Carl Zeiss

Carl Zeiss sinh ngày 11 tháng 9 năm 1816, là một công dân Đức chuyên làm ra các thiết bị quang học. Công ty do ông thành lập được lấy chính tên mình là Carl Zeiss Jena (Giờ đây là Carl Zeiss AG ). Ông đã đóng góp rất nhiều công sức trong việc sản xuất ra các thấu kính dùng trong ống kính. Phát triển từ vùng Weimar của Đức, ông trở thành một trong những nhà sản xuất thấu kính được chú ý từ năm 1840, khi làm ra các sản phẩm chất lượng cao cho các ống kính có độ mở rất lớn. Nó cho phép chụp được những hình ảnh rất rõ nét. Các sản phẩm đầu tiên được làm ra tại phân xưởng của ông ở thành phố Jena, và ông khởi nghiệp của mình từ đó. Đầu tiên ông sản xuất các loại kính hiển vi , nhưng khi máy ảnh được phát minh, công ty của ông bắt đầu sản xuất những ống kính chất lượng cao cho máy ảnh.

Carl Zeiss sinh ra trước thời kỳ Đế quốc Đức. Ngôi trường phổ thông ông học được đảm trách bởi Tiến sĩ Friedrich Korner, một người giảng dạy kỹ thuật và là người cung ứng cho trường.  Sau đó ông theo học toán, vật lý thí nghiệm, nhân chủng học , khoáng vật học và quang học tại Đại học Jena. Bảy năm sau, ông mở một xưởng nhỏ, với các công cụ chủ yếu dựa vào thao tác bằng tay. Ông đã làm ra nhiều ống kính nhưng ít được công nhận cho đến năm 1847 khi ông có thêm vài người trợ giúp.

Năm 1847 Carl Zeiss bắt đầu dành toàn công sức để sản xuất Kính hiển vi. Cải tiến đầu tiên của ông, chỉ dùng một ống kính đơn giản cho kính hiển vi và nó được dùng trong công việc giải phẫu. Trong năm đầu tiên, ông đã bán được khoảng 23 sản phẩm này. Carl Zeiss đã sớm thấy rằng, ông cần một thách thức mới để ông bắt đầu làm các Kính hiển vi phức hợp. Sản phẩm đầu tiên có giá đỡ hình chữ I sau đó có mặt trên thị trường năm 1857.

Kính hiển vi đầu tiên của Carl Zeiss năm 1847 và kính hiển vi giá đỡ chữ I năm 1857 - Nguồn www.zeiss.com

Năm 1861 ông được tặng huy chương vàng tại Triển lãm công nghiệp Thüringen cho các thiết kế của mình. Và chúng được xem là một trong những thiết bị khoa học tốt nhất tại Đức. Vào thời điểm đó, ông đã có khoảng 20 nhân viên và công việc kinh doanh đang rất phát triển. Năm 1866 phân xưởng của ông đã bán hơn 1.000 chiếc kính hiển vi.

Năm 1872 ông tham gia với nhà vật lý Ernst Abbe. Nỗ lực kết hợp của họ dẫn đến một khám phá mới, được gọi là mệnh đề SIN Abbe (Sin đây chính là Sin của một góc tính bằng cách lấy cạnh đối chia cho cạnh huyền mà ta thường học). Về mặt lý thuyết, mệnh đề SIN Abbe cho phép sản xuất các thấu kính cho hình ảnh sắc nét cao theo các chiều khác nhau của chủ đề. Tuy nhiên, thời điểm đó không có một thủy tinh nào đủ mạnh để thử nghiệm đầy đủ lý thuyết của mệnh đề này. Sau đó Abbe gặp Otto Schott , một nhà hóa học 30 tuổi chuyên về thủy tinh, người vừa nhận được bằng tiến sỹ. Họ hợp tác và sản xuất ra một loại thủy tinh mới vào năm 1886, nó có thể thỏa mãn các điều kiện để áp dụng mệnh đề SIN Abbe. Loại thủy tinh mới này cho phép làm ra những thế hệ kính hiển vi mới có tính năng tiêu sắc phức (apochromatic -  thường được viết là APO). Ông dùng chất phủ có tính ngậm nước để khắc phục hiện tượng sắc sai trên các thấu kính.

Con trai ông kế nghiệp kinh doanh của cha không được lâu và về hưu ngay sau cái chết của Carl Zeiss vào ngày 03 tháng 12 năm 1888.  Công ty Carl Zeiss AG tiếp tục đạt được những thành công trên phương diện quốc tế, sản xuất ra nhiều thiết bị quang học cho nhiều chủng loại máy móc và vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.

Lưu ýCách phát âm từ “Carl Zeiss”. Theo wiki.answers.com, tên ông trong tiếng Anh được phiên âm như sau “karl zice” , zice đọc giống như từ rice, nghĩa là phải đọc là ka-rl-zai cách viết trại theo tiếng Việt Nam (không phải là kạt-zét). Chữ “z” trong tiếng Đức được đọc là “ts” và Carl đọc là "Kar-el" nên tên gọi của ông theo tiếng Đức là "Kar-el Tsice"

(Dịch theo nguồn wikipedia.org và wiki.answers.com)