NAG.Réhahn đã bán bức ảnh 17K usd như thế nào

Bài viết độc quyền của nhiếp ảnh gia Rehahn đăng trên trang Trangdenmag.com và ấn phẩm O'kmia Trắng Đen số 15.

Đưa câu chuyện vào trong bức ảnh, kể cho người xem và làm họ hiểu được giá trị của tác phẩm. Tiếp thị chuyên nghiệp, sử dụng truyền thông. Chỉ xuất bản với số lượng giới hạn, ngoài ra bức ảnh được in trên loại giấy in ảnh chuyên dụng chất lượng cao và độ bền gần như vĩnh cữu (60 năm). Đây là các yếu tố để 1 bức ảnh được bán với giá 17k USD. Sau đây là chi tiết bài phỏng vấn.

Gắn bó với Việt Nam hơn 6 năm và có một gallery ảnh nghệ thuật, mở cửa một Bảo tàng miễn phí ở Hội An và gần đây nhất là khai trương một gallery ảnh ở Sài Gòn, Réhahn, nhiếp ảnh gia người Pháp đã có một buổi chia sẻ những suy nghĩ về thị trường cho ảnh nghệ thuật ở Việt Nam cũng như những lời khuyên chân thành dành cho các bạn đam mê con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Q.Chào anh Réhahn, đầu tiên xin chúc mừng anh đã khai trương thành công phòng trưng bày ảnh nghệ thuật mới Couleurs d’Asie by Réhahn – Saigon, anh có thể chia sẻ thêm về gallery mới này?

A. Thân chào, 2017 là một năm đặc biệt đối với tôi vì là dịp kỷ niệm 10 năm bước vào sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. Sau khi thành lập Bảo tàng Di sản vô giá tại Hội An vào ngày đầu tiên của năm nay, hiện tôi tiếp tục cho ra đời Couleurs d’Asie by Réhahn - Sài Gòn trưng bày những tác phẩm ảnh nghệ thuật từ Việt Nam, Malaysia và Ấn Độ. Một góc sẽ dành riêng cho đất nước Cuba - nơi tôi xem là ngôi nhà thứ hai của mình sau Việt Nam. Đây là phòng triển lãm ảnh đầu tiên của tôi ở Sài Gòn, cũng là gallery ảnh nghệ thuật đầu tiên ở Sài Gòn và là nơi duy nhất trong thành phố bạn có thể đến xem các tác phẩm nghệ thuật của tôi, một nơi thưởng thức nghệ thuật mới ở Việt Nam. Thị trường nghệ thuật ở Sài Gòn ngày càng năng động và đủ độ chín cho một phòng trưng bày ảnh như thế này. Các tác phẩm của tôi cũng ngày càng trở nên quen thuộc hơn với người Sài Gòn và đã bán được rất nhiều tác phẩm trong thời gian gần đây, bao gồm bức ảnh đắt nhất từng được bán tại Việt Nam với giá 17.000 USD cho một nhà sưu tập ở Sài Gòn.

Q.Việc có đến 2 phòng trưng bày ảnh ở Hội An và Sài Gòn cho thấy rất nhiều tiềm năng. Vậy anh nhận xét thế nào về thị trường dành cho ảnh nghệ thuật nói chung và ở Việt Nam nói riêng?

A.Vâng, tôi đã mở gallery ở Hội An cách đây 3 năm và bây giờ là gallery ở Saigon vì tôi nhìn thấy thị trường dành cho ảnh nghệ thuật đang phát triển mạnh mẽ. Với sự phát triển của smartphone và phổ biến các trang mạng xã hội, mọi người đều yêu thích chụp ảnh, chia sẻ mỗi ngày và dần quan tâm nhiều hơn đến ảnh nghệ thuật. Mỗi ngày lại có thêm rất nhiều người lựa chọn trở thành nhiếp ảnh gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tôi có rất nhiều fan và khách hàng là người Việt Nam. Buổi khai trương gallery ở Saigon với đông đảo người Việt Nam đến tham dự và khách hàng đầu tiên của tôi cũng là một người Việt Nam đến từ Nha Trang. Ảnh nghệ thuật đang được lựa chọn để trang trí trong nhà, các khách sạn, nhà hàng...bên cạnh tranh nghệ thuật. Vì thế, tôi có thể nói con đường cho sản phẩm ảnh nghệ thuật đang rất rộng mở cho các nhiếp ảnh gia.

Một gallery ảnh nghệ thuật của NAG.Réhahn tại Tp.HCM

Q. Có rất nhiều gallery tranh nghệ thuật nhưng rất hiếm gallery ảnh nghệ thuật ở Việt Nam, cũng như có rất nhiều nhiếp ảnh gia nhưng rất ít mở gallery để bán tác phẩm của mình. Anh nghĩ sao về điều này?

A.Vì tranh nghệ thuật dễ bán hơn và mọi người nghĩ rằng tranh mang tính độc bản nhưng sự thật là hiện nay có rất nhiều các cửa hàng sao chép tranh. Một bức ảnh nghệ thuật được tạo ra cũng không hề dễ dàng và tốn nhiều công sức. Tôi nhìn thấy rất nhiều bức ảnh đẹp hàng ngày trên mạng, thậm chí được đăng tải trên Nat Geographic nhưng lại có rất ít trong số đó được bán vì họ không nghĩ mình sẽ bán được ảnh. Tương tự ở Việt Nam có rất nhiều nhiếp ảnh gia tài năng nhưng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực  thời trang, ảnh cưới và ảnh thương mại để quảng cáo, khách sạn, resorts … Tôi nghĩ rằng, đầu tiên là vấn đề bản quyền. Ảnh chụp hiện nay không được bảo vệ cụ thể và đúng mức, tiếp theo là họ chưa nhìn thấy được thị trường dành cho ảnh nghệ thuật cũng như chưa đánh giá được giá trị tác phẩm của mình.

Q.Theo anh, điều gì tạo nên giá trị cho một bức ảnh nghệ thuật?

A.Với tôi, đầu tiên bức ảnh phải mang một ý nghĩa và câu chuyện phía sau. Những bức ảnh đơn thuần được sắp đặt, chúng cũng có vẻ đẹp riêng nhưng người ta sẽ không mua vì không đem đến những cảm xúc chân thật. Không khó để tạo nên một bức ảnh đẹp, nhưng để có một bức ảnh chạm đến trái tim người xem thì cần rất nhiều công sức và trải nghiệm. Tiếp đến là màu sắc và chất lượng của giấy ảnh, kỹ thuật in ấn. Và sự giới hạn của các phiên bản để giữ được giá trị riêng cho bức ảnh.

Bức ảnh được in trên loại giấy chuyên dụng Kodak Endura Metallic  (Ảnh Hạ My)

 

Q. Mức giá của những bức ảnh của anh dao động như thế nào?

A. Những bức ảnh khổ lớn được in trên giấy Kodak Endura Metallic - loại giấy cao cấp được sản xuất tại Pháp và duy nhất có ở gallery của tôi tại Châu Á, với công nghệ hiện đại mang lại độ tương phản lớn và màu sắc sinh động, hiệu ứng bóng và ánh kim đem lại đường nét sắc xảo và độ sâu cho bức ảnh, giá sẽ từ 1200 - 20.000 USD. Ảnh trên giấy metallic có độ bền lên đến 100 năm nếu được giữ gìn và tôi chỉ có 15 bản in cho những bức ảnh này, vì thế chúng có một giá trị nhất định. Với các bức ảnh nghệ thuật giới hạn về số lượng, càng nhiều người mua một bức ảnh, giá trị của bức ảnh đó càng tăng lên. Bên cạnh đó là những bức ảnh với kích thước nhỏ hơn được in trên giấy truyền thống có giá từ 65 - 150 USD. Tôi đã từng thấy có những bức ảnh đẹp nhưng chỉ bán với giá 10 USD trong một số gallery ở Hà Nội, họ nghĩ rằng sẽ không bán được với giá cao. Ở Việt Nam, mọi người thường cạnh tranh về giá cả chứ không phải chất lượng. Còn tôi muốn tập trung vào chất lượng của bức ảnh với phiên bản giới hạn, vì thế những bức ảnh của tôi đều có mức giá cao. Lợi nhuận thu được tôi lại tiếp tục đầu tư vào những chuyến đi tìm gặp các dân tộc, trở lại thăm những nhân vật trong các tác phẩm của tôi để giúp đỡ cuộc sống của họ và chăm sóc, phát triển bảo tàng Di sản vô giá để mọi người luôn có cơ hội tìm hiểu vẻ đẹp đa dạng của văn hoá Việt Nam. Vì tôi cho rằng “văn hoá luôn luôn miễn phí và dành cho tất cả mọi người”.

Q. Nói về tác phẩm được bán với giá 17.000 USD, anh có thể chia sẻ điều gì khiến bức ảnh có được mức giá cao nhất Việt Nam như vậy?

A. Đầu tiên là bản thân câu chuyện của bức ảnh “Best Friends”, về khoảnh khắc cô bé Kim Luân trò chuyện cùng chú voi, loài vật được xem như người bạn trong văn hoá người Mnong và sự nổi tiếng của nó khi đã được xuất bản trên hơn 40 quốc gia và các tạp chí uy tín như Time Magazine và National Geographic. Với kích thước lên đến 1 x 1.5m, in trên chất liệu giấy metallic và đặc biệt bức ảnh này chỉ có 3 phiên bản, nên bản cuối cùng đã được bán với giá cao nhất. Giờ đây, nếu ai đó muốn mua lại bức ảnh này có thể liên hệ với 1 trong 3 vị khách hàng của tôi. Đây cũng là một khía cạnh đầu tư khác dành cho những nhà sưu tầm nghệ thuật với các bức ảnh phiên bản giới hạn của tôi.

Tác phẩm: Best Friends của NAG. Réhahn

Q.Anh có định hướng và gửi những lời khuyên cho các bạn trẻ đang theo đuổi bộ môn nghệ thuật này không?

A. Với nhiếp ảnh, mỗi người có thể chọn lựa con đường riêng để theo đuổi. Nếu bạn thích chụp ảnh trong môi trường thời trang, quảng cáo hay ảnh cưới đều tốt cả. Nhưng nếu bạn muốn kinh doanh những tác phẩm của mình, hãy bắt đầu xây dựng website, hình thành những bộ sưu tập ảnh có chủ đề riêng, kết nối và chia sẻ tác phẩm của mình trên các trang mạng xã hội, làm việc với các tờ tạp chí, tổ chức triển lãm cá nhân và mở phòng trưng bày ảnh. Đó là một chặng đường dài với nhiều bước đi và không hề dễ dàng, nhưng chỉ cần bạn có được những bức ảnh ý nghĩa với chất lượng tốt, tin tưởng và cố gắng, tôi làm được thì mọi người cũng làm được và sẽ làm tốt hơn tôi.

Q.Xin cảm ơn anh rất nhiều về cuộc trò chuyện này.