Bức ảnh Hàng Rào Trắng

Bị hấp dẫn bởi ý nghĩa của hình dáng của chiếc hàng rào màu trắng. Các đường nét hình học với hàng cọc thẳng đứng đầy sinh lực và đường nối ngang xéo xuống, tạo nên một luồng năng lượng đang di chuyển ở  giữa bức ảnh. Bên trái là con đường, dẫn mắt người xem đi vào trong khung hình, nơi chứa đựng một thế giới vô tận không biết sẽ đi đâu về đâu. Ngôi nhà bên trong, một tối một sáng tạo ra sự tương phản. Chỉ có hai trong ba cánh cửa sổ của ngôi nhà bên trái được thắp đèn sáng tạo ra sự bất đối xứng với hàng rào đều đặn bên ngoài. Hình dáng các cọc đứng chạy ngang, tạo ra sự cân bằng và bình yên, nhưng cọc ở vị trí gần cuối bị mất một phần đầu, báo hiệu những bất ổn có thể tiềm ẩn bên trong. Tác giả muốn diễn đạt điều gì từ bức hình này.

Chúng ta thường bị hấp dẫn bởi những bức ảnh có nhiều màu sắc hay một khung cảnh thần tiên. Chúng có thể đọng lại trong tâm trí hoặc có thể một thoáng trôi đi. Các bức ảnh thuộc trường phái “thuần túy” thường mộc mạc, nhưng chứa đựng bên trong một sức mạnh to lớn, chuyển tải những ý nghĩa sâu sắc về mặt nội dung, tác động đến xã hội và thay đổi hành vi con người.

Tháng 6/2008 Viện bảo tàng nghệ thuật Cincinnati đã trưng bày bức ảnh “Hàng Rào Trắng” - White Fence. Bức ảnh được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia người Mỹ -  Paul Strand vào năm 1916, người được xem một trong những nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Hình ảnh mô tả một hàng rào màu trắng nổi bật trên nền tối của những ngôi nhà và phân xưởng. Bức ảnh được xem như một tác phẩm kinh điển của Nhiếp Ảnh, nhưng thực tế,nó bình dị đến mức khó có thể xem là một tác phẩm có tính nghệ cao thời bấy giờ.

 

Yếu tố lịch sử

Vào thời kỳ đó, khi trường phái “hình tượng” (1860) thống trị và phổ biến trong nhiều thập kỷ. Người xem đã quen với những hình ảnh mang phong cách mỹ thuật cao, nhấn mạnh vẻ đẹp của chủ đề,cũng như tông màu và bố cục. Tuy nhiên các ảnh này không mang nhiều tính hiện thực. Chúng thường được dùng để trưng bày và dễ gây nhàm chán do không còn thích nghi với một xã hội có nhiều biến động cũng như ngành công nghiệp đang bắt đầu phát triển. Paul Strand một trong những nhiếp ảnh gia đầu tiên muốn thay đổi, đưa nhiếp ảnh về đúng ý nghĩa của nó và không vay mượn hay chịu ảnh hưởng của bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào. Ông chọn một phong cách hoàn toàn mới mang nhiều tính thực tế. Thông qua những chủ đề hay đối tượng thông thường để hiện thực hóa và nâng cao ngôn ngữ  cho nhiếp ảnh. Những thay đổi này đáp ứng được yêu cầu của xã hội, tạo thêm sức mạnh cho các hình ảnh và được nhiều tầng lớp ủng hộ. Đây là tiền đề cho trường phái nhiếp ảnh “Thuần túy” ra đời.

Nội dung kỹ thuật và ý nghĩa

Trở về đầu thế kỷ 20, năm 1911 khi các băng đảng hình thành và chi phối nhiều trong xã hội Mỹ, một trong những nhóm khét tiếng ở Los Angeles lập ra một hàng rào trắng bao quanh nhà thờ La Purissima để ngăn cản những người nhập cư gốc Tây Ban Nha đi vào. Và hành động này được mở rộng trên khắp đất nước Mỹ.  Người nhập cư có thể bị giết hoặc đánh đổi sinh mạng của mình khi vượt qua những rào cản này. Bức ảnh không đơn thuần thể hiện một “Hàng rào trắng”, nó diễn tả phong trào phân biệt chủng tộc. Với cách dùng khéo léo, từ “trắng” nằm trong tên của bức ảnh còn có nghĩa vô hình.  Ngụ ý hàng rào là một lằn ranh giữa sự sống và cái chết của những người nhập cư và là biểu trưng của người da trắng bản xứ, đại diện cho một thế lực trong xã hội Mỹ thời bấy giờ.

Ngôn ngữ và hệ lụy xã hội

Bức ảnh gây xúc động mạnh mẽ, đặc biệt không chỉ người dân nhập cư, mà còn có những thành phần tiến bộ khác trên toàn thế giới. Bức ảnh là tiếng nói mạnh mẽ, tác động đến con người cũng như xã hội, đỉnh điểm là các cuộc nổi dậy sau nhiều thập kỷ. Đến 12/1965 chính thức được liên hiệp quốc xóa bỏ bằng công ước quốc tế về nạn phân biệt chủng tộc.

(Trích từ bản tin ebook "Trắng Đen" số 02).