Cách thực hiện bức hình HDR

Trong phần này chúng ta sẽ đi vào các bước cụ thể để tạo bức hình HDR, đồng thời tham khảo một ví dụ để biết cách thiết lập các thông số với phần mềm photoshop.  Chúng ta sẽ bắt đầu phần này với phần cài đặt trên máy ảnh.

Bước 1: Thiết lập trên máy ảnh

Nếu bạn có kinh nghiệm với định dạng RAW, hãy cài đặt tập tin hình ảnh trên máy với định dạng này, nếu không hãy dùng định dạng JPEG . Chúng ta sẽ thực hiện việc chụp nhiều tấm ảnh với mức lộ sáng khác nhau. Cụ thể ba tấm ảnh chụp sẽ được dùng để làm ra bức ảnh HDR.

Nếu khung cảnh của bạn có nhiều chi tiết phân bố với những khoảng cách khác nhau so với vị trí máy ảnh, bạn nên chọn chế độ chụp ưu tiên khẩu độ Av (Canon) hay A (Nikon), để kiểm soát độ sâu trường ảnh. Hoặc nếu đối tượng của bạn có thể chuyển động hoặc môi trường chụp thiếu sáng, nên chọn chế độ ưu tiên tốc độ màn trập Tv (Canon) hay S (Nikon)

Chúng ta sẽ thực hiện ba tấm ảnh với mức lộ sáng khác nhau. Bằng cách chỉnh chế độ bấm máy (drive mode) sang chế độ chụp liên tục, và sử dụng chức năng chụp bủa vây AEB (Auto Exposure Bracketing) với mức thay đổi trong từng kiểu từ 1 đến 2-stop. Lưu ý, đây chỉ là một cách, không nhất thiết lúc nào cũng dùng AEB, chúng ta có thể chụp nhiều tấm hình có mức bù trừ sáng tăng dần hoặc giảm dần, tùy vào khung cảnh thực tế. Tuy nhiên AEB là cách nhanh và đơn giản nhất để đạt được điều này.

Bạn nên dùng chân máy để bảo đảm các bức hình không bị xê dịch khi chụp, và giúp Photoshop chồng khít các tấm hình lên với nhau khi ghép. Để hạn chế máy bị rung chúng ta nên sử dụng thiết bị điều khiển từ xa hay dùng dây bấm mềm để điều khiển máy ảnh. Nếu bạn không có những thiết bị này, có thể dùng chức năng chụp hẹn giờ nhiều tấm liên tục (tuy nhiên chức năng này không phải máy nào cũng có). 

Bước 2: Tạo ảnh HDR trên Photoshop CS5

Chúng tôi dùng bốn tấm trên wikipedia.org,  bạn có thể tải hình1, hình2, hình3hình4 tại đây và lưu vào máy tính.

  • Mở Photoshop (PS) CS5, vào menu File>Automate> Merge to HDR Pro
  • Bấm Browse trong cửa sổ mới mở, trỏ đến nơi chứa 4 tấm hình này trên máy tính của bạn
  • Chọn chức năng “Attempt to Automatically Align source image” để PS cố gắng chồng khít các tấm hình lại với nhau. Chức năng này có thể mất nhiều thời gian xử lý, tuy nhiên hình ảnh sẽ sắc nét, các tấm hình HDR thường đòi hỏi  sắc nét và nhiều chi tiết. Bấm nút OK

  • PS sẽ tiến hành sắp xếp các tông ảnh trong các bức hình để hình thành nên bức hình HDR 32-bit. Sau đó chuyển qua định dạng 16-bit hay 8-bit để có thể xem trên máy tính hay in ra một cách bình thường.
  • Có nhiều cách chuyển đổi sang dạng 16bit hay 8bit, ở đây chúng ta sẽ dùng cách chuyển đổi “mô phỏng nội suy” (Local Adaption)
  • Với cách này, chúng ta có thể thay đổi các thông số như sau

    Radius

    Bán kính hay phạm vi ảnh hưởng khi điều chỉnh độ tương phản thông qua thông số Strength bên dưới đây. Bán kính càng lớn phạm vi ảnh hưởng càng lớn, và ngược lại. Bán kính nhỏ được hiểu là muốn thay đổi độ tương phản trên từng vùng nhỏ (hay cục bộ), nhưng độ tương phản của toàn bức hình (hay toàn cục) có thể không bị ảnh hưởng. Nếu bán kính càng lớn, tương phản toàn cục sẽ bị thay đổi, lúc đó chi tiết trong từng vùng ảnh nhỏ có thể bị mất do quá sáng.

    Strength

    Mức độ tương phản theo phạm vi (radius) khai báo ở trên. Bức hình HDR thường có độ tương phản cục bộ cao, trong khi tương phản toàn cục thấp, vì thế giá trị radius hay Strength không nên cao hơn 80. Một cách cụ thể, nếu muốn thay đổi tương phản nhiều hay ít ta dùng strength, còn thay đổi trên phạm vi rộng hay hẹp ta dùng Radius

    Gamma

    Chỉnh độ sáng tối của bức hình cho phù hợp với từng thiết bị hiển thị, máy in hoặc trên màn hình. Gamma càng lớn bức hình sẽ càng tối và ngược lại. Hình ảnh trong Lab mode không bị ảnh hưởng bởi gamma, vì nó không phụ thuộc vào thiết bị hiển thị, nên không bị ảnh hưởng bởi gamma.

    Exposure

    Điều chỉnh độ sáng, tuy nhiên tính năng này khác với gamma. Các vùng tối và sáng của bức ảnh cũng sẽ bị ảnh hưởng, exposure càng nhỏ bức hình sẽ trở nên hoàn toàn đen hoặc ngược lại nó sẽ  hoàn toàn trắng.

    Detail

    Thể hiện độ nét của các chi tiết ảnh, đây là phần dùng để định hình kết cấu của một bức ảnh.

    Shadow

    Điều chỉnh độ sáng của vùng tối

    Highlight

    Điều chỉnh độ sáng của vùng sáng

    Vibrance

    Điều chỉnh sắc độ của hình ảnh

    Saturation

    Độ bảo hòa hay độ loãng của các kênh màu RGB.

     

  • Cụ thể trong trường hợp này chúng ta sẽ thay đổi như sau. Chỉnh Saturation lên thành 48 và Vibrance xuống -3, các giá trị còn lại thay đổi như hình bên dưới đây

  • Bấm nút OK. Chúng ta sẽ dùng chức năng curve để  trả lại độ tối tự nhiên của bầu trời. Bằng cách vào layer > new adjusment layer > Curves. Chỉnh như hình dưới đây.

  • Dùng chức năng Channel Mixer để giảm bớt màu xanh và tăng màu vàng trong khung cảnh đêm, tạo thêm cảm giác ấm cúng. Bằng cách vào layer > new adjusment layer > Channel Mixer. Chỉnh như hình dưới đây.

  • Bức hình cuối cùng như sau

  

    Phần kết

Trên đây chỉ là một ví dụ, không phải lúc nào cũng áp dụng đúng như vậy. Việc thực hiện bức hình HDR tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tùy vào từng khung cảnh thực tế, việc thêm bớt màu sắc, độ sáng, độ bảo hòa, mức độ chi tiết,…cũng sẽ khác nhau, hoặc có thể thay đổi sao cho phù hợp với yêu cầu của người dùng. Hình HDR tạo cảm giác vô thật, nhưng thu hút người chơi vì gây được nhiều ấn tượng. Tuy nhiên chúng ta không nên lạm dụng các tính năng của nó, có thể bị phản tác dụng. Việc điều tiết màu sắc cho phù hợp với chủ đề và ngữ cảnh sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của bức ảnh.

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00