Phần 3: Tam giác lộ sáng và mối liên hệ của các thành phần

Phạm vi bài viết dành cho máy ảnh DSLR:

Phần 1: Cơ bản về lộ sáng (Exposure) 
Phần 2: Điều chỉnh mức lộ sáng 
Phần 3: Tam giác lộ sáng và mối liên hệ của các thành phần
Phần 4: Các vấn đề liên quan đến lộ sáng 
Phần 5: Biểu đồ Histogram và cách đọc thông tin.

 

Tam giác lộ sáng mà chúng ta sẽ nói, liên quan đến các yếu tố quyết định mức lộ sáng của hình ảnh đã nêu trong phần trước. Bao gồm Khẩu độ - yếu tố điều chỉnh độ rộng hẹp của ống kính,  Tốc độ màn trập - yếu tố quyết định thời gian tiếp xúc ánh sáng của cảm biến hình ảnh và cuối cùng là ISO - độ nhạy sáng của cảm biến hình ảnh.

Chúng tôi không biết đã có bao nhiêu ví dụ nói về mối quan hệ này trong các sách báo, như hình ảnh vòi nước, cánh cửa sổ, …hôm nay tôi mượn một hình ảnh hoàn toàn khác để nói về mối quan hệ này. Bây giờ, hãy uống trà và tìm hiểu về cách nấu nước sôi. Nếu bạn muốn nước sôi thật nhanh thì mở lửa lớn, nếu không gấp thì mở lửa nhỏ và chờ đợi. Trong cả hai trường hợp trên, nước cuối cùng sẽ sôi, nghĩa là chúng ta cùng đạt được một mục đích nhưng với hai cách khác nhau.  

Giả sử bếp của bạn có hai nút, một nút dùng để bật tắt lửa và 1 nút điều chỉnh lượng gas. Nút chỉnh lượng gas được đánh dấu như sau từ 1/10, 1/9, 1/8,…và 1. Bạn sẽ thấy số “bị chia” càng lớn, gas vào càng ít và dĩ nhiên số 1 là số lớn nhất trong các số ở trên. Nút bật tắt lửa có chức năng hẹn giờ, nếu bạn cài 15 phút thì sau 15 phút lửa sẽ tự động tắt… v.v

Ngọn lửa chúng ta đang nói chính là ánh sáng, độ lớn nhỏ của lửa được điều phối bằng nút chỉnh mức độ gas. Với máy ảnh đó chính là khẩu độ f/1.4, f/2, f/2.8, f/4, f/5.6, f/11. Giống như nút chỉnh gas,  con số nằm phía sau càng lớn độ mở ống kính càng hẹp ánh sáng vào càng ít và ngược lại.

Thời gian ngọn lửa tiếp xúc với ấm nước, chính là thời gian cảm biến hình ảnh tiếp xúc với ánh sáng. Thời gian bật và tắc lửa, tương tự với thời gian màn trập mở và đóng lại. Khi hẹn giờ nấu trên bếp, cũng giống như cài đặt tốc độ màn trập trên máy ảnh.

Bất chấp mức điều chỉnh gas lớn nhỏ, nếu bạn chưa mở nút bật lửa, thì nước sẽ không bao giờ sôi. Máy ảnh cũng vậy, nếu bạn mở khẩu độ lớn nhỏ thế nào, màn trập chưa mở ra thì sẽ cảm biến không tiếp xúc được ánh sáng và vì thế sẽ không có hình ảnh. Ngược lại nếu bạn mở công tắc lửa mà không mở gas thì lửa cũng sẽ không có. Màn trập máy ảnh mở ra, nhưng ống kính bị che lại thì ánh sáng cũng không vào được.

Bây giờ bạn đã hiểu, nếu muốn nước sôi nhanh thì lửa phải lớn. Và nếu muốn sôi chậm, thì lửa phải nhỏ. Và chúng ta có vô cách để làm nước sôi, khi điều chỉnh tương quan giữa mức gas và thời gian nấu. Máy ảnh cũng vậy, để một tấm ảnh có cùng mức lộ sáng, chúng ta cũng có nhiều cách điều chỉnh các giá trị khẩu độ và tốc độ màn trập.

Đến đây, bạn thấy chúng ta chưa hề đề cập đến ISO trong ví dụ trên. Nó chính là vật liệu của chiếc ấm nước. Nếu bạn nấu nước trong một ấm bằng Inox càng mỏng sẽ càng nhanh sôi hơn khi nấu bằng lớp inox dày. Với ISO thì ngược lại, số ISO càng lớn thì khả năng bắt sáng của cảm biến hình ảnh càng nhanh, cho phép chúng ta chụp tốc độ nhanh hơn. Và ISO càng thấp thì độ nhạy sáng sẽ càng giảm.

Chúng ta đã thấy được mối liên hệ giữa ba đại lượng ISO, Khẩu độ và Tốc độ màn trập trong ví dụ ở trên. Vấn đề khi nào chúng ta cần chụp nhanh và khi nào chúng ta cần chụp chậm, tác động của độ mở ống kính lớn nhỏ với hình ảnh của bạn như thế nào.  Và ISO cao thấp ảnh hướng đến chất lượng hình ảnh ra sao. Chúng ta xem các phân tích như sau. 

ISO:  

Là yếu tố điều chỉnh khả năng bắt sáng của cảm biến hình ảnh. ISO càng lớn khả năng bắt sáng càng nhanh, tuy nhiên hình ảnh có thể bị hiện tượng nhiễu hạt và độ nét hình ảnh suy giảm. Trong khi ISO càng nhỏ khả năng bắt sáng càng thấp, nhưng độ nét hình ảnh càng cao. ISO cao cho phép chúng ta chụp trong môi trường thiếu sáng với tốc độ nhanh mà không cần dùng chân máy. Hiện nay một số máy ảnh đời mới cho phép chụp ISO ở mức 1600, nhưng hình ảnh rất ít bị nhiễu ảnh. 

Hình chụp ở ISO 1600 

Khẩu độ:

Là yếu tố điều tiết độ mở rộng hẹp của ống kính. Chúng ta không nên nhầm lẫn khẩu độ và độ mở của ống kính (hãy xem lại ví dụ trên để hiểu). Độ mở rộng hẹp của ống kính ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ảnh rõ (Độ sâu trường ảnh - DOF) của hình ảnh. Độ mở càng nhỏ thì ánh sáng vào ít, nhưng vùng ảnh rõ lại tăng lên. Ngược lại, độ mở càng lớn, ánh sáng vào càng nhiều và vùng ảnh rõ nét hẹp lại. Điều này dẫn đến hậu cảnh và tiền cảnh bị xóa mờ. Hiệu ứng này làm vùng rõ nét được nhấn mạnh và tạo sự tập trung nhiều hơn vào chủ đề.

Tuy nhiên, nó hoàn toàn không phù hợp với các bức ảnh phong cảnh, nơi đòi hỏi độ sắc nét rất cao từ tiền cảnh đến hậu cảnh. Độ mở ống kính càng lớn, cho phép chụp tốc độ nhanh trong môi trường thiếu sáng, nhưng độ mở quá hẹp hình ảnh có thể bị giao thoa (có viền sáng bên ngoài các chi tiết ảnh). Vì thế chọn lựa giữa độ mở rộng và hẹp không phải lúc nào cũng tối ưu. Theo Bryan Petter, người viết cuốn sách nổi tiếng Understand Exposure, khuyên chỉ nên chụp ở khẩu độ f/5.6 và điều chỉnh các yếu tố khác. Còn một điều bạn nên biết, một ống kính sẽ có một khẩu độ đặc biệt được gọi là khẩu độ tối ưu, khi đó sẽ cho hình ảnh sắc nét, hiện tượng méo ảnh và quan sai thấp nhất. Vì thế nên tận dụng yếu tố này (Xem thêm hướng dẫn của ống kính để biết thêm chi tiết). 

Khẩu độ càng lớn vùng ảnh rõ (DOF) càng mỏng, chỉ có 1 phần hình ảnh rõ nét. 

Tốc độ màn trập:

Đây là yếu tố điều tiết khoảng thời gian tiếp xúc ánh sáng của cảm biến hình ảnh. Tốc độ chụp càng cao, có khả năng bắt đứng hình ảnh khi chủ đề chuyển động nhanh. Ngược lại, tốc độ càng chậm sẽ xóa mờ hình ảnh chuyển động. Đây là yêu tố chính ảnh hưởng đến độ rõ nét của hình ảnh, vì chụp ở tốc độ quá chậm, có thể làm hình ảnh bị run. Và thực tế, trong môi trường thiếu sáng, chúng ta không thể chụp tốc độ nhanh. Và trong môi trường dư sáng, chúng ta không thể chụp quá chậm. Giống như khẩu độ, tốc độ màn trập cũng có những tốc độ cho phép hình ảnh có màu sắc đẹp nhất so với những tốc độ còn lại.

 

Chụp tốc độ cao có thể bắt đứng được hình ảnh chuyển động
Hình từ www.allposters.com

 (Dịch và biên soạn lại theo chuyên đề “Master of Exposure” trên tạp chí Digital Camera)

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00