Yếu tố thị giác trong bố cục ảnh

Ảnh A (Nguồn ảnh:  Internet)

Chúng ta thường nghe đến bố cục ảnh ví dụ như quy tắc một phần 3, yếu tố đường dẫn đồ họa hay bố cục tỷ lệ vàng,... nhưng chúng thật sự là gì và ứng dụng như thế nào vẫn là điều rất mơ hồ. Đơn giản vì các quy tắc này chịu những chi phối khác nữa như văn hoá, tập tục và cả bản năng của con người trong từng vùng miền khác nhau.

Để hiểu về vấn đề này, hãy thử lật ngược các tấm ảnh chụp chân dung và đặt cạnh nhau và xem xét những tác động của từng tình huống mà bức ảnh mang lại.  Hãy nhìn vào bức ảnh đầu tiên (ảnh A), bạn có thấy sự khác biệt nào giữa hai bức ảnh này và bạn sẽ chọn bố cục nào?

Hãy dành thời gian suy nghĩ một lát trước khi đọc tiếp. Bức ảnh đầu tiên cho chúng ta cảm giác người mẹ đọc sách cho con và bức thứ 2 cho cảm giác đứa bé đang đọc sách và người mẹ đang lắng nghe. Hay vai trò người mẹ cao hơn trong bức ảnh bên trái và ngược lại trong bức ảnh bên phải.

Vì sao vậy? Mắt con người có khuynh hướng nhìn từ trái sang phải, vì thế đối tượng nằm bên trái thường được nhìn thấy đầu tiên, nên giữ vai trò chính yếu.

"Bố cục ảnh dựa theo cảm nhận riêng của mỗi người, không có quy tắc bắt buộc, những cảm nhận được số đông công nhận làm nên những quy tắc để tham khảo."

Các yếu tố thị giác trong bố cục ảnh
Xét về khối lượng, rõ ràng người mẹ có sức tập trung cao hơn. Nhưng trong trường hợp này, vai trò của người bên trái tác động mạnh hơn trong suy nghĩ chúng ta so với khối lượng đối tượng.

Ảnh B - (Nguồn ảnh Internet)

Tiêu điểm trong ảnh
Mắt con người thường nhìn từ trái sang phải, nhưng khi nhìn vào các đối tượng gần như tương đồng, thì mắt sẽ dò tìm những yếu tố thu hút nhất, lúc đó mắt sẽ nhìn theo nhiều hướng khác nhau, cho nên ưu thế hướng nhìn từ trái sang phải cũng không còn.

Tương tự, khi dùng bố cục 1/3, đối tượng bên trái sẽ thu hút hơn đối tượng bên phải, bất kể được bố cục ở đường mạnh (đường phân cách 1/3) hay điểm mạnh (giao điểm các đường phân cách 1/3).

Bây giờ hãy nhìn ảnh B ở trên, chúng ta chọn tình huống 2 đối tượng tương đối bằng nhau. Hãy quan sát 2 bức ảnh và cũng xem thử tác động của từng bức ảnh.

“Bức ảnh tạo ra sự cân bằng về tổng thể, vì thế dù mắt chúng ta nhìn từ phía nào cũng không thấy rõ mức độ ưu tiên rõ ràng của các đối tượng.

Ưu thế lúc này, bức ảnh trái và phải gần như tác động giống nhau.
Điều này cho thấy khi không có sự chênh lệch nào trong bức ảnh, thì yếu tố hướng nhìn cũng mất đi, khi đó tiêu điểm cũng không còn.

Cân đối và tiêu điểm
Bức ảnh B, không có vùng khác biệt lớn, kể cả khi lật tấm ảnh lại, điều này dẫn đến người xem phải quan sát cả hai đối tượng, làm giảm sự tập trung vào một tiêu điểm nào đó. Tương tự, khi xem một bức ảnh phong cảnh có đường chân trời nằm giữa hình ảnh, người xem cũng sẽ không biết tập trung vào vùng ảnh phía trên hay phần ảnh bên dưới. Làm giảm yếu tố thị giác trong bức ảnh.

Yếu tố đường dẫn

Ảnh C - (Nguồn ảnh Internet)

Lặp lại quan sát trên, lần này cũng chọn 2 đối tượng giống như trong bức ảnh B, nhưng có một khác biệt nhỏ. Hãy nhìn vào bức trên (ảnh C) và theo dõi tác động từ 2 bức ảnh trái và phải.

Lần này bất kể nhìn vào ảnh nào, thì cậu bé trai cũng được chú ý hơn. Vì sao vậy? Đối tượng thu hút được người xem nhờ vào hướng nhìn của bé gái. Đây được xem là một yếu tố đường dẫn, hướng mắt người xem đến chủ điểm. Mắt chúng ta sẽ ngừng lại tại đây. Yếu tố đường dẫn mạnh hơn yếu tố hướng nhìn ưu tiên từ trái sang phải. Yếu tố này được các nhà sáng tạo vận dụng khá nhiều trong ảnh quảng cáo, nơi người mẫu có khuynh hướng nhìn vào sản phẩm muốn quảng bá hay muốn thu hút sự chú ý người xem vào sản phẩm.

Yếu tố văn hóa

"Hầu hết mọi phương tiện đều di chuyển bên phải, nhưng một số nước lại di chuyển theo hướng trái. Yếu tố con văn hóa, hình thành nên các nguyên tắc trong cuộc sống và cả trong nhiếp ảnh."

Ảnh D - (Nguồn ảnh Internet)

Sau cùng hãy nhìn vào bức ảnh trên (Ảnh D), nơi cũng có 2 đối tượng tương đồng như trong bức ảnh B và C. Khi quan sát hầu hết chúng ta sẽ thấy rằng bức ảnh phải sẽ thu hút và thuận hơn bức ảnh trái về phương diện gia đình hay giới hệ. Vì chúng giống như bức ảnh cưới, nơi chú rể thường đứng bên trái và cô dâu đứng bên phải. Tuy vậy, điều này có thể ngược lại tại Ấn Độ hay một số nơi có tập tục Mẫu Hệ. Vì thế bố cục cũng ảnh hưởng nhiều từ nền văn hóa bản địa.

"Vận dụng các nguyên tắc để khám phá hết khả năng chính mình, không dùng chúng để giới hạn sự sáng tạo của bất kỳ ai. Đó là nguyên tắc bố cục mạnh nhất của một nhiếp ảnh gia."

 

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00