnh khá lớn, thì độ chênh lệch sáng sẽ có nhiều ảnh hưởng. 

Nếu hậu cảnh tối, ngoại trừ phương thức đo điểm, các phương thức thông thường có khuynh hướng đo sáng luôn cả phần hậu cảnh. Dẫn đến độ sáng của hậu cảnh được nâng lên, kết quả chủ đề bị dư sáng. Và ngược lại, nếu hậu cảnh sáng, chủ đề sẽ bị tối. Khắc phục bằng cách dùng chức năng bù trừ sáng từ ±1Ev đến ±1.5Ev. Hoặc sử dụng phương thức đo sáng theo điểm (Spot metering) hay đo sáng một phần (Partial Metering) và đo sáng tại chủ đề. Điều này có thể dẫn đến hậu cảnh bị tối đi hoặc sáng hơn, nhưng điều đó không còn quan trọng vì nó chỉ đóng vai trò thứ yếu trong bức hình. 

Việc đo sáng tại chủ đề có thể dẫn đến những vấn đề khác, mà chúng ta không hề mong đợi. Nếu chủ đề của chúng ta là một vật thể màu trắng (hay đen), trên bức hình nó sẽ có màu xám. Chúng ta đã biết lý do tại sao trong những phần trước. Vì thế khắc phục bằng cách bù trừ khoảng ±1 Ev đến ±1.5Ev để trả lại màu trắng hoặc màu đen cho chủ đề. Tuy nhiên để thực hiện một cách chính xác, cần phải đo sáng ngay tại khung cảnh có độ sáng trung tính. Điều này không phải dễ dàng nhận biết, vì thế chúng ta sử dụng thẻ xám 18% (Gray card 18%) để do sáng. Nguyên tắc hoạt động của nó là đưa thẻ xám vào nơi cần chụp, đo sáng ngay tại thẻ xám, lưu lại thông tin đo sáng, sau đó bỏ nó ra ngoài và tiến hành chụp. 

Hình 1 đo sáng ở vùng trắng của trứng nên nó có màu xám.
Hình 2 với mức bù sáng 1.5 Ev, màu trắng được trả lại.

Kiểm soát phạm vi động

Trong một khung cảnh có phạm vi động quá cao hay mức sáng tối quá chênh lệch, máy ảnh không thể hoạt động hiệu quả (chúng ta đã biết phạm vi động của máy ảnh là có giới hạn). Quay lại ví dụ đã nói trong những phần trước, khi chụp một bức chân dung có phần hậu cảnh sáng (ngược sáng). Trong hầu hết các kết quả thu được gương mặt chủ đề hoàn toàn bị tối. Chúng ta không thể chụp một tấm hình gương mặt chủ đề và phần sáng hậu cảnh cùng sáng. Trừ khi chúng ta giảm mức chênh lệch này.

Giải pháp duy nhất là chiếu sáng vùng tối hoặc giảm vùng sáng để thu hẹp độ chênh lệch. Kỹ thuật này gọi là “cân bằng ánh sáng”. Để chiếu sáng vùng tối, chúng ta dùng đèn flash hoặc tấm hắc sáng chiếu vào vùng tối (hay chủ đề). Hoặc che bớt vùng sáng phía sau, bằng cách dùng các kính lọc làm tối bầu trời đi từ 1Ev đến 2Ev (bạn tìm hiểu thêm về kính lọc để biết nguyên tắc hoạt động).   

Chức năng cho phép kiểm soát phạm vi động trên máy ảnh là chức năng chụp bủa vây. Sau đó dùng phần mềm xử lý ảnh để biên tập lại.

H1 – Độ sáng bên ngoài và trong nhà chênh nhau, nếu muốn độ sáng bên ngoài cửa sổ đúng sáng, thì gương mặt chủ đề sẽ bị tối. H2 – Giảm độ chênh lệch bằng cách chiếu sáng chủ đề bằng đèn flash. 

Ánh sáng yếu

Trong điều kiện ánh sáng yếu, đặc biệt vào ban đêm, đòi hỏi thời gian chụp dài hơn. Các chế độ tự động hay bán tự động thường gặp vấn đề về độ nét của hình ảnh, khi máy ảnh cố gắng mở rộng hết khả năng của ống kính và kéo thời gian chụp để hình ảnh đúng sáng. Thực tế cho thấy, tay chúng ta không đủ vững để giữ máy ảnh chụp trong khoảng thời gian dài hơn 1/30 giây, ngay cả khi ống kính có chức năng chống rung. Một trong những cách được các nhiếp ảnh gia yêu thích là tăng cao độ nhạy ISO để rút ngắn thời gian chụp và chấp nhận trả giá cho việc hình ảnh bị nhiễu. Trong phần này chúng ta sẽ tập trung vào phần lộ sáng nên không nói sâu về độ sắc nét của hình ảnh. 

Một trong những trường hợp khó khăn nhất, là khung cảnh có phần hậu cảnh tối và những nguồn sáng to nhỏ với độ sáng khác nhau. Nếu diện tích hậu cảnh chiếm phần lớn không gian bức hình, thì phương thức đo sáng theo từng vùng (Matrix hay Evaluative) sẽ phá sản. Vì bức hình khi chụp sẽ có phần hậu cảnh sáng hơn và các nguồn sáng sẽ trở nên quá sáng. Trong trường hợp này, nên dùng phương thức đo sáng theo điểm (Spot metering). Nhưng kỹ thuật đo sáng này có phần phức tạp. Các nhiếp ảnh gia sẽ phải đo sáng nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau. Như là đo sáng tại vùng sáng nhất và vùng tối nhất muốn thấy được chi tiết trong hình ảnh. Sau đó chọn ra một giá trị trung gian (không phải trung bình). Điều này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và thực hiện việc chụp nhiều lần. Một trong những cách đơn giản hơn là chụp nhiều lần (cùng khung hình) với nhiều mức độ khác nhau, bằng chức năng chụp bủa vây (Auto Exposure Braketing) sau đó dùng phần mềm xử lý ảnh để ghép lại. 

Nếu chụp trong thời gian khá dài, thuật ngữ thường dùng là “phơi sáng”, một chân máy để hỗ trợ là rất cần thiết. Kết hợp chức năng bù trừ sáng để có được mức lộ sáng như ý. Tận dụng chức năng giảm nhiễu trên máy ảnh và tắt các chức năng tối ưu sáng (Auto light Optimize hay Active Light) vì chúng sẽ làm tăng nhiễu ảnh. Nên cài đặt mức tối đa của ISO, nếu bạn sử dụng ISO tự động. 

Vấn đề quan trọng nhất khi chụp trong môi trường ánh sáng yếu, người chụp phải biết rõ vùng ảnh nào cần lấy và vùng ảnh nào phải hy sinh. Một đòi hỏi cầu toàn sẽ cần nhiều kỹ thuật phức tạp. Chụp với đèn flash không thuộc trường hợp này. 


Hình của Christian Gawlik

10 Lời khuyên hữu ích

Điều thứ 1: Luôn đo sáng ở vùng sáng trung tính: Điều này đòi hỏi người chụp phải có khả năng nhận dạng tốt độ sáng trong một khung cảnh. Tuy nhiên có thể dùng thẻ xám 18% (Gray card) để đo sáng.

Điều thứ 2: Quan sát biểu đồ Histogram. Đừng tin tưởng vào hình ảnh hiển thị trên màn hình LCD của máy ảnh để phán xét độ sáng tối của bức ảnh.

Điều thứ 3: Chú ý hậu cảnh. Độ sáng của hậu cảnh có thể ảnh hưởng đến thiết bị đo sáng của máy ảnh. Dẫn đến kết quả sai lệch.

Điều thứ 4: Cẩn thận các vùng sáng. Khi bạn cố gắng làm chủ đề sáng hơn, có thể làm cháy sáng các vùng sáng khác trong ảnh.

Điều thứ 5: Chuyển sang phương thức đo sáng theo điểm (Spot metering). Đối với các nguồn sáng phức tạp và vùng chiếu sáng nhỏ, việc đo sáng theo điểm là giải pháp không thể thay thế.

Điều thứ 6: Phục hồi màu trắng cho đối tượng. Khi đối tượng màu trắng chiếm gần hết khung hình, không nên đo sáng vào chủ đề, và bù sáng thêm từ 2 đến 2.5 Ev.

Điều thứ 7: Một nguyên tắc cần chú ý , luôn luôn đo sáng tại vùng sáng trong khung hình, và khi đó vùng ảnh tối sẽ tối hơn

Điều thứ 8: Dùng các kính lọc chuyên dụng có mật độ trung bình. Sẽ làm tối đi và giúp bầu trời xanh hơn trong chụp hình phong cảnh.

Điều thứ 9: Một chiếc máy ảnh tốt sẽ cho phép chụp các hình ảnh, thấy rõ được các chi tiết ảnh trong vùng sáng hoặc tối. Tuy nhiên, chiếc đèn flash sẽ giúp chúng ta đạt được điều trên dễ dàng hơn.

Điều thứ 10: Hãy sáng tạo, đừng làm mọi cách để bức hình đúng sáng. Cố gắng thử nghiệm đến cùng các giải pháp 

(Dịch và biên soạn lại theo chuyên đề “Master of Exposure” trên tạp chí Digital Camera)

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00