Chúng ta có thể biết tên nhiều thương hiệu và một số thông tin về các hãng sản xuất máy ảnh, nhưng ít khi quan tâm ai là người đã tạo ra nó? Bài viết này sẽ kể về các nhân vật, những người đã có những quyết định can đảm, đưa chúng ta đến vị trí của nhiếp ảnh ngày nay. Một trong số đó là Ernst Leitz II - cha đẻ của máy ảnh Leica - một thương hiệu máy ảnh huyền thoại.
Lịch sử hình thành
Năm 1849, một thợ cơ khí và nhà toán học nghiệp dư, Carl Kellner, đã thành lập một công ty quang học nhỏ ở thị trấn Wetzlar, miền Trung Tây nước Đức. Đó là viện Optisches, nơi chế tạo ra các kính thiên văn và sau này là kính hiển vi. Tuy nhiên Carl Kellner đã mất do bệnh lao vào năm 1855, khi mới 29 tuổi và công ty khi đó mới có 12 người. Năm 1864, công ty thuê một kỹ sư quang học tài năng tên là Ernst Leitz, người đã nhanh chóng trở thành đối tác vào tháng 10 năm 1865. Bốn năm sau Ernst Leitz tiếp quản toàn bộ hoạt động, vốn đang vật lộn để tồn tại, và sau đó được đổi tên thành Ernst Leitz Optische Werke. Leitz khi đó mới 27 tuổi, nhờ năng lực kinh doanh của mình đã giúp công việc phát triển nhanh chóng vào cuối thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20. Thời điểm này Leitz là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về kính hiển vi. Cách mạng kính hiển vi sau đó đã đặt nền tảng cho máy ảnh Leica ra đời. Với sự trợ giúp của con trai thứ hai Ernst Leitz II, một thập kỷ sau, họ đã chấp nhận thử thách chuyển hoạt động kinh doanh thành một công ty hoàn toàn mới về sản xuất máy ảnh. Tuy nhiên Ernst Leitz mất ngày 10 tháng 7 năm 1920,
ở tuổi 77. Con trai ông, Ernst Leitz II, chính thức tiếp quản mọi hoạt động của Leica từ đó.
Ra đời của máy ảnh 35mm
Oskar Barnack là kỹ sư trưởng của hãng Ernst Leitz. Ông có tiền sử bệnh hen suyễn, vì thế ông gặp nhiều khó khăn khi cầm các máy ảnh kích thước lớn và nặng, vốn phổ biến lúc bấy giờ. Ý tưởng thu nhỏ máy ảnh để có thể mang theo dễ dàng khi du lịch và trên hết giúp ông thích nghi với bệnh tật khi dùng máy ảnh.
Giữa năm 1913 và 1914, Barnack đã chuyển loại phim 35 mm dùng trong điện ảnh để sử dụng được cho máy ảnh mới của mình. Ông cải thiện trục cuộn phim có ngạnh để giữ phim đục lỗ có độ chính xác cao. Thiết kế của ông mang tính cách mạng vì phim được kéo theo chiều ngang và mở rộng kích thước khung hình lên 24 × 36mm (Full Frame) với tỷ lệ khung hình 2:3, thay vì dùng phim 18 x 24mm (APS-C) của máy ảnh dùng phim theo hướng dọc.
Máy ảnh leica đầu tiên
Trong quá trình thiết kế máy ảnh, để phim âm bản định dạng nhỏ 35mm có thể sắc nét khi phóng lớn ảnh, vì thế ông cần một ống kính chất lượng cao.
Barnack đã thử nhiều loại ống kính khác nhau, cố gắng cho ra chất lượng hình ảnh cao nhất. Vào thời điểm đó, các ống kính chỉ phù hợp với loại phim 18 × 24mm hoặc lớn hơn, vì vậy khi áp dụng cho khung hình của phim 35mm, ảnh sẽ bị tối một phần. Để đạt được độ phân giải cần thiết, một ống kính được thiết kế đặc biệt với tiêu cự 50mm f/3.5 sau này được phát triển thành dòng ống kính Leica Elmar nổi tiếng.
Năm 1923, Barnack thuyết phục ông chủ Ernst Leitz II sản xuất thử nghiệm một loạt 31 máy ảnh cho các nhiếp ảnh gia để chụp ảnh ngoài trời.
Mặc dù các nguyên mẫu nhận được sự khen chê lẫn lộn, nhưng Ernst Leitz II quyết định sản xuất máy ảnh vào năm 1924 và mang lại thành công khi được giới thiệu tại Hội chợ Leipzig vào mùa xuân năm 1925 với tên gọi Leica I. Leica là thương hiệu máy ảnh được ghép từ họ của nhà sáng lập Leitz với từ máy ảnh Camera thành Leica.
Thành công
Sau khi ra mắt năm 1925, máy ảnh Leica nhận được phản hồi bán khá chậm. Tuy vậy hãng vẫn giữ quy trình sản xuất nhỏ dưới 1.000 đơn vị thay vì bỏ đi. Vì vậy khi nhu cầu bắt đầu tăng lên, nhanh chóng vượt xa nguồn cung họ bắt đầu phát triển. Đến năm 1936, tổng số hơn 200.000 máy ảnh được sản xuất đã chứng minh máy ảnh có chất lượng quang học và độ chính xác cơ học cao nằm trong thân máy nhỏ gọn là đúng theo xu hướng thị trường. Ernst Leitz II thành công khi chèo lái công ty vượt qua thách thức cao nhất của thời đại.
Vai trò lãnh đạo
Leica ban đầu đã phát triển thành nhiều hơn nữa các máy ảnh cao cấp với thân máy nhỏ gọn, có thể thay đổi ống kính, họ đưa vào thiết bị đo khoảng cách kết hợp và một màn trập tốc độ cao 1/1000 giây. Năm 1946, Leica đã sản xuất được hơn 400.000 chiếc máy ảnh. Nhưng sau chiến tranh nhiều năm, họ đối diện vấn đề về nguồn cung cấp nguyên liệu thô. Ernst Leitz II đã chuyển một số khâu sản xuất cho một cơ sở ở Pháp, vào đầu năm 1950, một hoạt động được thành lập ở Canada, được xem là nơi trú ẩn an toàn trong trường hợp có chiến tranh xảy ra. Năm 1949, Ernst Leitz II trở thành công dân danh dự của Wetzlar và thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu các công thức của kính quang học để cải thiện tốt hơn hiệu suất ống kính. Một trong những con trai của ông, Ludwig, đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong Lịch sử của Leica, khi ra mắt máy ảnh M3 vào năm 1954 với thiết kế mới cho máy ảnh Range Finder, cho phép điều chỉnh thị sai tự động.
Ernst Leitz II vẫn kịp chứng kiến sự ra đời của Leica M3, trước khi chuyển giao quyền kiểm soát kinh doanh cho ba con trai của ông là Ernst Leitz III, Ludwig và Günther. Ernst Leitz II qua đời vào ngày 15 tháng 6 năm 1956, ở tuổi 85. Nhưng điều quan trọng nhất ông đã để lại là vị thế của mình trong lịch sử phát triển thiết kế máy ảnh, mà hậu thế vẫn còn sử dụng rộng rãi và chắc chắn còn được đảm bảo cho tương lai sau này.
--------------------
Ernst Leitz (1843–1920)
Là một thợ cơ khí giỏi, ông được đào tạo để trở thành một nhà sản xuất dụng cụ cho các bộ máy vật lý và hóa học và có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất đồng hồ ở Thụy Sĩ. Ban đầu, Leitz là một cổ đông của viện Optisches (vào năm 1865), nhưng sau đó trở thành chủ sở hữu duy nhất vào năm 1869. Tại nơi này, Leitz đã xây dựng thành thủ phủ của vương quốc Leica.
Kỹ sư Oskar Barnack (1879-1936)
Ông sinh ngày 1 tháng 11 năm 1879 tại Bad Nauheim - Hessen, là một nhà phát minh và nhiếp ảnh gia người Đức, người đã chế tạo chiếc máy ảnh 35mm thành công về mặt thương mại đầu tiên vào năm 1913, sau đó được gọi là Ur -Leica tại viện Ernst Leitz Optische Werke (nhà máy Leitz) ở Wetzlar.