Kỹ thuật chụp ảnh đêm

Các bức hình cảnh đêm thường mang lại nhiều cảm xúc. Ánh sáng rực rỡ của ngọn đèn đường và từ các bảng quảng cáo trên cao làm bức hình thêm phần tráng lệ. Chúng ta có thể bắt gặp một khung cảnh với màn đêm bao phủ được thắp sáng bằng ngọn đèn từ cửa sổ, hoặc ánh đèn từ gánh hàng rong trong đêm hay đơn giản đến từ một ánh trăng trong một ngày quang đãng. Các tấm hình chụp đêm thường mang cảm giác tĩnh lặng, yên ắng pha lẫn một chút huyền bí.   


Hình của vladstudio 

Khi chụp ảnh đêm, ngoài chiếc máy ảnh, chân máy là công cụ quan trọng thứ hai không thể thiếu được. Kỹ thuật chụp đêm gắn liền với chế độ chụp M (Manual) và kỹ năng phơi sáng. Ngoài ra còn có thể sử dụng các thiết bị phụ trợ khác nữa. Trong phần này chúng ta cùng xem cách thực hiện một tấm hình chụp đêm và lắng nghe những lời khuyên hữu ích chia sẻ từ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. 

Thiết bị


Hình từ wallcoo.net 

- Một chiếc máy ảnh cho phép chụp chế độ M là rất thích hợp, như các dòng máy DSLR.

- Chân máy ảnh.

- Điều khiển từ xa hay dây bấm mềm, hoặc sử dụng chức năng chụp hẹn giờ 2 giây

- Một tấm bìa nhỏ, có kích thước to hơn hoặc bằng tấm danh thiếp 

Kiểm soát độ nhiễu ảnh

Hình của Alyn 

Kiểm soát được độ nhạy ISO là khống chế thành công độ nhiễu ảnh. Do sử dụng chân máy, nên không cần thiết tăng ISO để chụp tốc độ nhanh. Thực tế cho thấy thời gian chụp đêm thường kéo dài hơn bình thường tùy vào độ sáng của khung cảnh. Vì thế chỉ cần thiết lập ISO ở mức thấp nhất có thể. Không nên dùng chế độ ISO tự động, vì máy có thể chỉnh ISO quá cao , là nguyên nhân gây nhiễu ảnh và làm suy giảm chất lượng hình ảnh. Ngay cả khi ISO được cài đặt thấp nhất, nhiễu ảnh vẫn xuất hiện trong vùng tối. Nếu máy ảnh của bạn có chức năng khử nhiễu, nên tận dụng ưu thế này.  Nhiễu ảnh trong vùng tối có thể dễ dàng giải quyết bằng các phần mềm xử lý ảnh, tuy nhiên nếu xuất hiện ở chủ đề chính, việc chỉnh sửa sẽ gặp nhiều khó khăn.   

Kỹ năng phơi sáng


Đo sáng sai, làm hình ảnh mặt trăng dư sáng và mất chi tiết 

Đây là kỹ thuật quan trọng nhất đòi hỏi người chụp phải thực tập nhiều lần để rút ra được kinh nghiệm. Việc đầu tiên phải quan sát các nguồn sáng trong khung cảnh, các nguồn sáng có độ sáng chênh lệch, như là đèn bảng hiệu và đèn đường hoặc đèn ở xa, sẽ làm hình ảnh có những vùng dư sáng hoặc bị thiếu sáng. Có nhiều kỹ thuật để hạn chế điều này. Cách đơn giản dùng tấm bìa che những vùng quá sáng trong một thời gian hoặc chụp bủa vây nhiều hình rồi dùng chương trình xử lý ảnh để ghép những phần hoàn hảo lại với nhau. Một cách khác dùng phương pháp đo sáng để đánh giá độ sáng của khung cảnh. Đầu tiên chọn phương thức đo sáng điểm, chọn chế độ chụp ưu tiên độ mở ống kính. Sau đó, đo sáng trực tiếp vào từng nguồn sáng có tác động nhiều nhất với hình ảnh, để biết được các giá trị tốc độ màn trập tương ứng. Sau đó chọn ra một giá trị trung gian để cài đặt trên máy. Trong trường hợp này phải sử dụng chế độ M và thiết lập giá trị khẩu độ và tốc độ màn trập như đã tính toán. 

Độ nét và vùng ảnh rõ (DOF)


Hình từ citypictures.org 

Tùy theo mục đích và ý đồ người chụp, nếu là một tấm hình phong cảnh, đòi hỏi độ nét cao từ tiền cảnh đến hậu cảnh. Độ mở của ống kính phải nhỏ lại, tuy nhiên không cần thiết quá nhỏ, do bởi vị trí chủ đề đến máy ảnh ở khá xa, là một lợi thế để tăng vùng ảnh rõ (DOF).  Độ mở ống kính càng nhỏ, các đốm sáng sẽ có nhiều tia xung quanh.  Trong trường hợp muốn hậu cảnh xóa mờ, hay muốn có bokeh ở hậu cảnh, hãy thu hẹp vùng ảnh rõ bằng cách tiến gần hơn với chủ đề và tận dụng độ mở ống kính lớn nhất có thể. Trong một khung cảnh có nhiều nguồn sáng chuyển động như đèn xe, nếu muốn những vệt đèn chạy dài  trong tấm hình, cần phải cài đặt thời gian chụp chậm, chậm đủ để vật di chuyển đi từ đầu đến cuối khung hình. Nếu chụp nhanh hơn thời gian này sẽ làm các vệt đèn ngắn từng khúc không đẹp. Lưu ý, khi thời gian chụp quá chậm, độ mở ống kính sẽ phải điều chỉnh nhỏ hơn. Khi đó hiện tượng "viền sáng" quanh các chi tiết sẽ xuất hiện và chất lượng hình ảnh càng suy giảm nghiêm trọng. Không nên chụp với độ mở ống kính nhỏ hơn f/11. 

Cài đặt trên máy

  

Độ mở ống kính càng nhỏ, làm nguồn sáng có nhiều tia xung quanh – hình của Natures Desktop 

Cài đặt định dạng hình ảnh RAW cho phép cứu các vùng ảnh hư do những sai sót khi chụp. Sử dụng chức năng khóa gương lật (Mirror lock up) sẽ giảm rung máy ảnh và tăng độ sắt nét. Nếu có kinh nghiệm đo sáng, cài máy ở chế độ chụp M như đã trình bày ở trên. Nếu không, nên sử dụng chức năng chụp bủa vây (Brackting), để chọn ra hình ảnh tốt nhất trong loạt ảnh chụp bằng chức năng này. Và cuối cùng bật chức năng khử nhiễu ảnh nếu có. 

Chân máy và thiết bị điều khiển từ xa


Hình từ wayfaring.info

Chân máy rất quan trọng, nhưng chất lượng chân máy còn quan trọng hơn. Chân máy quá yếu không giúp được nhiều, hình ảnh vẫn bị rung và các tia sáng có hình răng cưa. Khi bấm máy, lực ngón tay có thể làm máy ảnh rung ở cấp độ nhỏ, nhưng do chụp tốc độ chậm nên hình ảnh sẽ bị nhòe. Kinh nghiệm cho thấy các hình ảnh trên màn hình LCD có thể rất tốt, nhưng khi phóng lớn sẽ bị mờ. Vì thế giảm tác động trên máy ảnh càng nhiều độ sắc nét hình ảnh sẽ càng tăng. Thiết bị điều khiển từ xa hay dây bấm mềm được khuyên dùng cho những tình huống này. Nếu bạn không có các thiết bị trên, hãy tận dụng chức năng chụp hẹn giờ 2 giây, chức năng này cũng cho phép đạt hiệu quả tương tự. 

Phần kết

Một tấm ảnh thành công ngoài độ nét và mức lộ sáng còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác để quyết định mức độ thành công, như là ánh sáng, góc ảnh, bố cục và chủ đề. Nhưng phần kỹ thuật đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu để có bức hình đẹp. Tận dụng mọi cơ hội có thể để mang về những hình ảnh mang dấu ấn của mình, đừng quên những đêm mưa khi con đường phản chiếu ánh sáng lung linh mờ ảo bên dưới, một ngọn đèn dưới mưa sẽ xóa mờ hậu cảnh rất đẹp và tự nhiên, hay chiếc ghế đá bên cạnh ngọn đèn vào một đêm nhiều sương sẽ làm khung cảnh vô cùng lãng mạn. Hy vọng những gợi ý trên sẽ giúp bạn có được những tấm hình như ý, và đừng quên chia sẻ kinh nghiệm của mình ngay sau bài viết này cho mọi người cùng xem.

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00