Brassaï được xem là “Người đánh cắp của mọi vẻ đẹp“ bởi ông muốn người xem ngạc nhiên “Với những thứ vốn dĩ tầm thường trở nên đẹp đẽ hơn, mang cuộc sống trở lại những nơi vô tri vô giác. Brassaï nghĩ rằng nếu “Mọi thứ có thể trở nên tầm thường, thì cũng có thể được làm để trở nên tuyệt vời hơn”.
Tên thật là Gyula Halász, nhưng ông được biết đến rộng rãi với nghệ danh Brassaï qua những bức ảnh đặc sắc về cuộc sống ban đêm ở Paris, và cuốn sách đặc biệt về những bức ảnh “Paris by Night”.
Tuy vậy, phạm vi hoạt động của ông rộng hơn rất nhiều. Ông không chỉ là nhiếp ảnh gia tự do và phóng viên ảnh, ông còn đóng góp phần lớn vào ý tưởng nhiếp ảnh qua thể loại ảnh siêu thực. Brassaï là người xóa mờ các ranh giới có trong nhiếp ảnh đường phố và nhiếp ảnh mỹ thuật thông qua những hình ảnh sống động của đô thị hóa trong thế kỷ XX và đặc biệt ở Paris.
Khác với các nhiếp ảnh gia đương thời, Brassaï có hướng tiếp cận nhiếp ảnh đường phố theo tầm nhìn riêng của mình.
Ông không cố nắm bắt những nhịp sống về đêm mà đóng băng những chuyển động qua vẻ đẹp thoát tục hoặc những khoảnh khắc bị lãng quên.
Thế giới ban đêm của ông không có những kiến trúc hoành tráng, ngược lại Brassaï khám phá những mặt sau của cuộc sống thành phố như hình vẽ nguệch ngoạc, những kho chứa hàng và những khối xây dựng đổ nát. Chính nơi đây đã làm nên tên tuổi của ông, người ta còn gọi ông bằng cái tên trìu mến khác là “Nhà thơ của bóng đêm“.
Cảnh phố đêm paris & ký ức tuổi thơ
Brassaï nhìn Paris về đêm với một con mắt đặc biệt, nó đến từ những ký ức tuổi thơ mà ông đã được trải nghiệm. Qua ống kính, Brassaï tái hiện lại Paris của mình, một Paris vô danh, mù mịt, thậm chí bị khinh miệt. Một thành phố bao phủ trong màn đêm và sương mù, nơi ẩn chứa những số phận khác nhau, cũng như bề nổi của xã hội thượng lưu tương phản với những cảnh tồi tàn ở phía sau của thành phố.
Brassaï từng nói: “Đêm không hiển thị mọi thứ, mà gợi cho chúng ta thấy tất cả. Nó giải phóng các ẩn chứa bên trong mỗi chúng ta vốn bị chi phối bởi lý trí vào ban ngày.
Brassaï, được ví như người tạo ra một thế giới hiện hữu mới, một thế giới nơi mà đêm không còn bóng tối mà có ánh sáng bùng lên dữ dội, làm cho mọi thứ có thể nhìn thấy mà trước đó chỉ là những suy đoán. Trong bức ảnh con đường vắng uốn lượn - “Le Ruisseau Serpente“, Brassaï bị thu hút bởi ánh sáng đèn đường chiếu xuống vỉa hè, ông bố cục lại khung hình để chỉ thấy ánh sáng phản chiếu từ mặt đường giảm bớt độ sáng mạnh từ ánh đèn phía trên. Chính vì thế mà bức ảnh hiện rõ những viên đá cuội nhấp nhô, cho thấy rãnh nước thải chạy dọc theo con phố vắng vẻ.
Brassaï muốn chụp thành phố về đêm bằng chính chất thơ có bên trong mình. Paris về đêm trở thành chủ đề chính của Brassaï trong sáu năm. Ông đã chụp ảnh các nhà thờ và di tích lịch sử của thành phố, các công viên và nghĩa trang, từ bắc đến nam, từ cả hai phía của sông Seine và từ nhiều góc độ của tất cả các mùa và thời tiết trong năm. Trong những tấm ảnh đó, ông hiếm khi đưa vào yếu tố con người.
tầm nhìn xã hội
Brassaï mở rộng chủ đề cuộc sống về đêm trên đường phố Paris cho cả giới thượng lưu. Khả năng hòa nhập với xã hội nói chung của ông, phù hợp với khả năng thể hiện bản thân ở nhiều phương diện khác nhau, cho thấy một người đa nghệ thuật, hiểu biết rộng và có khả năng tiếp thu và đón nhận nhiều ảnh hưởng khác nhau.
Thật vậy, trong suốt sự nghiệp đỉnh cao của mình, ông đã tạo ra hơn 35,000 bức ảnh thông qua các phong cách như Nhiếp ảnh thuần túy, Nhiếp ảnh đường phố và Nhiếp ảnh tài liệu, đồng thời thử nghiệm với hội họa, làm phim và viết văn. Mặc dù vậy, ông được biết đến nhiều nhất trong vai trò một nhiếp ảnh gia theo chủ nghĩa siêu thực mà ông đã mang vào trong các bức ảnh của mình.
Di sản của Brassaï
Cùng với Henri Cartier-Bresson, Brassaï được xem là một trong hai nhiếp ảnh gia có ảnh hưởng nhất với nhiếp ảnh châu Âu trong những năm 1930. Cảnh quan đô thị trong ảnh của ông phần nào trở thành phong cách lãng mạn trong nhiếp ảnh đường phố. Kỹ thuật chụp ảnh ban đêm của ông đã mở đường cho các nhiếp ảnh gia khác khám phá các thành phố mang tính biểu tượng vào ban đêm. Ngoài các tác phẩm nhiếp ảnh, Brassaï còn viết mười bảy cuốn sách và nhiều bài báo, bao gồm cả Lịch sử De Marie, trong đó có nói về nghệ thuật vẽ đường phố Graffiti. Năm 1974, ông được phong là Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật, và huy hiệu Hiệp sĩ Quân đoàn Danh dự. Ông cũng giành được giải thưởng cao quý Grand Prix quốc gia đầu tiên tại Paris.
Ông mất tại nhà số 16, Rue du Saint-Gothard và được chôn cất tại Nghĩa trang Montparnasse, Paris.
"Tôi không phát minh ra bất cứ điều gì. Tôi nghĩ ra mọi thứ ... Hầu hết thời gian, tôi lấy cảm hứng từ cuộc sống hàng ngày. Tôi tin rằng đó là sự miêu tả chân thực và khiêm tốn nhất về thực tại, về những gì tầm thường nhất, có thể dẫn đến những điều tuyệt vời."