Nhiếp ảnh ý niệm qua ảnh NAG. Gilbert garcin

Là thể loại nhiếp ảnh mang tính hiện đại. Nhiếp ảnh ý niệm đáp ứng được nhu cầu thưởng lãm cao hơn trong xã hội ngày càng phát triển. NAG. Gilbert Garcin không phải là người tiên phong, nhưng ảnh của ông tiêu biểu cho thể loại này.

Ảnh ý niệm (Conceptual Photography)
Là một trào lưu nhiếp ảnh ra đời thế kỷ 20, ở đó ý niệm (concept) hoặc ý tưởng (idea) được coi là điều quan trọng nhất trong các tác phẩm. Nhiếp ảnh ý niệm khởi nguồn lần đầu năm 1917, người đầu tiên đề ra trào lưu này là nghệ sĩ người Pháp Marcel Duchamp với tác phẩm nổi tiếng Fountain. Trong thể loại này, chủ thể, đối tượng trong ảnh không phải là nội dung chính. Nội dung chính của ảnh ý niệm là những ẩn ý nằm bên trong diện mạo tổng thể của bức ảnh. Đó là một phương thức thể hiện tư tưởng hay triết lý của nhiếp ảnh gia thông qua những đối tượng, vật thể được chụp. Để chuyển tải được một thông điệp hay nội dung nào đó trong cuộc sống đến với người xem, thường các nhiếp ảnh gia phải có những ý niệm ban đầu, rồi sau đó mượn những biểu tượng, đường nét, sắc độ để hiện thực hóa ý tưởng đó. Chỉ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ý tưởng và các thủ pháp nhiếp ảnh, mới làm súc tích ngôn ngữ của nhiếp ảnh.

Tiểu sử tác giả
Gilbert Garcin, sinh ra ở La Ciotat (21/6/1929), là một nhiếp ảnh gia người Pháp. Ông là chủ của hãng sản xuất sản xuất đèn. Ông bắt đầu chụp ảnh khi nghỉ hưu ở tuổi 65. Hai thập niên sau, ông đã triển lãm các tác phẩm của mình trên toàn thế giới và xuất bản rất nhiều sách ảnh.

Tác phẩm
Trong những bức ảnh đen trắng của Gilbert Garcin, người ta thấy một con người đơn độc xoay xở với một chiếc máy, sợi dây hay chiếc vòng rối hay những vật dụng khác. Nhưng các tác phẩm luôn tạo ra được những ý niệm rất thú vị. Để tạo ra hình ảnh của mình, Garcin đã sáng tạo ra một thế giới mô hình thu nhỏ trong phòng chụp, ở đó ông đã cố gắng làm ra bối cảnh trông rất thật trước khi chụp chúng. Ông thường  dành hai hoặc ba ngày để nghĩ ra một bối cảnh thông qua các ảnh chụp cắt dán, cùng với các phụ kiện để tạo dựng. Sau đó mới thể hiện vai trò của mình trong bức ảnh cuối cùng. Dù đến với nhiếp ảnh khá muộn ở tuổi 65, tuy nhiên vốn sống chính là chất liệu để ông tạo nên sự khác biệt với thế giới nhiếp ảnh còn lại. Các ảnh đen trắng của ông luôn có một nét riêng, ông chuyển tải những khó khăn và nghịch lý của cuộc sống, những vấn đề con người đối diện, những nghịch lý hay tình trạng trong các ngữ cảnh và tình huống khắc nghiệt. Các chủ đề của ông hiện sinh tình yêu, cái chết, sự sống, sự cô đơn, hay đơn độc. Dù vậy người xem không nhìn thấy sự yếu đuối hay u sầu, ngược lại là những hình ảnh đầy tính hài hước, lạc quan trong suốt các tác phẩm. Người xem sẽ có cảm giác được rong rủi trong một tâm hồn với những mảnh ký ức từ quá khứ. Ông nói rằng: ‘Trong bảy mươi năm, chúng ta sẽ thu thập hàng ngàn kỷ niệm, chúng được xếp như một mái ngói trong đầu, khi xốc lại mọi thứ theo một trình tự sẽ tái hiện lại được các tình huống khác nhau.

Lời Bàn
Người xem khó thấy sự hoàn mỹ như trong các bức ảnh phong cảnh hay nét đẹp về hình thể trong ảnh chân dung thời trang hay nghịch lý về ánh sáng trong các tác phẩm của ông, nhưng ở đó người xem nhận ra một phần cuộc đời đã trải nghiệm qua những hình ảnh được ví von rất mộc mạc của tác giả. Một người đã ở gần cuối cuộc đời, đủ kinh nghiệm để nhìn ra cuộc sống này đầy chông chênh nhưng cũng rất thi vị. Vì thế người xem còn thấy được sự vị tha cho những lỗi lầm trong ảnh. Và chúng ta hiểu vì sao ông đến với thể loại này để giải tỏa những nỗi niềm của mình.

Các tác phẩm tiêu biểu của tác giả