Giấy ảnh đa bậc (Multicontrast paper)

Từ nhiều chục năm qua, để có thể phóng ảnh có độ tương phản trung bình từ nhiều âm bản có độ tương phản khác nhau, người ta đã phải sử dụng giấy ảnh có những bậc số (Graded paper) khác nhau. Để xử lý âm bản gắt, người ta phải dùng đến giấy dịu và ngược lại, với âm bản dịu, người ta phải dùng giấy gắt. Đối với âm bản có độ tương phản trung bình, người ta dùng giấy có bậc số trung bình. Giấy ảnh dịu (Soft grade) thường mang số 0 và 1, giấy gắt (Hard grade) thường là giấy số 4 và 5. Giấy trung bình (Normal grade) thường là giấy số 2 hoặc 3, tuỳ theo nhà sản xuất.

Sự cần thiết phải sử dụng nhiều loại giấy có bậc số như thế khiến cho công tác phòng tối trở nên khá bất tiện. Hơn nữa, với một âm bản có độ tương phản nào đó, người ta cũng rất khó xác định một cách chính xác bậc số giấy sẽ phải chọn lựa để xử lý. Vào những năm 1940, qua nhiều cuộc thử nghiệm, người ta đã sản xuất ra một loại giấy, gọi là giấy Đa bậc (Polycontrast Paper). Nguyên lý sử dụng trong công nghệ sản xuất giấy rất đơn giản : người ta tráng lên bề mặt giấy hai lớp nhũ tương nhậy màu khác nhau. Giả định chúng ta có hai loại nhũ tương : một loại rất gắt chỉ nhậy cảm với ánh sáng màu lam ; một loại khác rất dịu chỉ nhậy cảm với ánh sáng màu lục.

Như thế, với cùng một âm bản, nếu ta sử dụng nguồn sáng màu lam để rọi hình, kết quả cho ra một hình rất gắt. Nếu sử dụng nguồn sáng màu lục, ta sẽ có một hình rất dịu. Bằng cách chia đôi thời gian rọi hình, ta sẽ có hình mang sắc độ trung bình. Áp dụng  nguyên lý trên, nhà sản xuất Dupont đã sản xuất ra hiệu giấy VARIGAM, giấy ảnh đa bậc đầu tiên trên thế giới (1940). Lúc đầu giấy VARIGAM chỉ được sử dụng với hai kính lọc màu Lam và Lục. Người ta thay đổi thời gian lộ sáng với từng kính lọc để cho ra bậc số tương phản mong muốn. Về sau, do nhận thấy giấy VARIGAM không nhậy với màu đỏ nên người ta đã thay thế kính lọc màu Lục bằng kính lọc màu Vàng.

Mục đích của sự thay đổi này nhằm rút ngắn thời gian rọi hình. Một thời gian ngắn sau đó, Dupont  sản xuất ra bộ kính lọc hoàn chỉnh gồm 10 kính lọc màu. Kính lọc số 1 màu vàng cho sắc độ cực dịu và kính lọc số 10 màu lam cho sắc độ cực gắt. Còn lại tám kính lọc trung gian được nhuộm màu theo tỷ lệ (vàng và lam) để cho ra những sắc độ tương ứng. Như vậy, để thay thế cho bốn hoặc năm bậc số giấy truyền thống, VARIGAM đã là loại giấy ảnh duy nhất lúc bấy giờ dùng để rọi ảnh đen trắng có tới mười cung bậc sắc độ khác nhau một cách rõ rệt. Hơn thế, người ta còn có thể bằng phương pháp ghép chồng nhiều kính lọc với nhau, thay đổi thời gian lộ sáng với từng kính lọc khác nhau, v.v… để tạo ra những cung bậc tương phản tế nhị chưa từng thấy.

Xuất hiện trên thị trường sau VARIGAM là các hiệu giấy KODAK POLYCONTRAST, ANSCO VEE-CEE, và GEVAERT GEVAGAM cũng đều sử dụng nguyên lý cơ bản của VARIGAM : Ánh sáng vàng cho ra ảnh dịu và ánh sáng lam cho ra ảnh gắt. Trong khi đó hãng giấy ILFORD của Anh lại tung ra thị trường hiệu giấy ILFORD MULTIGRADE có nguyên lý hoạt động hoàn toàn trái ngược : kính lọc màu vàng cho ảnh sắc độ gắt, và kính lọc màu lam cho ảnh sắc độ dịu. Bộ kính lọc màu cho giấy KODAK POLYCONTRAST (gọi là KODAK PC FILTERS), được đánh số tương đương với bậc số giấy ảnh truyền thống.

Kính lọc số 1 tương đương với giấy số 1 và kính lọc số 4 tương đương với giấy số 4. Các kính lọc trung gian được đánh số 1 ½ - 2 ½ - 3 ½ . Hãng Ansco không sản xuất kính lọc dùng cho giấy của họ. Ta có thể dùng bộ kính lọc Kodak hay Varigam để xử lý giấy ảnh VEE-CEE của Ansco. Hãng Agfa Gevaert có bộ kính lọc cho giấy GEVAGAM và hãng Ilford cũng có bộ kính lọc riêng cho giấy của họ.

1. NHỮNG LOẠI GIẤY ĐA BẬC KHÁC

Ngay sau khi được tung ra thị trường, giấy đa bậc đã được rất nhiều nhà nhiếp ảnh hoan nghênh và được sử dụng rất rộng rãi bởi các phòng tối chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư. Ngoài giấy VARIGAM truyền thống, hãng Dupont còn cho ra đời giấy ảnh đa bậc tông ấm (Warm tone) dành cho ảnh chân dung, sử dụng cùng một bộ kính lọc, gọi là giấy VARILOUR. Hãng Kodak cũng bán ra thị trường nhiều loại giấy đa bậc khác nhau.

Giấy POLYCONTRAST nguyên thuỷ có độ nhậy sáng trung bình, thích hợp vời việc in tiếp áp (Contact Printing) và phóng ảnh với máy rọi có nguồn sáng mạnh. Giấy POLYCONTRAST RAPID có cùng đặc tính với giấy POLYCONTRAST nhưng cho tông ảnh đen và ấm hơn. Điều cải tiến lớn nhất ở giấy POLYCONTRAST RAPID là giấy có độ nhậy sáng rất cao (ISO P400), do đó rất thích hợp cho việc phóng ảnh rất lớn hay phóng ảnh bằng máy rọi có nguồn sáng yếu. Kodak còn có một sản phẩm giấy đa bậc khác nữa gọi là giấy POLYLURE, cho ảnh tông ấm dùng để phóng ảnh chân dung rất đẹp. Hãng Ansco, Ilford và Agfa cũng sản xuất ra nhiều chủng loại giấy đa bậc khác nhau, và cũng có cả giấy bắt sáng nhanh cũng như giấy bắt sáng chậm, đáp ứng cho mọi nhu cầu của thị trường giấy ảnh trên thế giới.

2. SỬ DỤNG GIẤY ĐA BẬC

Cách sử dụng đơn giản nhất và hiệu quả nhất đối với giấy đa bậc, là sử dụng đúng bộ kính lọc được hãng sản xuất giấy chỉ định. Để phóng ảnh, bộ kính lọc phải có chất lượng quang học cao (Good Optical quality), nếu chúng được dùng ở khoảng giữa ống kính rọi và giấy ảnh. Đối với máy rọi có thiết kế Hộc đựng kính lọc (Filter drawer : Porte filtre) ở dưới bầu đèn (Lamphouse), ta có thể sử dụng bộ kính lọc đa bậc có chất lượng quang học kém hơn. Để in ảnh (Contact printing) ta có thể dùng cả hai cách vừa nêu.

Khi phóng ảnh ta nhất thiết phải chú ý đến diện tích của kính lọc để sao cho ánh sáng đi qua kính lọc phủ được hết các góc của âm bản sẽ được phóng. Một số nhà nhiếp ảnh cũng đã tự chế ra những bàn in ảnh trên giấy đa bậc, sử dụng hai bóng đèn màu lam và màu vàng. Dùng màu lam, hình ảnh cho ra sẽ gắt và ngược lại dùng đèn màu vàng hình ảnh sẽ dịu. Sự trộn lẫn của hai nguồn sáng trên cho ra hình ảnh có độ tương phản trung bình.

Nhiều loại máy rọi màu cũng có thể dùng để in phóng ảnh đen trắng trên giấy đa bậc bằng cách chỉ cần khống chế hai kính lọc màu lam và màu vàng. Một điều hết sức quan trọng mà ta cần lưu ý là độ tương phản của mỗi kính lọc thể hiện trên từng nhãn hiệu giấy đa bậc khác nhau, đều được căn cứ vào hiệu quả sử dụng của kính lọc dưới ánh sáng tiêu chuẩn của bóng đèn rọi hình mang mã số G-E211, G-E212, hoặc những bóng đèn chuyên dùng khác dành cho việc in phóng ảnh đen trắng. Máy rọi sử dụng nguồn sáng huỳnh quang (Fluorescent light) cũng có thể dùng để in phóng ảnh trên giấy đa bậc, nhưng sự tương phản có phần hơi khác so với đèn tiêu chuẩn G-E211 và G-E212, do đó ta cần phải có sự thử nghiệm cẩn thận trước khi sử dụng.

Nguồn sáng của bóng thuỷ ngân (Mercury-vapor light source) khó có thể cho ta kết quả như ý vì ánh sáng màu lục của chúng có tỷ lệ khá thấp so với ánh sáng màu lam mà chúng phát ra. Đèn an toàn (Safelight) đối với giấy đa bậc cũng khác với đèn an toàn dùng cho giấy có bậc số, nguyên nhân do tính nhậy màu lục của giấy đa bậc. Đèn an toàn Wratten OA của Kodak màu vàng-lục không thể dùng làm đèn an toàn cho giấy đa bậc được vì chúng làm xám giấy. Đèn Kodak Series OC được dùng làm đèn an toàn cho tất cả các loại giấy đa bậc. Đèn an toàn của hãng Dupont  sản xuất có ký hiệu DUPONT S-55X và hãng Ilford có đèn an toàn mang ký hiệu ILFORD 902.

Mặc dù biết rằng tất cả các loại giấy đa bậc đều có cùng một nguyên lý hoạt động như nhau, nhưng thực tế chúng vẫn có những đặc điểm cá biệt tùy theo hiệu giấy. Cho nên ta cần tuân thủ những chỉ định của hãng sản xuất về công tác hiện hình, định hình và nhất là công tác hậu kỳ (After-treatment), chẳng hạn như công tác chuyển màu ảnh (Toning).

3. CÔNG TÁC PHƠI CHE ĐỐI VỚI GIẤY ĐA BẬC

Phơi che (Dodging) đối với phòng tối đen trắng là điều tất yếu phải thực hiện. Việc phơi che trên giấy đa bậc thật đơn giản, thật dễ dàng mà hiệu quả lại đặc biệt cao. Chỉ cần thay đổi bậc số kính lọc trong quá trình phóng ảnh là ta có thể cân bằng được mảng sáng tối trong bức ảnh.

Ví dụ : trên một âm bản chụp một cảnh từ trong nhà nhìn ra khung cửa sổ, hình ảnh nội thất đòi hỏi phải có sắc độ gắt trong khi quang cảnh bên ngoài đòi hỏi phải có sắc độ dịu. Để giải quyết tình huống này ta chỉ cần sử dụng một kỹ thuật phơi che duy nhất là thay đổi kính lọc để rọi từng mảng hình ảnh.

Công việc được làm tuần tự như sau: trước tiên ta dùng kính lọc lam để rọi mảng trong nhà trong khi che chắn mảng sáng ngoài cửa sổ. Sau khi rọi xong phần nội thất, ta che chúng lại và rọi mảng sáng gắt ngoài trời bằng kính lọc vàng. Như thế chúng ta sẽ có được một bức ảnh rất hài hòa về sắc độ. Ngoài kỹ thuật phơi che căn bản của phòng tối, người ta còn sử dụng giấy đa bậc để in phóng ảnh từ những âm bản đã được xử lý bằng nhiều kỹ thuật phòng tối khác nhau để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật rất có giá trị.

4.KẾT LUẬN

Giấy đa bậc ngày nay gần như đã chiếm lĩnh thị trường giấy ảnh đen trắng. Cùng với những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, phòng tối đen trắng đã được hoàn chỉnh hơn với những thiết bị tân tiến hơn, chính xác hơn, cho phép ta in phóng được những bức ảnh tốt hơn, cầu kỳ hơn. Giấy ảnh đa bậc cũng đã càng ngày càng được cải tiến hơn và những thế hệ giấy đa bậc mới (New Generation) cũng đã thấy xuất hiện trên thị trường như: KODAK POLYCONTRAST RC II, KODAK POLYMAX RC, AGFA MULTICONTRAST PREMIUM, ILFORD MULTIGRADE IV RC, v.v… cùng với những bộ kính lọc ngày càng tinh tế hơn (gồm 12 kính lọc), chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00