Những điều cần chuẩn bị trước khi chup ảnh.

Tôi nhận được rất nhiều câu chuyện được chia sẻ từ những người bạn. Có những chuyện làm ta “phì cười”, nhưng cũng có những chuyện phải “ngậm ngùi”. Họ không chỉ phải trả giá bằng tiền mà cả uy tín, thậm chí có những trường hợp không còn cơ hội để sửa sai. Những chuyện được nói sau đây, mong muốn cùng chia sẻ những kinh nghiệm để tránh những vết đổ xảy ra trong tương lai.


Những chuyện đáng tiếc có thể tránh được.

  • Sau lần chụp một sự kiện ngoài trời, một người bạn làm dịch vụ cho khách hàng “tá hoả” khi xem lại hình trên máy vi tính, những hình ảnh chụp ngoài trời nắng, nhưng tất cả đều bị nhiễu một cách khó hiểu. Anh liền kiểm tra lại, thì thấy ISO trên máy đang cài ở tốc độ là 1200. Trong một lần thay đổi ISO hiếm hoi, khi chụp đêm trước đó vài ngày với một người bạn.  Chính vì điều này, dẫn đến sự chủ quan từ anh và hậu quả anh phải nhận do không kiểm tra lại cấu hình máy ảnh trước khi chụp.
  • Một chuyện khác về một người bạn, anh kể rằng tất cả các hình sau khi chụp đều rất đẹp khi xem trên màn hình LCD của máy ảnh, nhưng trên máy tính thì chúng hoàn toàn mất nét. Là một người sử dụng máy ảnh lâu năm, anh hiểu rằng mình không thể phạm sai lầm như thế. Anh đã  tìm hiểu và biết được lý do, chức năng tự lấy nét trên ống kính bị tắt mà anh không hề biết. Nó đã bị tắt do va chạm khi lấy máy ra và cất vào túi.
  • Những hậu quả không lường trước, một đồng nghiệp chia sẻ trên mạng internet mà tôi có lần đọc được. Sau khi chụp hình cưới cho khách ở một nhà hàng, trên đường về nhà anh bị giật mất chiếc máy ảnh. Tất cả hình ảnh khi chụp, cũng bị mất theo, anh phải trả giá cho sự việc này bằng  cái nhìn đầy hoài nghi và trách móc từ khách hàng . Anh hiểu rằng, anh đã đánh mất một sự kiện quan trọng nhất trong đời người mà anh không thể nào có thể sửa sai. 

Các bước chuẩn bi trước khi lên đường

Những điều ở trên là bài học rất “đáng giá” trong rất  nhiều bài học từ việc thiếu sự chuẩn bị này. Đó cũng là lý do chúng ta cần phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng trước khi bạn cầm máy. Những bước cần chuẩn bị được liệt kê bên dưới đây. Bạn hãy đọc và làm một danh sách riêng cho mình nhé. 

A. Thông tin về nơi chốn

Chổ bạn đến là một nơi hoàn toàn mới, hãy tham khảo múi giờ, thời tiết , hỏi những người có kinh nghiệm, tìm kiếm thông tin trên internet về địa điểm mình sẽ đi, các ưu điểm và khuyết điểm của nơi mình sẽ chụp. Kiểm tra thông tin về các tai nạn và sự cố xảy ra gần nhất. Kiểm tra các danh lam thắng cảnh mới xây dựng hay mới được khám phá. Bạn sẽ gặp những ai và ở đâu. Kiểm tra phương tiện mình sẽ đi, giá cả và kết quả đặt phòng khách sạn của bạn. 

B. Kiểm tra máy ảnh trước khi lên đường

  • Sạc đầy pin máy ảnh, sạc pin đèn flash, pin các phụ kiện khác
  • Mang theo pin dự trữ nếu có
  • Kiểm tra thẻ nhớ, chép dữ liệu vào máy tính trước khi format , bảo đảm không gian trống trên thẻ nhớ đủ cho nhu cầu sử dụng. Mang theo thẻ dự phòng
  • Kiểm tra máy ảnh có hoạt động bình thường hay không (chụp thử vài lần và tháo rời pin ra khỏi máy trước khi cất vào túi)
  • Kiểm tra lại nhu cầu chụp và mang theo các loại ống kính thích hợp
  • Mang theo phụ kiện cần thiết
    • Áo mưa
    • Đèn flash
    • Hắc sáng
    • Máy đo sáng
    • Ba lô
    • Kính lọc
    • La bàn
    • Thiết bị định vị
    • Điện thoại vệ tinh
    • Chân máy ảnh 

C. Kiểm tra trước bắt đầu chụp

Đây là bước kiểm tra rất quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất trong tất cả những điều bạn cần chuẩn bị. Luôn kiểm tra lại cấu hình cơ bản cài đặt trên máy ảnh. Vì có những chức năng khi tắt máy, những cài đặt sẽ quay trở về ban đầu. Tuy nhiên, một số vẫn còn lưu lại và khi bạn mở máy, nó vẫn giữ nguyên tác dụng bởi lần cài đặt trước đó, và sẽ ảnh hưởng đến lần chụp sắp đến. 

Nếu bạn dùng máy ảnh của người khác hay dùng máy thuê, thì hãy kiểm tra lại hay tắt các chức năng customer function trên máy ảnh. Đặc biệt tính năng chỉ định những ứng dụng cho các nút trên máy ảnh, nó có thể giết chết bạn do thói quen sử dụng. Ví dụ: Nếu ai đó chỉ định chức năng xoá ảnh cho nút AF-ON, khi bạn muốn lấy nét và bấm vào đó thì hậu quả là gì bạn đã hiểu. 

Nếu máy bạn cho phép đồng thời sử dụng 2 thẻ nhớ, thì hãy tận dụng tính năng “quý như vàng” này. Vì thẻ nhớ của bạn có thể chết hay hư một vài vùng chứa những tấm ảnh rất quan trọng của bạn. 

Bên dưới đây là các chức năng, có thể làm bạn hối hận nếu không kiểm tra trước. Bảo đảm các thông số được cài đặt thích hợp.

  • Độ K và white balance:
  • Bộ lọc màu đang cài đặt
  • Chất lượng ảnh đang cài
  • Kiểu ảnh & không gian màu
  • ISO
  • Các chức năng hỗ trợ (như cải thiện 4 góc tối của ảnh, tối ưu chi tiết trong vùng sáng hay tối, bù trừ sáng và bù trừ đèn flash, chống mắt đỏ) 
  • Chức năng thường dùng
    • Phương pháp đo sáng
    • Chế độ chụp 
  • Kiểm tra cài đặt trên ống kính
    • Chức năng lấy nét tự động
    • Chức năng chống rung
    • Chức năng chỉnh phạm vi lấy nét 
  • Kiểm tra cài đặt trên đèn flash
    • Chế độ đèn
    • Góc phát sáng (zoom)
    • Mức năng lượng 

 D.Các bước sau khi chụp hoàn tất

  • Trả lại các cài đặt ban đầu, nếu bạn có điều chỉnh. Nó sẽ tránh các rủi ro cho lần chụp sau
  • Tháo pin ra khỏi máy ảnh và các thiết bị.
  • Đậy nắp ống kính
  • Nếu bạn chụp đồng thời 2 thẻ nhớ, thì tách riêng 2 chiếc thẻ này ra và cất vào hai nơi khác nhau. Ví dụ 1 chiếc bạn để trong balo và 1 chiếc còn lại bạn cất vào trong bóp phía sau túi quần hay bất kỳ nơi nào khác chiếc balo của bạn. Điều này cho phép bạn hạn chế rủi ro, trong trường hợp bạn thất lạc hành lý hay máy ảnh bị mất.

 

Dù bạn có thể nhớ hết những điều trên, nhưng trong những tình huống bối rối hay bất ngờ, bạn sẽ có thể quên. Tôi thường có thói quen ghi ra tờ giấy bìa nhỏ, dạng như chiếc danh thiếp và treo trên máy ảnh. Nó sẽ nhắc nhở tôi mỗi lần, trước khi bắt đầu sử dụng máy ảnh. Những điều trên tuy nhỏ nhưng so với hậu quả có thể có, thì không hề nhỏ. Nếu bạn không muốn nhận những điều ngoài ý muốn này thì hãy làm quen với nó từ bây giờ.

Danh sách kiểm tra ở trên rất cơ bản, tuỳ theo công việc cụ thể của bạn mà nó có thể dài ra thêm, đặc biệt những người làm dịch vụ cho khách hàng. Hy vọng những điều trên sẽ giúp ích và làm bạn yên tâm để tập trung vào các công việc quan trọng hơn.

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00