Tư thế và tạo dáng cơ bản trong chụp hình thời trang

Trước hết tạo dáng cũng là một dạng của ngôn ngữ hình thể, vì thế nó có thể diễn đạt những ý nghĩa nhất định. Bên cạnh đó các tư thế còn giúp khai thác vẻ đẹp, tôn vinh những điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu.  Tư thế chụp cũng được dùng để tạo ra vị thế trong bức ảnh, đưa đối tượng chụp trở thành chủ đề chính hay đơn giản chỉ đóng một vai trò phụ để nhấn mạnh cho yếu tố khác. Nó bảo đảm chủ đề không bị lấn áp bởi đối tượng khác hay đối tượng phụ phải bổ trợ được cho chủ đề chính của mình.

Ngày nay, các album ảnh chuyên nghiệp mang tính thương mại cao, việc tạo dáng và tư thế chụp được đảm trách bởi những chuyên gia (còn gọi là Stylist), người trang điểm, kiểu tóc, thiết kế trang phục và một phần khác được xử lý ở hậu kỳ. Tạo dáng phải xuyên suốt với đề tài chụp và quan trọng nhất vẫn là sự sáng tạo. Để hiểu rõ được điều này, chúng ta sẽ cùng điểm qua một số nguyên tắc cơ bản của việc tạo dáng và tư thế chụp như sau.
-    Nguyên tắc cơ bản
-    Tư thế của cơ thể
-    Tư thế đầu và gương mặt
-    Những điều cần lưu ý và lời khuyên

1.1    Nguyên tắc cơ bản

Nguyên tắc cơ bản của việc tạo dáng và tư thế chụp chủ yếu dựa theo những đường kẻ hình học. Những đường này có hai nhiệm vụ  chính là tạo ra những luồng thu hút sự chú ý và dẫn đến một điểm dừng nơi tập trung sự chú ý của người xem vào đó. Ví dụ một người mẫu có hình thể hấp dẫn và gương mặt biểu cảm đang hướng ánh mắt vào một sản phẩm. Hình thể và gương mặt là luồng thu hút người xem và cuối cùng dẫn người xem đến một sản phẩm là điểm dừng.
Để biết cách tạo ra những luồng thu hút sự chú ý, người chụp phải biết vận dụng những nguyên tắc như  là: đường thẳng, đường nằm ngang, đường xéo, đường cong... hoặc có thể dùng tông ảnh sáng tối, màu sắc, luật viễn cận, độ sâu trường ảnh,...trong phần này chúng ta chủ yếu đề cập đến tư thế nên không nói về những nguyên tắc này

1.2    Tư thế của cơ thể

Trong phần này chúng ta sẽ nói về một nguyên tắc gọi là CSI do một giáo viên tên Loa Andersen xây dựng dựa trên phương pháp của những nghệ sỹ hàng đầu ở châu Âu. Nguyên tắc này có thể dùng làm nền tảng cơ bản để phát triển các kỹ năng của một nhiếp ảnh gia.

Hình – Các tư thế giống ký tự C, S và I

Nguyên tắc CSI dùng các đường trục cơ thể, gồm 1 trục đứng dọc theo cơ thể từ vai xuống hông, hai đường còn lại nằm ngang theo vai và trục hông. Đường thứ 4 đi từ điểm giữa hai vai nối lên theo hướng nghiêng của đầu và đường cuối cùng nối điểm giữa trục hông đến chân.

Vì con người có hai chân, nên việc chọn vị trí chân nào được chia ra thành ba trường hợp như sau.
-    Trường hợp thứ 1: hai chân chụm lại. Trục chân (hay trục thứ 5) sẽ đơn giản, vì vị trí hai chân giống nhau.
-    Trường hợp thứ 2: hai chân mở ra dạng chữ V, một chân hướng vào máy ảnh, trong khi chân còn lại hơi xoay ngang.  Trường hợp này chân hướng vào máy ảnh sẽ là trục chân chính
-    Trường hợp thứ 3: hai chân tạo ra thế bước lên, chân trụ sẽ được chọn làm trục chân


Hình – Phân định cách chọn trục chân

Ngoài ba tư thế chân trên còn có hai tư thế khác: đó là chân chéo nhau và tư thế đứng sao cho phần hông mở rộng. Trong tư thế hai chân chéo, chân gần máy ảnh nhất sẽ được chọn là trục chân. Tư thế còn lại, chân cách xa cơ thể nhất sẽ được chọn làm trục chân.

Hình – Tư thế chân chéo nhau và phần hông mở rộng

Khi thay đổi vị trí các đường này tạo ra một hình dạng giống các ký tự C,S và I. Qua đó tạo ra những tư thế ảnh hưởng đến luồng chảy tập trung sự chú ý vào phần chính của bức ảnh. Nên được gọi là phương pháp CSI

Ngoài ra, có vài lưu ý như sau về tư thế của cơ thể
-    Cột sống không bao giờ để thẳng
-    Vai không bao giờ nằm ngang
-    Và trục hông hay eo không để vuông góc với hướng máy ảnh

Hình – Bạn nghĩ gì về cách tạo dáng của người mẫu ở trên

Cột sống thẳng và vai nằm ngang thường tạo cảm giác cân bằng và bình yên, vì thế một bức hình chụp mẫu sẽ không phù hợp. Cần phải tạo ra sự sôi động, mạnh mẽ và năng động bằng cách tạo ra cảm giác cơ thể đang di chuyển, bắt đứng sự chuyển động này tại các vị trí thích hợp ..sẽ không làm bức ảnh khô cứng và đóng băng. Phần hông hay eo, đặc biệt khi chụp phụ nữ, trục hông nằm càng dọc với máy ảnh sẽ cho eo của họ thon thả và trông hấp dẫn hơn.  Lưu ý, nếu phần bụng người mẫn to hơn bình thường thì nguyên tắc này có thể bị phá sản. Nếu phải chụp thẳng góc với trục hông, người mẫu có thể dùng tay chống lên phần eo cũng tạo ra hiệu ứng eo thon, nhưng không tự nhiên như khi xoay dọc.

Hình – Tạo dáng chuyên nghiệp của người mẫu (hình của Liujo Jean)

Ngày nay có nhiều phương pháp tạo dáng mới thích ứng với sự phát triển vũ bão của truyền hình, tạp chí, thời trang và internet. Tuy nhiên phương pháp CSI vẫn là một trong những phương pháp cổ điển được dùng trong môi trường đào tạo và giảng dạy cơ bản.

1.3    Tư thế của đầu và gương mặt

Tư thế đầu và gương mặt đặc biệt quan trọng, nhất là khi chụp chân dung. Đối với gương mặt có 3 nguyên tắc  thể hiện như sau.

-    Thể hiện tất cả gương mặt:  Phương pháp này hữu dụng khi người mẫu có gương mặt cân đối và ánh mắt nhìn trực tiếp vào máy ảnh. Cách làm này thể hiện thái độ quyết đoán và trực diện.

   Thể hiện ba phần tư gương mặt: Phương pháp này hữu dụng khi gương mặt người mẫu hơi xoay ngang so với hướng máy ảnh. Thông thường chỉ thấy một bên tai. Cách làm này nhấn mạnh các đường nét gương mặt, nó diễn tả sự nghiêm nghị hơn so với vị trí bình thường. Chú ý đường sóng mũi không vượt qua gò má.

-    Gương mặt xoay ngang 90 độ (với hướng máy): Tư thế này chúng ta chỉ thấy một phần của gương mặt. Đây là một trong những thể hiện vẻ đẹp cổ điển của gương mặt.

Đó là phần tổng thể của gương mặt, ngoài ra những thành phần bên trong gương mặt như cổ, mắt, môi và mũi cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến tư thế của gương mặt.

-    Phần cổ: Nếu cổ giữ gương mặt nằm ngang, sẽ làm hình ảnh trở nên cứng, chỉ dùng nó khi chụp hình thẻ hoặc làm hồ sơ . Hãy nghiêng một vài độ hoặc xoay một hướng nào đó theo đường chéo, sẽ làm hình ảnh hài hòa và tự nhiên hơn

 


-    Phần Mắt: Mắt là linh hồn của bức ảnh. Ánh mắt sẽ là nơi biểu cảm thu hút người xem. Hướng nhìn của ánh mắt tạo nên một luồng thu hút sự chú ý. Ánh mắt cũng làm nên cảm hứng sáng tạo với người chụp, tuy nhiên nó cũng là yếu tố phá hủy bức ảnh. Thông thường ánh mắt sẽ không bao giờ nhìn vào máy ảnh. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào vai trò của người mẫu nếu họ đóng vai trò phụ thì thường ánh mắt của họ sẽ hướng vào chủ đề chính của bức hình, nhưng nếu họ là sản phẩm chính của bức ảnh thì thường sẽ nhìn trực tiếp vào máy ảnh để thu hút người xem. Để làm được điều này, người mẫu phải biết “tán tỉnh” và tạo kết với chiếc máy ảnh.

Kết nối này rất quan trọng, nó quyết định sự thành công của bức ảnh. Đôi mắt nhìn lên tạo ra sự hy vọng, ước muốn và trông đợi. Trong khi đôi mắt nhìn xuống sẽ tạo sự ưu tư, hoài vọng, buông xuôi, gợi nỗi niềm, ký ức và bằng lòng. Ánh mắt nhìn qua hai bên sẽ tạo ra sự chú ý, có sức thu hút mạnh và gây sự tò mò từ người xem. Khi mắt nhắm lại sẽ tạo ra sự hồi tưởng, bình yên, khoảng lặng và là một điểm dừng trên bức hình. Một trong những lời khuyên khi  diễn tả đôi mắt, bạn hãy nói người mẫu của mình nhìn ra phía ngoài trước, sau đó mới hướng vào máy ảnh, hay nhắm mắt lại rồi từ từ mở ra…cố gắng bắt được cái thần trong những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy.


-    Đôi môi: Nói về tầm quan trọng nó chỉ đứng sau đôi mắt. Mở nhẹ đôi môi đủ để không khí đi qua để trông được tự nhiên. Việc tạo dáng cho đôi môi, có thể dùng vài thủ thuật nhỏ như: để họ nói  thều thào những từ không đòi hỏi phải mở quá rộng miệng, hay tạo ra những câu nói vui để họ cười một cách tự nhiên.  Để thực hành đôi môi, bạn hãy yêu cầu người mẫu bày tỏ thái độ giận dữ, hạnh phúc, buồn,  bình yên,…và tìm xem tình huống nào đôi môi của họ phù hợp với điều kiện của bạn. Ngoài ra, có thể dùng những phụ trợ khác để diễn đạt cảm xúc của đôi môi như cắn ngón tay, hút thuốc, ăn  hoặc đánh son…

Ngày nay các bạn trẻ thường tạo dáng đôi môi bằng cách chu miệng, nhút nhát, tò mò hoặc biểu môi chế nhạo,… để tạo sự đáng yêu. Tuy nhiên không nên rập khuông mà phải biết sáng tạo, kết hợp hài hòa nhiều yếu tố khác nữa.

-    Mũi: nhiều người nghĩ rằng mũi không phải là yếu tố quan trọng trong gương mặt và không có khả năng biểu cảm. Tuy nhiên nó âm thầm đóng góp vào sự thành công của bức hình. Khi máy ảnh đặt thấp hơn gương mặt, lỗ mũi sẽ lộ lên nhiều nhất và nó sẽ phá hủy bức hình của bạn. Người có cánh mũi lớn sẽ không thích hợp khi chụp trực diện, cũng như hình chụp nghiêng sẽ thấy sóng mũi thấp...


Những điều ở trên khi kết hợp hài hòa sẽ đóng một vai trò rất lớn khi tạo dáng cho gương mặt và phần đầu. Để có được sự tự nhiên, cần phải tránh sự căng thẳng và khô cứng của người mẫu . Dù chỉ là những bức hình tĩnh, nhưng việc chụp được những khoảnh khắc đẹp trôi đi rất nhanh, trước hàng loạt những chuyển động tự nhiên của người mẫu sẽ làm cho bức ảnh thành công. Một điều quan trọng nữa khi chụp gương mặt, trừ khi bạn muốn lấy nét ở những nơi khác, nếu không hãy  lấy nét ở ngay đôi mắt.

1.4    Một vài lưu ý và những lời khuyên

Trong phần này chúng ta xem xét thêm  vài lưu ý và những lời khuyên hữu ích từ những kinh nghiệm của những nhiếp ảnh gia hàng đầu.

1.4.1    Ngoại khổ

Hình - Gương mặt có thể làm người xem quên số cân nặng của người mẫu 
và xử lý hậu kỳ có thể hạn chế những yếu điểm


Khi làm việc với người mẫu ngoại khổ, thường có hai hướng tiếp cận: dùng các hiệu ứng tạo cảm giác ốm, hai là sử dụng phần mềm xử lý ảnh. Chúng ta sẽ không nói về phần hai vì nó thuộc một đề tài khác. Hiệu ứng giảm khổ được sử dụng nhiều nhất là sử dụng màu nền tối, áo quần ôm và mang giầy cao gót. Dùng những ưu điểm để hạn chế khuyết điểm: nụ cười tươi và đồng tiền má lún có thể làm người xem quên đi số kg cân nặng của người mẫu. Nếu họ có thân hình to lớn nhưng gương mặt nhỏ nhắn, hãy khai thác tối đa vào gương mặt, nếu người mẫu có một chiều cao tốt thì hãy để họ ngồi xuống và khai thác góc cạnh đẹp nhất của đôi chân mà không thấy phần thừa mứa…dĩ nhiên không phải lúc nào cũng vậy, đây chỉ là những gợi ý.  Nhưng nếu bạn không thể đưa ra một giải pháp thích hợp thì hãy dùng “độc trị độc” đừng hạn chế điều gì cả, cứ chụp tự nhiên vì không có nghĩa mập là chụp xấu.

1.4.2    Thời trang


Đối với chụp thời trang, được chia ra làm 2 loại. Loại thứ nhất thường thực hiện trong studio, loại này mang nhiều tính tạo dựng, sử dụng yếu tố hình thể và tạo dáng kết hợp với ánh sáng cũng như màu sắc của trang phục. Loại này đề cao sự quy củ và chuẩn mực. Trong khi loại thứ hai, chụp ở ngoài trời mang tính tự nhiên. Các cử chỉ và hình dáng gần gũi với những hoạt động đời thường như đi, đứng, ngồi , chạy, chỉ tay, cuối xuống, nhảy lên...Thể loại này còn phụ thuộc rất nhiều vào trang phục, tóc, trang điểm, nữ trang và các phụ kiện thời trang khác như bóp, giỏ xách, đồng hồ, mắt kính... Tư thế ưa chuộng nhất hiện nay là những bước đi tự nhiên.

1.4.3    Thể thao

Đây là thể loại nhằm tôn vinh nét khỏe đẹp, hình ảnh mang hướng năng động, phấn khích và chuyển động. Nó tiếp cận và kết hợp với các đạo cụ thể thao. Sự tạo dáng thường không nằm ở người mẫu mà là do người chụp. Các nhiếp ảnh gia phải di chuyển và tìm ra góc ảnh để tìm thấy những kiểu dáng đẹp. Liên kết điểm mạnh với môn thể thao muốn chụp, ví dụ bơi là hình thể, cử tạ thì cơ bắp, chạy là đôi chân, … Đừng quên hình ảnh những giọt mồ hôi là công sức của sự khổ luyện cũng là yếu tố chính của hình thể thao.

1.4.4    Áo tắm

Điểm mấu chốt của chụp áo tắm là tạo ra sự nóng bỏng và mạnh khỏe. Tư thế và tạo dáng sao cho thấy rõ các đường cong hoặc cơ bắp, kết hợp với các nguyên tắc bố cục ở trên để nhấn mạnh các điều cần diễn đạt. Nếu chụp thời trang, thì hình thể chỉ đóng vai trò phụ để nâng cao phần trang phục,  giống như chụp thời trang, phần chủ yếu tập trung sẽ là áo quần.

1.4.5    Những lời khuyên

Trước khi quyết định kiểu chụp nào là thích hợp, bạn cần quan tâm đến ba điều sau. Đó là tuổi, chiều cao và ngoại hình.

Tuổi: là yếu tố quan trọng nhất để quyết định tư thế và kiểu chụp phù hợp.  Bạn không thể chụp một người đứng tuổi theo kiểu teen, hoặc một em bé trang điểm như một quý bà. Dù khách hàng bạn yêu cầu như vậy, hãy cố thuyết phục và bảo họ tin tuởng vào tài năng và kinh nghiệm của bạn.

Chiều cao: sẽ quyết định đến góc chụp và tư thế đứng hay ngồi của người mẫu, từ đó bố cục và cắt xén hình ảnh phù hợp. Góc chụp trên cao sẽ làm người mẫu lùn đi, trong khi góc chụp thấp làm người mẫu cao hơn. Hãy chọn những kiểu dáng để tôn vinh chiều cao, trong khi khai thác gương mặt và bờ vai sẽ làm người ta quên đi chiều cao khiêm tốn của người mẫu.

Ngoại hình: ảnh hưởng đến tư thế chụp nhằm tôn vinh vẻ thon thả hay hạn chế những điểm yếu của thân hình. Quan sát để tìm ra những điểm mạnh cũng như điểm hạn chế. Nó có thể là màu da, răng, tóc, râu, chân, tay, ngực, eo hay phần mông. Dù ngày nay các phần mềm xử  lý ảnh có thể khắc phục được những nhược điểm này. Nhưng đừng quên yếu tố “chân thật” của nhiếp ảnh, gìn giữ những bản chất tự nhiên, tránh hình ảnh chụp và người mẫu không  giống nhau.

Dù nhiếp ảnh là bắt những khoảnh khắc bất chợt, nhưng chúng ta vẫn có thể chuẩn bị kỹ lưỡng những điều cần làm và sẽ làm trước khi chụp.  Ví dụ chúng ta cần diễn tả điều gì? liên kết giữa chủ đề và hậu cảnh và mối liên hệ giữa chúng; Tư thế nào là thích hợp với áo quần; sản phẩm; hay thể hiện cảm giác mong muốn của người chụp.
Kiên nhẫn và sáng tạo ra những kiểu tạo dáng mới, trao đổi thẳng thắn trước với người mẫu những điều nên và không nên, điều mình thích và không thích, và những gì họ cần thực hiện. Xem xét và khám phá khả năng của người mẫu. Bạn có thể làm mẫu trước, hoặc cho xem những hình ví dụ, tuy nhiên tránh rập khuôn và hạn chế sự sáng tạo của họ. Những điều cần lưu ý, tất cả những người đứng trước máy ảnh đều căng thẳng, vì thế không nên tạo nhiều áp lực và cố gắng tỏ ra thân thiện. Thành thạo trong thao tác kỹ thuật là một cách giúp người mẫu tự tin để tích cực hoạt động cũng như sáng tạo khi làm việc. 

Tài liệu tham khảo
- Posing Techniques for photographing Model Portfolio.
- Mater of composition (Top 10 tips).
- Creative composition.
- Bài viết có sử dụng nhiều hình ảnh từ Internet.

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00