Thế nào là một tấm hình đúng sáng

Tôi có nhiều dịp gặp và tiếp xúc với các bạn bè, những người rất yêu thích nhiếp ảnh. Trong những dịp như vậy, tôi nghe được nhiều câu chuyện xung quanh vấn đề "thế nào là một tấm ảnh chụp đúng sáng". Hôm nay chúng ta mở lại vấn đề này và cùng suy nghĩ về nó.

Ngoại trừ các chế độ chụp khác như Tv (S), Av (A) hay P, máy ảnh luôn tự cân chỉnh độ sáng hình ảnh theo mức trung bình. Còn đối với chế độ chụp M (Manual), hầu hết mọi người đều trông cậy vào chỉ báo sáng nằm bên trong khung ngắm để biết bức hình của mình có đúng sáng hay không (hình 01). Nó được hiểu như sau, khi con trỏ của chỉ báo sáng nằm ở chính giữa, thì bức hình xem như đúng sáng, lệch sang phải là dư sáng và ngược lại là thiếu sáng.



Hình 01 

Tuy nhiên một số khác lại dựa vào biểu đồ histogram. Họ cho rằng, bức ảnh có độ sáng tốt thì phần biểu đồ tập trung nhiều ở phần giữa (như hình 02). Tuy nhiên biểu đồ histogram khá phức tạp để hiểu được nó. Hơn nữa, biểu đồ này không xuất hiện trong khung ngắm, nên khó dùng để tham khảo. Việc không xác định thế nào là tấm ảnh đúng sáng sẽ khó khăn nhiều hơn, khi sử dụng chức năng bù hoặc trừ sáng.



Hình 02 

Thật ra tấm hình đúng sáng là một khái niệm mang tính tương đối, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Như thuật toán đo sáng (hay phương thức đo sáng),  trường phái, quan điểm người chụp,...vv

Thật vậy, kết quả của chỉ báo sáng phụ thuộc vào phương thức đo sáng mà bạn chọn trên máy ảnh.  Thường có 3 hoặc 4 phương thức đo sáng, tùy vào máy ảnh. Đó là phương thức đo sáng ước tính (hay ma trận), phương thức đo sáng trung tâm, phương thức đo sáng một phần và phương thức đo sáng theo điểm. Ứng với từng phương thức đo và điểm đo sáng, kết quả chỉ báo sáng có thể khác nhau. Nếu dựa vào chỉ báo sáng, thì đúng sáng của phương thức này có thể dư hoặc thiếu sáng của phương thức kia (mang tính tương đối).



Hình 03 (hình của Pulev alexander)                          Hình 04 (hình của Sultan Alzaabi)


Hoặc tùy vào trường phái ảnh, một tấm ảnh sắc độ nặng bình thường (low key) có thể bị máy ảnh xem là thiếu sáng (hình 04) hay với sắc độ nhẹ (high-key) có thể xem là dư sáng (hình 03) .  
 


Hình 05 (hình của www.komar.org)


Xem hình ở trên, đây là một tấm hình đúng sáng  (dựa theo chỉ báo sáng của máy ảnh), tuy nhiên theo tôi thì nó bị tối, tối ở đây được hiểu là gương mặt của vận động viên bị tối và chúng ta không nhận ra họ là ai. Tuy nhiên với tác giả, nó là một tấm hình thành công, vì ánh sáng mặt trời trong tấm hình không quá chói sáng, nó vừa phải và đúng sáng. Rõ ràng trong cùng một tấm ảnh, cả hai quan điểm trên đều chính xác. Vì thế việc phán xét kết quả đúng sáng phụ thuộc vào từng người. 

Một cách tương đối, tấm hình đúng sáng được hiểu là đối tượng chính trong tấm hình phải đúng sáng, hay cụ thể hơn, những phần quan trọng của chủ đề phải đúng sáng. Để vùng ảnh này đúng sáng, chúng ta cần phải đo sáng ngay tại những vùng này. Tùy vào vùng ảnh quan trọng rộng hay hẹp so với khung hình mà ta chọn phương thức đo sáng phù hợp. Nếu vùng ảnh này hẹp, phương thức đo sáng theo điểm sẽ rất phù hợp, ngược lại có thể dùng phương thức ước tính hay đo sáng trung tâm. Ví dụ trong tấm hình 04, chủ đề chính là gương mặt nhìn nghiêng của một phụ nữ, tuy nhiên phần ảnh quan trọng lại là phần ven sáng, vì thế ven sáng này cần đúng sáng. Để làm được điều này, chúng phải ta đo sáng ngay tại ven sáng này. Vì vùng ven sáng khá mỏng, nên đo sáng theo phương thức theo điểm sẽ chính xác hơn.

Mọi thứ đều mang tính tương đối, khi nói về một vấn đề nào đó người ta thường kèm theo một quy chiếu. Quy chiếu ở đây được hiểu là tôi chụp theo trường phái nào, chủ đề của tôi là ai và đâu là phần quan trọng... vâng vâng. Vì thế để hiểu rõ khái niệm đơn giản này, đòi hỏi bạn có một nền tảng kíến thức vững chắc để xác định nó. Hy vọng bài viết phần nào làm sáng tỏ khái niệm đúng sáng của một tấm hình. Hãy chia sẻ những vấn đề của bạn với chúng tôi ngay sau bài này nhé. 

(BTV Trang trangdenmag.com biên soạn)

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00