Khái niệm cơ bản về đo sáng

Để tạo ra được một sắc độ tốt trên ảnh, máy ảnh phải đảm bảo bắt được một lượng ánh sáng đầy đủ trên cảm biến hình ảnh. Và máy ảnh (hoặc bản thân ta) phải điều chỉnh thời gian lộ sáng (tốc độ màn trập) và lượng ánh sáng (độ mở ống kính) tác động lên cảm biến hình ảnh. Hình ảnh được tạo ra bằng sự tích lũy của ánh sáng trên cảm biến hình ảnh trong quá trình lộ sáng. Tất cả các loại máy ảnh kỹ thuật số đều được tích hợp một hệ thống đo sáng tự động, vậy vấn đề ở đây là gì ? Trên thực tế là ngay cả một hệ thống đo sáng tinh vi nhất cũng không thể nào hiểu được máy ảnh đang nhìn thấy gì, hoặc ý đồ của nhà nhiếp ảnh là gì. Do đó ta cần phải tự kiểm soát việc đo sáng.

 

Dynamic range kỹ thuật số.

Máy ảnh luôn luôn cố gắng xử lý các cảnh chụp có một độ sáng chan hòa. Đối với máy ảnh phim, điều này được gọi là độ rộng phơi sáng (exposure latitude), đối với máy ảnh kỹ thuật số, nó được gọi là phạm vi động (dynamic range). Trong một ngày nắng đẹp, máy ảnh cũng có thể chụp được những bức ảnh trong đó có một số chi tiết trong vùng tối, mà không làm “cháy” mất các vùng quá sáng, hoặc ngược lại. Thông thường máy ảnh kỹ thuật số có độ rộng phơi sáng tương đương với phim dương (slide film), tức có dynamic range khoảng 4 EV. Nghĩa là ta vẫn có thể có được chi tiết trong vùng tối hơn 2 EV so với vùng trung tính (mid-tone), và có được chi tiết sáng hơn vùng trung tính 2 EV.

Vùng trung tính (Mid-tones) là gì.

Vùng trung tính là một khái niệm rất quan trọng trong việc lộ sáng. Nó được dùng để mô tả sắc độ trung gian trên một bức ảnh. Mà đó cũng là vùng mà ta muốn lộ sáng một cách đúng đắn nhất. Nhưng vùng sáng tối này ra sao? Để đo sáng, máy ảnh sẽ tổng hợp tất cả các vùng sáng tối trong khung ngắm rồi tính ra một tiêu chuẩn bình quân là một sắc xám 18%, rồi cố gắng điều chỉnh thời chụp để tái hiện lại chủ đề với cường độ sáng này. Đây là nguyên lý đo sáng của tất cả các máy đo sáng được tích hợp bên trong máy ảnh, cho dù là chúng có tân tiến đến đâu đi chăng nữa. Máy đo sáng không thể nhìn thấy chủ đề, mà cũng không thể biết được sắc độ nào là sắc độ mà ta muốn thể hiện trên ảnh. Tất cả các chủ đề đều được tái hiện lại với sắc độ 18%.

Các paten đo sáng (Metering patterns).

Máy đo sáng không thể hiểu được rằng các chủ đề khác nhau trong ảnh sẽ có độ sáng khác nhau, nhưng các nhà sản xuất máy ảnh thì rất hiểu điều đó. Cho nên theo mặc định, các loại máy ảnh kỹ thuật số đều dùng hệ thống đo sáng “nhiều paten”, thường được gọi là “nhiều vùng” hay đo sáng ma trận, để phân tích nhiều vùng hay điểm sáng tối được phân bố trên hình ảnh. Từ dữ liệu này máy ảnh sẽ tự động so sánh với các điều kiện chụp đã được lưu trong bộ nhớ của máy ảnh, được gọi là thư viện ảnh, để cho ra một thời chụp đúng ngay cả khi chủ đề bị ngược sáng. Đo sáng ma trận thường cho ra kết quả chung chung, nên các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp thường thích chọn hệ thống đo sáng trọng tâm (center-weighted) hơn. Hệ thống đo sáng này tương đối đơn giản, mặc dù nó cũng đo sáng theo kiểu bình quân nhưng lại đặt nặng việc đo sáng ở vùng trung tâm khung hình. Hệ thống đo sáng điểm (spot metering) cũng thường được dùng vì nó chỉ đo sáng một vùng rất nhỏ trên khung hình mà thôi.

Độ mở ống kính và tốc độ màn trập.

Máy ảnh kỹ thuật số dùng cả độ mở ống kính và tốc độ màn trập để cài đặt thời chụp. Nhưng sao lại là cả hai, trong khi ta vẫn có thể điều chỉnh được hoặc tốc độ màn trập hoặc độ mở ống kính mà thôi ? Chính là vì cả hai đều có các tính năng riêng biệt để làm cho hình ảnh mang tính sáng tạo hơn. Độ mở ống kính nhỏ hơn sẽ cho được nhiều chiều sâu trên ảnh hơn, trong khi tốc độ màn trập nhanh hơn sẽ giúp ta bắt đứng được động tác của chủ đề tốt hơn. Độ mở ống kính và tốc độ màn trập phải được cân bằng với nhau, do đó khi ta muốn dùng một độ mở ống kính nhỏ hơn, ta cần phải bù trừ bằng cách chọn một tốc độ màn trập chậm hơn. Ví dụ nếu máy ảnh của ta đề xuất thời chụp 1/250 giây – f/8, mà ta muốn chụp ở tốc độ màn trập 1/1000 giây, tức nhanh hơn 2 EV hay 2 “nấc”, ta cần tăng độ mở ống kính lên 2 EV hay hai “khẩu”, tức f/4. Một số máy ảnh cho phép ta điều chỉnh độ mở ống kính và tốc độ màn trập với các nấc tinh chỉnh 1/3 EV và 1/2 EV. Nhưng theo nguyên tắc chung thì điều chỉnh tốc độ màn trập là phải điều chỉnh độ mở ống kính tương ứng mới có thể cho ra một thời chụp đúng.

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00