Tề Thiên và bàn tay Phật trong nhiếp ảnh

Tác giả Ngô Thừa Ân đã xây dựng nhân vật Tề Thiên  dựa theo ý niệm về “tâm” hay suy nghĩ của con người. Tâm hay nhảy nhót và đả phá chính là 2 tính cách được tác giả dùng hình tượng con khỉ để vay mượn. Điều này có thể thấy, khi ông trang bị binh khí duy nhất là chiếc gậy “Như ý” cho nhân vật, Ý là ý nghĩ của con người, “như ý” muốn nói đến con người lúc nào cũng kỳ vọng mọi điều theo ý riêng. Chiếc gậy ấy lúc ngắn lúc dài cũng là tính cách của suy nghĩ.

Có vô vàn những bí ẩn trong cuộc sống cũng như trong vũ trụ, sự hiểu biết của con người là rất nhỏ bé trong thế giới này. Với những kiến thức nhỏ nhoi ấy, nếu con người không biết rèn luyện và không ngừng học hỏi sẽ tỏ ra ngạo nghễ sinh ra bản ngã. Đây là góc rễ của những hành động mà con người không thể kiểm soát được, cho nên dễ nhận về mình những hậu quả khôn lường. Cái tên Tề Thiên Đại Thánh được tác giả đặt ra cũng ngầm ý về sự ngạo mạng của nhân vật ấy lúc bấy giờ.

Nói về phép thần thông đằng vân cưỡi gió, thật ra đây chính là suy nghĩ của chúng ta. Phép này diễn đạt cách suy nghĩ con người hoặc tâm trí ở đâu đó xa xôi dù đang sống ở thực tại. Vì vốn dĩ tâm trí hay bay nhảy không ngồi yên, lúc nào cũng vận động.

Suy nghĩ con người bị giới hạn bởi chính kiến thức đang có. Chúng ta có thể "nghĩ" (đằng vân) đến một nơi xa vạn dậm chỉ trong tích tắc, nhưng xa nhất cũng chỉ nằm trong những hiểu biết của chính mình. Thật khó để nghĩ đến một nơi nào đó gần mình nhưng chưa hề biết. Đơn giản vì chẳng biết gì về nó, tất cả chỉ là hướng đến một cách mường tượng hoặc phỏng đoán. Kết quả thường là đúng hoặc sai, nhưng xác suất sai thường sẽ cao hơn. Việc ví von chuyện Tài Thiên không thể nhảy ra khỏi bàn tay đức Phật, chỉ để nói lên ý niệm này. Phép mầu có cao siêu đến đâu cũng chỉ là phép thế gian. Bên ngoài trời đất kia còn có cả vũ trụ bao la.

Sau khi không nhảy ra khỏi bàn tay Phật, Tề Thiên bị chính bàn tay nhỏ bé đè xuống hóa thành Ngũ hành sơn giam giữ. Ý niệm này muốn nói về sự thiếu hiểu biết đôi khi là thứ mà con người bị giam cầm trong đó và không thể nào thoát ly ra được.

Núi Ngũ Hành tượng trưng cho thân xác, về ý niệm đó chính là Ngũ uẩn Sơn. Theo Phật giáo, Ngũ uẩn bao gồm: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Trong đó sắc là những gì nhìn thấy, thọ là những cảm giác của con người, Tưởng là tư tưởng đến từ Thọ hay cảm giác, Hành là hành vi đến từ những suy nghĩ (Tưởng) và sau cùng Thức là nhận thức từ Sắc, Thọ, Tưởng và Hành. Nếu con người bị chi phối bởi Ngũ uẩn mà không có tuệ giác, sẽ bị nhiễu loạn do “nhân tính” tự tại, dẫn đến bị “Ngũ Uẩn sơn” đè nặng, chính là trói buộc, đè nén, không thể thoát khỏi được gánh nặng trên lưng.

Ngô Thừa Ân đã lồng ý niệm này vào cốt chuyện một cách sâu sắc. Trong cuộc tỷ thí với Phật tổ, Tề Thiên sau khi bay một hồi lâu thì thấy năm ngọn núi (Sắc), ngài cảm thấy mình đã đi rất xa (Thọ), nên tưởng rằng đã đến được cuối chân trời (Tưởng), bèn đánh dấu bằng cách tiểu tiện lên đó và tuyên bố mình đã ra khỏi bàn tay Phật (Hành). Cuối cùng khi nhận ra sự thật, thì đã biết mình thua cuộc (Thức). Vì tin vào ngũ uẩn để thề nguyền dẫn đến hình phạt năm trăm năm dưới chân núi.

Câu chuyện trên chắc chắn làm chúng ta suy nghĩ về bản thân. Tin vào những gì chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường sẽ chạy theo danh vọng ảo huyền và làm bản thân giam cầm trong chính ngọn Ngũ Uẩn sơn kia. Trong thế giới của nhiếp ảnh cũng có những mối liên hệ gần với câu chuyện này, thế giới nhiếp ảnh vô cùng rộng lớn so với trí tuệ của chúng ta. Đừng tự mãn với những gì đang có, đừng xem thường những tác phẩm người khác khi chưa hiểu hết được ý nghĩa của nó, thế giới luôn chứa đựng những tinh túy mà chúng ta chưa bao giờ khám phá hay chạm đến.