Trong nhiếp ảnh, độ sâu trường ảnh (DOF) là phạm vi, mà các hình ảnh nằm bên trong sẽ sắc nét. Ống kính máy ảnh chỉ có thể lấy nét chính xác trong một phạm vi nào đó, các hình ảnh không thuộc phạm vi “trường ảnh sâu” này sẽ bị mờ dần về hai phía trước sau vùng lấy nét. Trong một số trường hợp, toàn thể hình ảnh có thể đều sắc nét, điều này do DOF đủ rộng phủ lên hết các đối tượng bên trong. Ngược lại, nếu DOF mỏng hơn, tạo hiệu quả tập trung và nhấn mạnh vào chủ đề sắc nét, các phần còn lại tiền cảnh và hậu cảnh sẽ bị mờ.
DOF được xác định bởi các yếu tố sau: khoảng cách giữa máy ảnh tới chủ đề, độ dài tiêu cự của ống kính, khẩu độ, kích thước cảm biến ảnh... Với cùng khoảng cách từ máy ảnh đến đối tượng chụp, DOF được xác định tùy theo độ phóng đại đối tượng và khẩu độ. Với cùng một khẩu độ, góc nhìn máy ảnh hướng vào đối tượng càng hẹp (tiêu cự dài) thì DOF càng mỏng. Với cùng một tiêu cự, khẩu độ càng tăng (độ mở ống kính càng nhỏ) thì DOF càng dày và ngược lại.
Cùng một khung cảnh, được chụp bởi hai máy có cùng khoảng cách đến đối tượng, cùng khẩu độ, cùng ống kính, cùng góc chụp và hình ảnh sau khi chụp có cùng kích thước bằng nhau, máy nào có kích thước cảm biến càng lớn thì DOF càng mỏng.
Nếu ống kính được chỉnh lấy nét với khoảng cách ngoại tiêu (hyperfocal), thì DOF mở rộng từ nửa khoảng cách hyperfocal đến vô cực. Trong cùng một khẩu độ đó là DOF lớn nhất.
Công nghệ kỹ thuật số trong nhiếp ảnh đã cung cấp nhiều phương tiện để kiểm soát mức độ sắc nét của hình ảnh, và một số phương pháp cho phép mở rộng DOF, điều mà trước đó không thể làm với kỹ thuật truyền thống. ngoài ra, còn có một số công cụ khác cho phép xác định sau khi hình ảnh được thực hiện.
(Lược dịch từ nguồn wikipedia)