Kỹ thuật chụp hình Macro - Những khái niệm cơ bản

Chụp hình macro là kỹ thuật chụp cận ảnh và phóng đại chủ đề. Kỹ thuật đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt trong đó có kiến thức người chụp, ánh sáng, bố cục  và thiết bị. Hình macro cho thấy một thế giới nhỏ bé rất đẹp và sinh động mà mắt người ít khi nhìn thấy. Màu sắc và ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của bức hình. Trong loạt bài về macro, chúng tôi sẽ trình bày lần lược các kỹ thuật cơ bản, thiết bị liên quan và các minh họa thực tế.

Tỷ lệ phóng đại là gì

Tỷ lệ tỷ lệ phóng đại, hoặc tỷ lệ mô phỏng được xem là một tính năng quan trọng nhất của ống kính. Một ống kính macro có tỉ lệ phóng đại 1:1 hay 1x, có nghĩa kích thước chủ đề tương đương với cảm biến hình ảnh. Nếu tỷ lệ là 1:2 hay 2x tăng gấp đôi chiều cao và chiều rộng của đối tượng. Một ống kính có tỷ lệ phóng đại nhỏ hơn 1x không thật sự là ống kính macro. 

Phóng đại và khoảng cách lấy nét


Hình của Yvan Barbier

Phóng đại và khoảng cách lấy nét là hai đại lượng liên quan mật thiết với nhau. Khoảng cách lấy nét càng gần, độ phóng đại càng tăng và ngược lại. Tuy nhiên do khoảng cách lấy nét gần nhất của từng ống kính có giới hạn. Các ống kính thông thường khoảng cách lấy nét tối thiểu vào khoảng 0.24m –đến 1.5m hoặc có thể xa hơn. Ống kính không thể lấy nét gần hơn giới hạn cho phép của nó. Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ phóng đại cũng bị giới hạn. Các ống kính macro có cấu trúc đặc biệt, cho phép lấy nét ở cự ly rất gần vào khoảng 0.1m. Tỷ lệ phóng đại của mỗi ống kính tùy thuộc vào cấu tạo và thành phần thấu kính bên trong ống kính. Với ống kính thông thường, tỷ lệ phóng đại vào khoảng 0.28x đến nhỏ hơn 1x. Nhưng với ống kính macro tỉ lệ phóng đại có thể đạt từ 1x đến 5x hoặc có thể lớn hơn, tùy vào công năng của từng loại ống kính. (Chúng ta sẽ đề cập về điều này trong phần thiết bị ở những phần sau). 

DOF và độ mở ống kính


Hình của  photoprodigy

Chúng ta đã biết, khoảng cách lấy nét với chủ đề càng gần vùng ảnh rõ (DOF) càng hẹp. Với hình macro, để đạt độ phóng đại cực đại, khoảng cách lấy nét tới chủ đề dường như rất nhỏ. Điều này dẫn đến vùng ảnh rõ cũng rất hẹp và hình ảnh dễ bị mất nét. Các nhiếp ảnh gia chụp hình macro thường gặp nhiều khó khăn khi muốn mở rộng phạm vi sắc nét bao trùm cả chủ đề, nhưng vẫn bảo đảm độ phóng đại lớn. Điều này đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp, trong đó có sử dụng độ mở nhỏ  của ống kính. Độ mở ống kính thường được sử dụng trong hình macro vào khoảng từ f/8 đến f/22. Nhưng không nên sử dụng độ mở nhỏ hơn f/22+, vì chất lượng hình ảnh sẽ bị suy giảm. Tận dụng độ mở tối ưu trên từng ống kính để khai thác tối đa độ sắc nét của hình ảnh.

Viewfinder và hình thực tế

Hình của Armino Tauru

Do sử dụng độ mở nhỏ, nên phạm vi rõ nét của hình ảnh nhìn qua khung ngắm (viewfinder) máy ảnh sẽ khác với hình thực tế. Sử dụng nút xem vùng ảnh rõ (DOF Preview button) phía trước máy ảnh để kiểm soát phạm vi rõ nét trước khi chụp ảnh. Chức năng này rất hữu dụng khi phải lấy nét từng phần của chủ đề và ghép lại ở hậu kỳ.

Xem thêm công dụng nút bấm DOF tại đây

Hậu cảnh và bố cục.


Hình của  Christopher O’Donnell

Vùng ảnh rõ hẹp tạo ra một lợi thế khác, làm hậu cảnh hoàn toàn bị xóa mờ và chủ đề được tập trung. Vì thế vị trí chủ đề và nơi lấy nét rất quan trọng. Dù hậu cảnh không rõ nét, nhưng vai trò bổ sung và tạo mối liên kết với chủ đề không thể bỏ qua. Hai kỹ thuật thường sử dụng là chiếu sáng hậu cảnh hoặc tạo ra một nền đen. Tuy nhiên hậu cảnh quá sáng hoặc quá tối có thể là nguyên nhân làm chủ đền bị tối hoặc dư sáng, đặc biệt với các chủ đề có độ ẩm hay độ phản chiếu cao.

Chủ đề và tốc độ màn trập

Hình của Hermik

Với các chủ đề tĩnh như vật dụng sinh hoạt hoặc khi chụp trong nhà, thường không gặp nhiều vấn đề. Tuy nhiên nếu chụp ảnh thiên nhiên bên ngoài, như côn trùng hay thực vật, các nhiếp ảnh gia phải đối diện với nhiều khó khăn như chuyển động liên tục, không tiến gần đến chủ đề, khó lấy nét, không giữ được khung hình,… yếu tố duy nhất có thể khắc phục là tốc độ màn trập. Việc sử dụng độ mở nhỏ cùng với tốc độ màn trập cao là điều khó có thể đáp ứng đồng thời. Vì thế đèn flash kết hợp với tốc độ màn trập cao là kỹ thuật được sử dụng thường xuyên. Một trong những tiểu xảo giúp côn trùng đứng yên là đông lạnh chúng và mang ra ngoài khi sử dụng. Điều này giúp thu được những hình ảnh đẹp mỹ mãn và có độ sắc nét cao. Tuy nhiên có thể làm mất đi tính hấp dẫn, độ công phu, giết hại côn trùng có ích và mất đi sự tự nhiên vốn có của nhiếp ảnh.

Trên đây là một vài yếu tố cơ bản chuẩn bị cho chụp hình macro, trong các phần tiếp theo chúng ta sẽ nói về thiết bị.

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00