Tại sao hình tôi bị mờ (out nét) khi chụp máy DSRL

Rất nhiều người thất vọng sau khi sở hữu một chiếc máy ảnh DSRL đắt tiền, nhưng hình ảnh thì kém xa chiếc máy ảnh du lịch. Hầu hết những người lần đầu dùng máy DSRL, đều bị chung một vấn đề đó là hình bị mờ. Thường được gọi là “Out nét” (có lẽ gọi theo từ này Out of focus). Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem vấn đề này là gì. 

Thói quen dùng máy ảnh du lịch

Chúng ta đã quen với việc lấy nét là trách nhiệm của máy, do thói quen dùng máy ảnh du lịch. Tuy nhiên trên máy ảnh DSRL, việc lấy nét do người dùng quyết định, ngay cả khi lấy nét tự động. Cách lấy nét tự động trên máy ảnh du lịch và trên máy ảnh SRL khác nhau. Hiểu sai về điều này nên đa số những người mới dùng máy ảnh DSRL, thường thích lấy nét bằng tay, nghĩa là tự chỉnh vòng lấy nét hoặc hoàn toàn không biết rằng cần phải điều chỉnh lấy nét trước khi chụp.

Việc lấy nét thường được giao phó cho máy ảnh, qua chế độ lấy nét tự động. Vấn đề này dẫn đến  hai kết quả, một là hình ảnh rõ nét đúng ý đồ, hai là hình bị mất nét. Tỷ lệ thành công của họ là 50% (đôi khi thấp hơn).  Điều đáng tiếc nhất là những bức hình quan trọng bị mất nét, trong khi những bức hình bình thường khác thì không. 

Bởi máy ảnh du lịch chủ yếu dựa vào vùng ảnh rõ (độ sâu trường ảnh), máy ảnh sẽ nới rộng vùng ảnh rõ sao cho phủ hết tất cả các đối tượng trong khung hình. Trong khi máy ảnh DSRL, ngoài độ sâu trường ảnh, máy ảnh còn cho phép lấy nét thông qua các điểm hay vùng lấy nét trên máy ảnh. Đối tượng đứng gần máy ảnh hơn sẽ được ưu tiên lấy nét, các vùng còn lại có thể không   nét (tùy vào độ sâu trường ảnh). Việc giao phó cho máy ảnh tự động lấy nét, nó sẽ tìm các đối tượng gần nhất với máy ảnh, tuy nhiên đối tượng thực sự thì ở phía sau. 

Cách khắc phục. Khi bấm nửa nút chụp, các điểm được dùng lấy nét sẽ sáng lên. Bạn hãy quan sát, nếu điểm sáng rơi đúng vùng cần lấy nét, máy đã lấy nét đúng. Ngược lại, bạn bấm nửa nút chụp một lần nữa , máy ảnh sẽ chọn điểm lấy nét khác, làm lại thao tác trên cho đến khi máy ảnh lấy nét đúng ý đồ của bạn. Nhược điểm của nó, có thể làm mất thời gian và những khoảnh khắc đẹp trôi qua. 

Trong ví dụ bên dưới. Do đầu gối người mẫu gần với máy ảnh hơn, nên máy ảnh chọn nó để lấy nét. Tuy nhiên, gương mặt người mẫu mới thật sự là nơi cần lấy nét.
 

 Hình minh họa lấy từ internet 

Lấy nét bằng tay không chính xác bằng lấy nét tự động (đối với người mới)

Khi dùng máy ảnh SRL, rất nhiều người thích lấy nét bằng tay. Bạn không thể lấy nét chính xác, và đừng tin quá vào những gì bạn nhìn thấy trên khung ngắm và ngay cả trên màn hình LCD. Hình ảnh bạn thấy có thể rất nét, nhưng khi xem trên máy tính hoặc khi in ảnh ra, nó vẫn có thể bị mờ.

Điều thường gặp nhất ở người mới, là không có khả năng nhận ra một tấm hình bị mất nét, vì nhìn chung nó vẫn rõ. Nhưng với người có kinh nghiệm, họ không khó nhận ra điều này. Lấy nét bằng tay sẽ tốn nhiều thời gian và có thể mất đi những cơ hội. Hãy chuyển sang chế độ lấy nét tự động (AF) trên ống kính của bạn, vì không ai bỏ tiền mua một xe ga tự động, để rồi yêu cầu dùng cần số. 

Bỏ quên yếu tố trường ảnh

Nhược điểm ở trên có thể được khắc phục, bằng cách chỉ định điểm hay vùng lấy nét, thay vì để máy tự chọn. Máy sẽ lấy nét tự động theo điểm chỉ định. Bằng cách kích hoạt chế độ lấy nét theo điểm rồi xoay vòng điều chỉnh để chọn điểm lấy nét hay vùng lấy nét (tùy máy). 

Cách này cho phép tăng tốc độ lấy nét và lấy nét chính xác, tuy nhiên hình vẫn bị mờ. Có thể ngay trên cùng gương mặt của chủ đề, bạn lấy nét mắt trái, mắt trái rõ nhưng mắt phải thì không (hay ngược lại) .Yếu tố ảnh hưởng đến điều này chính là độ sâu trường ảnh (vùng ảnh rõ nét), vùng ảnh rõ không phủ hết các đối tượng cần rõ nét. 

Bạn nên biết rằng, máy ảnh luôn chọn độ mở ống kính lớn nhất để tăng tốc lấy nét, nên trong các chế độ chụp tự động, máy ảnh luôn chọn độ mở lớn nhất có thể, dẫn đến độ sâu trường ảnh mỏng đi và phạm vi sắc nét hình ảnh cũng giảm.
Để tăng vùng rõ nét, bạn phải giảm độ mở của ống kính bằng cách tăng khẩu độ. Ví dụ độ mở ống kính tối đa của bạn là F/2.8, nhưng khi chụp, thường chỉnh khẩu độ lên f/5.6 đến f/11 để tăng độ sâu trường ảnh.  Đây chỉ là ví dụ còn tùy vào thực tế và mục đích chụp. 

Phương thức lấy nét sai

Một yếu tố khác có thể làm hình ảnh mất nét khi chụp đối tượng di chuyển. Khó chụp rõ nét một đối tượng di chuyển, dù di chuyển nhanh hay chậm. Lý do, đối tượng chụp đi ra khỏi vùng ảnh rõ nét, mà máy ảnh đã lấy nét trước đó. 

Trong máy ảnh của bạn, có nhiều phương thức lấy nét. Mỗi phương thức đều có ưu thế riêng. Bạn cần sử dụng chúng đúng công năng. Có ba phương thức chính (có thể nhiều hơn tùy máy) đó là lấy nét một lần, lấy nét liên tục và tự động chuyển đổi qua lại hai phương thức trên. 

Bạn chụp đoàn tàu đang di chuyển về phía bạn, nếu bạn chọn chế độ lấy nét một lần, ngay khi bạn lấy nét xong, đoàn tàu tiếp di chuyển dẫn đến việc lấy nét ban đầu không đúng nữa. Phương thức lấy nét một lần không thể dùng trong tình huống này, bạn cần chuyển qua phương thức lấy nét liên tục. Nghĩa là máy ảnh sẽ lấy nét liên tục cho đến khi bạn bấm máy. Tuy nhiên cách này làm hao tốn năng lượng, nên phương thức thứ ba hạn chế được điều này. Máy sẽ lấy nét một lần, nếu đối tượng di chuyển sau khi lấy nét, máy sẽ chuyển sang phương thức thứ hai (lấy nét liên tục). 

Chúng ta cần vận dụng chúng một cách hiệu quả để bảo đảm hình ảnh luôn được lấy nét đúng. 

Yếu tố khác

Sau tất cả những gì ở trên, hình ảnh vẫn có thể bị mờ.  Có thể do ống kính của bạn không có chức năng chống rung hoặc do bạn chụp tốc độ quá chậm làm máy ảnh bị rung. Bạn nên cố định máy trước khi chụp bằng cách dùng chân máy hay tựa vào nơi nào đó chắc chắn. Hoặc bạn phải tăng tốc độ màn trập lên. Thông thường con số một phần của giây phải lớn hơn chiều dài tiêu cự. Ví dụ bạn chụp ở tiêu cự 200mm thì tốc độ màn trập phải cao hơn 1/200 giây. Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng yếu tố này có thể làm căn cứ để bạn hạn chế máy ảnh bị rung.

Một lý do khác có thể bạn không để ý, ống kính, nhất là các ống kính rẻ tiền, chất lượng hình ảnh thường rất tốt ở phần tâm, nhưng suy giảm khi đi ra phía bên ngoài, đó là lý do khi chụp theo hàng ngang số đông, bạn lấy nét người ở giữa thì người ở hai đầu bị mất nét. Để khắc phục lý do này bạn cần tìm hiểu về ống kính, đặc biệt về khẩu độ tối ưu trên từng ống kính, để tìm ra khẩu độ nào cho chất lượng hình ảnh đồng đều nhất. 

Có thể còn nhiều yếu tố khác nữa ảnh hưởng đến độ sắc nét hình ảnh của bạn, nhưng những trường hợp ở trên là phổ biến nhất. Vì phạm vi bài viết chỉ tập trung phân tích các vấn đề, nên không chỉ dẫn sâu vào kỹ thuật cũng như cách chỉnh trên từng máy ảnh. Ngoài ra bạn cần trao dồi những kiến thức khác và kinh nghiệm để cải thiện chất lượng hình ảnh của mình. Hy vọng bài viết này có thể giúp ích cho bạn trong thời gian đầu sử dụng máy ảnh DSRL. Một lý do nữa có thể giúp bạn tự tin là, ngay cả những người chuyên nghiệp đôi khi cũng gặp những vấn đề trên giống bạn, thường lý do chính là chủ quan. Cuối cùng, giống như bao lần, hãy chia sẻ với chúng tôi các vấn đề của bạn ngay sau bài này nhé.

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00