Tìm hiểu về đo sáng

Phần 1

LỜI NÓI ĐẦU.

Thời chụp chính xác là yếu tố căn bản để tạo nên một bức ảnh có chất lượng cao. Với một máy đo sáng, bạn có thể chụp ảnh với nhiều điều kiện chiếu sáng phức tạp khác nhau mà vẫn tự tin sẽ đạt được những kết quả mỹ mãn. Bạn có thể sử dụng máy đo sáng để đo những nguồn sáng được chọn lựa, để giải quyết những hướng chiếu sáng phức tạp, hoặc tạo ra những hiệu ứng đặc biệt mang tính sáng tạo.

Máy đo sáng hay quang kế là một thiết bị nhạy sáng tinh tế hơn mắt con người, dùng để đo lượng ánh sáng chiếu lên đối tượng chụp ảnh. Bằng một máy đo sáng, bạn có thể đo lượng ánh sáng phản chiếu từ chủ đề khi đứng ở phía máy ảnh, hoặc đo lượng ánh sáng chiếu lên chủ đề tùy vào độ nhạy của phim. Máy đo sáng cho biết giá trị đo sáng bằng một con số EV, hoặc bằng sự tương quan giữa các độ mở của ống kính và các tốc độ của màn trập.

Đa số máy ảnh ngày nay đều được tích hợp một máy đo sáng. Đối với máy ảnh phản quang một ống kính SLR, tế bào đo sáng bên trong máy ảnh đo lượng ánh sáng đi xuyên qua ống kính. Đối với máy ảnh không phải là SLR, mạch đo sáng được thiết kế đằng trước thân máy ảnh hoặc đằng trước ống kính. Đa số máy ảnh được tích hợp máy đo sáng có khả năng tự động cài đặt thời chụp cho bạn, nhưng cũng có một số máy ảnh không phải là SLR không có khả năng này, mà chỉ báo thông số thời chụp và bạn phải tự cài đặt tốc độ màn trập và độ mở ống kính bằng tay. Tuy nhiên cũng có một số nhà nhiếp ảnh thích dùng một máy đo sáng rời để có thể kiểm soát thời chụp một cách linh hoạt hơn và chính xác hơn. Dù bạn sử dụng máy đo sáng tích hợp bên trong máy ảnh, hoặc máy đo sáng rời thì các thông tin sau đây cũng có thể giúp bạn sử dụng máy đo sáng một cách hiệu quả nhất, nhằm có được thời chụp ưng ý nhất cho bức ảnh của bạn. 

ĐỘ NHẠY SÁNG CỦA PHIM.

Việc đầu tiên để đạt được kết quả tốt nhất là hãy cài đặt độ nhạy phim chính xác trên máy ảnh hoặc máy đo sáng rời. Đối với máy ảnh kỹ thuật số, độ nhạy ISO chính là giá trị giả lập của độ nhạy phim truyền thống. Một số máy ảnh phim sẽ tự động cài đặt độ nhạy ISO khi bạn sử dụng loại phim có mã DX. Mã DX cũng có thể báo cho máy ảnh biết độ rộng phơi sáng của phim cũng như chiều dài của cuộn phim được lắp trong máy ảnh.

Độ nhạy ISO hay còn được gọi là tốc độ của phim là những con số cho biết độ nhạy sáng của phim đối với ánh sáng. Con số càng cao, phim càng nhạy sáng hoặc càng “nhanh”; con số càng thấp độ nhạy sáng của phim càng thấp, hoặc càng “chậm”. Ví dụ phim có độ nhạy ISO 200 sẽ nhạy sáng gấp đôi phim có ISO 100. Tương tự như vậy, phim ISO 200 chỉ nhạy sáng một nửa so với phim ISO 400. Bên ngoài hộp phim, con số độ nhạy của phim sẽ được ghi rõ ràng cho bạn biết. 

ĐỘ RỘNG PHƠI SÁNG.

Đối với ảnh kỹ thuật số, độ rộng phơi sáng được gọi là Dynamic Range, tạm dịch là Phạm vi động. Thời chụp đúng rất cần thiết để có được chất lượng hình ảnh tốt nhất từ miếng phim mà bạn chụp. Nhưng đa số các loại phim thời nay đều có độ rộng phơi sáng – hay còn được gọi là giải lộ sáng hay dung sai lộ sáng – rộng, nên thời chụp có thể sai lệch chút ít nhưng vẫn có thể cho được kết quả tốt. Đối với máy ảnh kỹ thuật số, đa số các nhà sản xuất máy ảnh đều đang cố gắng nghiên cứu để tạo ra các cảm biến hình ảnh có độ rộng phơi sáng tốt hơn.

Một số loại phim có dung sai lộ sáng rộng hơn một loại phim khác. Ví dụ phim dương màu thường cho kết quả tốt khi chụp dư hoặc thiếu khoảng một phần ba đến một nửa EV. Nhưng đối với phim âm đen trắng, dung sai lộ sáng đôi khi có thể đạt tới mức +/- hai tới ba EV. Đối với loại phim có độ rộng phơi sáng nhiều, ta cần phải có các phương pháp xử lý phòng tối khác nhau để đạt được kết quả mong muốn. 

Trong quá trình rọi ảnh từ một âm bản, bạn có thể bù trừ thời chụp một cách tương đối hiệu quả, thậm chí khi ảnh được in ra giấy người ta cũng khó nhận biết được là hình ảnh đã được làm ra từ một âm bản đúng sáng hay không. Nhưng đối với phim slide thì hiệu quả thời chụp sẽ được nhận biết ngay sau khi tráng phim, và khi in ảnh ra giấy việc bù trừ thời chụp cũng bị hạn chế rất nhiều. Và kết quả là phim slide có độ rộng phơi sáng kém hơn phim âm đen trắng. 

CÁCH HOẠT ĐỘNG CỦA MÁY ĐO SÁNG.

Khi tìm hiểu về máy đo sáng, không phải chúng ta chỉ tìm hiểu về cách chúng đo sáng mà còn phải tìm hiểu cách ta sử dụng chúng. Có hai loại đo sáng căn bản là : đo ánh sáng phản chiếu (đo ánh sáng phản chiếu từ một cảnh chụp), và đo ánh sáng tới (đo ánh sáng chiếu lên một cảnh chụp). Mỗi loại đo sáng đều có ưu và khuyết điểm của nó. Một số máy đo sáng có các linh kiện để giúp bạn có thể đo được ánh sáng phản chiếu hay ánh sáng tới. Máy đo sáng phản chiếu có thể đo sáng một góc nhìn rộng còn được gọi là máy đo sáng bình quân. Đây là loại máy đo sáng được dùng nhiều nhất và cũng là máy đo sáng được tích hợp bên trong máy ảnh. Ngoài ra còn có một loại máy đo sáng phản chiếu khác gọi là máy đo sáng điểm, dùng để đo sáng một phạm vi nhỏ của một cảnh chụp.

Phần 2

VÙNG ĐO SÁNG.

Hầu như tất cả các loại máy đo sáng tích hợp bên trong máy ảnh đều là loại máy đo sáng phản chiếu. Chúng đo độ sáng bình quân của ánh sáng trong phạm vi góc nhìn của ống kính được dùng. Khi bạn thay đổi ống kính thì góc đo sáng cũng sẽ thay đổi theo. Nhiều nhà nhiếp ảnh thích loại đo sáng này vì họ có thể đo sáng tại vị trí đặt máy ảnh. Khi đo sáng phản chiếu bằng một máy đo sáng rời, người ta thường đứng tại vị trí của máy ảnh và hướng máy đo sáng về phía chủ đề. Để đo ánh sáng tới, bạn phải đặt máy đo sáng càng gần chủ đề càng tốt và với cùng hướng chiếu sáng lên chủ đề, và phải cầm máy đo sáng hướng về máy ảnh (trừ phi sách hướng dẫn sử dụng của máy đo sáng đề nghị bạn sử dụng một kỹ thuật đo sáng nào khác).

Máy đo sáng điểm có tính năng ưu việt là có thể đo được một góc nhìn rất nhỏ. Thay vì đo độ sáng của toàn cảnh chụp, máy đo sáng điểm chỉ đo một điểm rất nhỏ của cảnh chụp, thường chỉ được tính bằng một vài độ mà thôi. Máy đo sáng điểm thường được trang bị một khung ngắm tương tự như khung ngắm của máy ảnh, giúp bạn nhìn thấy được chính xác điểm nào trong toàn cảnh chụp cần được đo sáng.

Đa số các loại máy ảnh SLR có chức năng đo sáng xuyên qua ống kính đều được tích hợp một máy đo sáng phản chiếu bình quân, giúp đo sáng được toàn cảnh chụp. Đa số máy đo sáng loại này đo sáng toàn cảnh nhưng dành ưu tiên đo sáng tại vùng trung tâm của khung ngắm máy ảnh. Vì vùng trung tâm có ảnh hưởng lớn nhất đến việc đo sáng, mặc dù các vùng khác cũng vẫn có ảnh hưởng không nhỏ đến việc đo sáng. Một số máy ảnh cũng có thể chuyển qua đo sáng điểm tương tự như một máy đo sáng điểm cầm tay, phương pháp đo sáng này cũng chỉ đo sáng một phần rất nhỏ của toàn cảnh chụp. Với những tiến bộ của ngành điện tử ngày nay, một số máy ảnh còn có thể đo sáng được nhiều điểm nhỏ rồi tổng hợp lại để có được một thời chụp tối ưu.

Một hệ thống đo sáng khác được gọi là hệ thống đo sáng nhiều vùng. Hệ thống này còn được gọi là hệ thống đo sáng ma trận hoặc đo sáng nhiều phân vùng. Hệ thống này đo sáng bằng cách chia vùng hình ảnh nhìn thấy trong khung ngắm máy ảnh thành nhiều vùng nhỏ. Máy đo sáng sẽ đo từng vùng nhỏ rồi phân tích và so sánh các vùng này với nhau, ví dụ như độ sáng của tiền cảnh và hậu cảnh, kích thước của chủ đề trên khung ngắm, v.v… sau đó máy ảnh sẽ so sánh với một kho dữ liệu được lập trình và được lưu trong máy ảnh để phán đoán một thời chụp tối ưu. Hệ thống đo sáng này có thể tự động điều chỉnh khi hình ảnh bị ngược sáng, hình ảnh được chụp ở một cảnh tuyết, hoặc hình ảnh được chụp với một điều kiện chiếu sáng phức tạp khác, để cuối cùng cho ra được một thời chụp tối ưu. Hãy đọc kỹ sách hướng dẫn sử dụng của máy ảnh bạn đang dùng để hiểu rõ hơn về hệ thống đo sáng của máy ảnh. 

 NHỮNG GÌ MÁY ĐO SÁNG “NHÌN THẤY”.

Cả máy đo sáng phản chiếu lẫn máy đo ánh sáng tới đều “nhìn thấy” thế giới là một màu xám trung gian. Máy đo sáng giả định là tất cả mọi vật, ở mọi thời điểm, đều có một độ phản chiếu và một tông màu trung tính. Người ta thường cho rằng ánh sáng sẽ phân bố đồng đều lên một cảnh chụp, bất kể là chủ đề chính sáng hay tối, và thời chụp thường đạt được một cách dễ dàng bằng cách chĩa máy ảnh vào cảnh chụp, rồi đo sáng theo máy ảnh. Nhưng trong thực tế mọi việc không chỉ đơn giản như thế. Ví dụ khi đo sáng phản chiếu hay đo ánh sáng tới, nếu chủ đề rất tối hoặc rất sáng, máy đo sáng cũng sẽ chỉ cho biết chủ đề có một tông màu xám trung tính. Kết quả là thời chụp sẽ không chính xác, trừ phi bạn tự phán đoán rồi quyết định thời chụp dựa trên thông tin do máy đo sáng cung cấp.

Hãy sử dụng máy đo sáng như một công cụ để tham khảo thay vì một như công cụ để quyết định thời chụp. Điều này rất quan trọng khi bạn hiểu cách hoạt động của một máy đo sáng và nó sẽ hỗ trợ được những gì cho bạn, để rồi cuối cùng bạn sẽ là người quyết định thời chụp theo ý đồ sáng tác của bạn. Hãy đọc kỹ sách hướng dẫn sử dụng của máy đo sáng cũng như máy ảnh để biết được ưu điểm cũng như những hạn chế của thiết bị nhằm làm chủ được thiết bị mà bạn đang dùng. 

CÁCH SỬ DỤNG MÁY ĐO SÁNG PHẢN CHIẾU.

Sau khi bạn đã cài đặt đúng độ nhạy ISO trên máy ảnh hoặc trên máy đo sáng, bạn đã có thể đo sáng được ngay. Với phương pháp đo sáng phản chiếu, bạn chỉ cần hướng máy ảnh hoặc máy đo sáng cầm tay về phía chủ đề. Máy đo sáng sẽ đo độ sáng bình quân được phản chiếu từ nhiều vùng của hình ảnh. Những thông tin về đo sáng sẽ hiển thị trong khung ngắm máy ảnh hoặc trên màn hình LCD của máy ảnh, từ đó bạn có thể chọn một sự kết hợp đúng đắn giữa tốc độ màn trập và độ mở ống kính. Nếu máy ảnh của bạn là một máy ảnh cơ hoàn toàn, bạn phải tự cài đặt tốc độ màn trập và độ mở ống kính. Các loại máy ảnh tự động có thể tự cài đặt cả tốc độ màn trập lẫn độ mở ống kính giúp bạn; hoặc chúng cũng có thể tự động cài đặt một giá trị và bạn sẽ tự cài đặt giá trị còn lại bằng tay.

Đối với máy đo sáng cầm tay, hãy đọc thông tin trên máy đo sáng, rồi hãy tự cài đặt máy ảnh với các thông số tương ứng. Một sự đo sáng tổng thể từ vị trí của máy ảnh sẽ cho được kết quả tốt với một sự phân bố ánh sáng đồng đều cả trên vùng sáng lẫn vùng tối của cảnh chụp. Khi chụp ảnh bằng thời chụp manual, bạn chỉ cần hướng máy ảnh hoặc máy đo sáng cầm tay về phía chủ đề, rồi cài đặt máy ảnh dựa theo các thông số được hiển thị trên máy đo sáng. Nhưng hãy lưu là máy đo sáng không thể biết được bạn cần chọn một tốc độ màn trập nhanh để bắt đứng một chủ đề di động, hay cần một tốc độ màn trập chậm để có được nhiều chiều sâu trong ảnh phong cảnh. Do đó bạn phải tự chọn lấy một sự kết hợp đúng đắn về tốc độ màn trập và độ mở ống kính để đạt được hiệu ứng cần thiết cho bức ảnh. Ngoài ra trong các tình huống khó khăn về chiếu sáng, hoặc khi chủ đề có độ phản chiếu quá mạnh hay quá yếu, bạn cũng cần phải tự phán đoán để điều chỉnh thời chụp nhằm đạt được ý đồ sáng tác riêng cho từng bức ảnh.

Sự đo sáng của máy đo sáng phản chiếu bị ảnh hưởng bởi số lượng ánh sáng của cảnh chụp và sự phản chiếu của chủ đề. Máy đo sáng sẽ báo thời chụp thấp đối với chủ đề phản chiếu ít ánh sáng, ngay cả khi có hai chủ đề trong cùng một cảnh chụp và cùng được chiếu sáng như nhau. Vì máy đo sáng phản chiếu được thiết kế để làm cho tất cả các chủ đề đều có độ sáng bình quân tương đương với màu xám trung gian, nên chúng thường gợi ý cho máy ảnh cài đặt một thời chụp dư đối các chủ đề rất tối, và một thời chụp thiếu đối với các chủ đề rất sáng.

Ngoài ra, máy đo sáng phản chiếu còn bị ảnh hưởng bởi khung cảnh rộng của vùng hình ảnh, nên kết quả chỉ có thể chấp nhận được khi chủ đề chính tràn đầy khung ngắm và ít phản chiếu. Nếu chủ đề tương đối nhỏ so với toàn bộ cảnh chụp tối hoặc ngược sáng, máy đo sáng sẽ cho biết một thời chụp của một cảnh rộng lớn, chứ không phải thời chụp của vật nhỏ hơn, nhưng quan trọng hơn, ví dụ như chủ đề là một nhân vật trước một phong cảnh bao la. Trong trường hợp này bạn cần điều chỉnh thời chụp như sau để đạt được hiệu quả mong muốn :

  • ­      Đối với các chủ đề sáng, hãy tăng thời chụp lên từ nửa EV tới một EV so với chỉ định của máy đo sáng.
  • ­      Đối với các chủ đề tối, hãy giảm thời chụp xuống từ nửa EV tới một EV so với chỉ định của máy đo sáng.

Phần 3

ĐO SÁNG MỘT CÁCH CÓ CHỌN LỰA.

Để xác định thời chụp đúng đối với các cảnh chụp có độ tương phản cao, có không gian rộng hơn và sáng hơn hoặc tối hơn chủ đề chính, hãy đo sáng một vùng được chọn của chủ đề mà thôi. Để thực hiện điều này, hãy di chuyển máy đo sáng hoặc máy ảnh đến gần chủ đề hơn để đo sáng, nhằm loại bỏ các vùng sáng tối không cần thiết dễ làm cho máy đo sáng hoạt động sai. Khi chụp cận ảnh, hãy cẩn thận đừng để cho chính bóng đổ của bạn làm ảnh hưởng đến việc đo sáng.

Đo sáng có chọn lựa rất hữu dụng khi đo sáng các chủ đề tối ở phía trước một hậu cảnh sáng như trước một khung cảnh tuyết hay một khung cảnh trên bãi biển, hoặc khi đo sáng một chủ đề trong bóng râm trước một cảnh ngược sáng mạnh. Việc đo sáng một cách có chọn lựa cũng được thực hiện đối với các trường hợp ngược lại với các trường hợp nêu trên : chủ đề dưới ánh sáng mặt trời chói chang trước một hậu cảnh rất tối. Trong tất cả các tình huống, máy ảnh của bạn không thể nào biết được phần nào của cảnh chụp là quan trọng nhất và đòi hỏi một thời chụp đúng nhất, do đó bạn cần phải tiến gần tới chủ đề để chỉ đo sáng vùng chính của chủ đề. Ví dụ nếu bạn muốn chụp một người trượt tuyết trong một ngày nắng đẹp mà đo sáng bình quân của toàn cảnh chụp, kết quả hình ảnh sẽ bị thiếu sáng. Những mảng tuyết rất trắng trong toàn cảnh chụp sẽ làm ảnh hưởng tới việc đo sáng, và máy đo sáng sẽ chỉ định một EV cao. Để giải quyết vấn đề, bạn phải tiến gần đến chủ đề để đo sáng, hoặc đo sáng một vật gì đó có tông trung tính, sau đó tiến ra phía sau để chụp ảnh toàn cảnh. Một số máy ảnh được tích hợp hệ thống đo sáng cũng có chức năng khóa đo sáng. Khi bạn sử dụng một phương pháp đo sáng tự động, sau khi bạn đo sáng một vật gì đó, bạn hãy ấn vào nút khóa đo sáng, máy ảnh sẽ giữ nguyên trị số đo sáng ngay tại thời điểm đó và không tiếp tục đo sáng nữa. Kỹ thuật này rất hiệu quả khi bạn cần chụp những cảnh mà chủ đề có độ sáng rất chênh lệch với môi trường xung quanh.

Ảnh phong cảnh và các cảnh chụp rộng khác bao gồm một bầu trời bao la cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc đo sáng. Bầu trời thường sáng hơn rất nhiều so với các phần khác của cảnh chụp, do đó máy đo sáng thường chỉ định một EV cao nên các phần khác với bầu trời thường bị thiếu sáng. Phương pháp đo sáng hiệu quả mà không cần phải tiến tới gần chủ đề trong trường hợp này, là hãy đo sáng phần tối hơn trong cảnh chụp bằng cách hướng máy ảnh xuống phía dưới, hoặc đo sáng một vật trung tính trong cảnh chụp. Kết quả là bầu trời có thể bị dư sáng chút ít, nhưng các vùng khác của hình ảnh vẫn có được nhiều chi tiết và sáng hơn. Bạn cũng có thể sử dụng một kính lọc trung tính có mật độ chuyển tiếp từ đậm tới nhạt khi chụp thể loại ảnh này. Kính lọc trung tính có mật độ chuyển tiếp (graduated neutral density filter) hấp thu tất cả các màu sắc nhìn thấy được một cách đồng đều, bạn có thể gắn kính lọc này sao cho phần tối của kính lọc hướng lên phía trên của hình ảnh, tại đó kính lọc sẽ làm cho bầu trời bị tối đi mà không làm ảnh hưởng tới phần đất phía dưới. Tuy nhiên cũng có một số máy ảnh đặt nặng phần đo sáng ở phần dưới của khung ngắm nên sẽ tự động bù trừ thời chụp trong trường hợp này, đo đó hãy đọc kỹ sách hướng dẫn sử dụng của máy ảnh.

Ánh sáng mạnh ở hậu cảnh tạo cho chủ đề trở thành một bóng đen cũng là một thách thức trong việc đo sáng. Nếu ánh sáng chiếu trực tiếp vào ống kính hoặc vào cảm biến của máy đo sáng, máy đo sáng sẽ chỉ định một EV rất cao. Nếu bạn không muốn cho chủ đề bị thiếu sáng, hãy tiến gần chủ đề để đo sáng, và hãy chú ý và nên dùng loa che nắng để tránh không cho ánh sáng chiếu trực tiếp vào máy đo sáng. 

ĐO SÁNG THAY THẾ.

Đo sáng thay thế là phương pháp đo sáng trong điều kiện bạn không thể tiếp cận được chủ đề. Ví dụ khi bạn muốn chụp ảnh một con nai bên bìa rừng trong điều kiện ánh sáng tốt. Nếu hậu cảnh tối, máy đo sáng sẽ đo bình quân toàn cảnh và chỉ định thời chụp sai về con vật. Nếu bạn cố gắng tiếp cận, thì con vật đã chạy mất trước khi bạn chụp được bức ảnh. Trong trường hợp này bạn cần sử dụng phương pháp đo sáng thay thế. Vật để thay thế đơn giản nhất chính là bàn tay của bạn. Đầu tiên hãy đặt bàn tay của bạn cùng với hướng chiếu sáng như chủ đề. Nếu con vật có màu đậm, hãy đo sáng lưng bàn tay của bạn, và nếu đậm hơn, sau khi đo sáng, hãy cộng thêm một EV vào thời chụp. Nếu con vật có màu lông sáng, hãy dùng lòng bàn tay của bạn để đo sáng vì lòng bàn tay luôn luôn sáng hơn lưng bàn tay. Khi đo sáng, hãy chắc chắn là bàn tay của bạn được chiếu sáng đúng với hướng chiếu sáng như chủ đề sẽ được chụp ảnh, và hãy chú ý đừng để bóng của máy ảnh hay bóng của chính bạn che khuất bàn tay của bạn.

Một vật khác được dùng để đo sáng thay thế một cách rất hiệu quả là tấm bìa xám Kodak được bán trên thị trường. Tấm bìa xám này được chế tạo đặc biệt để dùng trong nhiếp ảnh. Tấm bìa xám một mặt có màu xám trung tính và một mặt có màu trắng. Phía có màu xám phản chiếu 18% lượng ánh sáng chiếu lên nó (tương tự như lượng ánh sáng phản chiếu từ một cảnh chụp bằng phương pháp đo sáng bình quân), phía có màu trắng phản chiếu 90% lượng ánh sáng chiếu lên nó. Bạn có thể dùng tấm bìa xám để chụp ảnh màu cũng như chụp ảnh đen trắng. 

XỬ LÝ CẢNH CHỤP CÓ ĐỘ TƯƠNG PHẢN CAO.

Làm thế nào để xác định được thời chụp đúng đối với một cảnh chụp có độ tương phản cao, tức một cảnh chụp có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng sáng và vùng tối? Nếu ánh sáng trong vùng tối là quan trọng hơn, hãy tiến gần để đo sáng rồi cài đặt thời chụp. Đối với phim dương màu, hãy luôn luôn nhớ rằng bạn sẽ có được kết quả dễ được chấp nhận hơn khi thời chụp thiên về vùng sáng, và làm mất một số chi tiết trong vùng tối. Đối với một dương bản, việc thiếu chi tiết trong vùng tối dễ được chấp nhận hơn là dư sáng ở vùng sáng vì sẽ làm cho hình ảnh bị bạc màu và tạo nên những chấm sáng trên dương bản. Nếu bạn chụp ảnh bằng phim đen trắng, bạn có thể điều chỉnh bài thuốc hiện hình hay thời gian hiện hình trong phòng tối để tái tạo độ tương phản của cảnh chụp tốt hơn, nhất là tái tạo chi tiết trong các vùng quá sáng.

Nhưng nếu vùng rất sáng và rất tối đều có cùng kích thước như nhau, và cùng quan trọng như nhau thì sao? Hướng giải quyết là hãy đo sáng một cách có chọn lựa mỗi vùng sáng tối một cách riêng rẽ, rồi sử dụng một độ mở ống kính trung gian để chụp ảnh. Ví dụ nếu máy đo sáng cho bạn biết vùng sáng nhất có thời chụp là f/22 – 1/125 giây, và vùng tối nhất là f/2.8 – 1/125 giây, tức chênh lệch tới sáu độ mở ống kính, hãy cài đặt máy ảnh của bạn là f/8 – 1/125 giây. Nhưng trên thực tế đây cũng chỉ là một giải pháp chữa cháy trong trường hợp không còn chọn lựa nào khác. Phương pháp tốt nhất vẫn là chọn lựa một góc chụp hay một bố cục nào đó khác nhằm giảm thiểu được tính tương phản của cảnh chụp. 

SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐO SÁNG ĐIỂM.

Có lẽ giải pháp tốt nhất để đo sáng một cách có chọn lựa là đo sáng điểm. Máy đo sáng cầm tay thường có góc đo sáng bình quân khoảng 30 độ, và đo sáng điểm đặc trưng là 1 độ. Góc đo sáng của máy đo sáng tích hợp trong máy ảnh thường lớn hơn, khoảng từ 3 độ đến 12 độ. Lợi thế lớn nhất của đo sáng điểm là cho phép bạn đo sáng được một vùng rất nhỏ của cảnh chụp từ vị trí của máy ảnh mà không cần phải tiếp cận chủ đề. Vì đo sáng điểm chỉ đo một vùng rất nhỏ nơi bạn chĩa ống kính vào đó, nên không bị ảnh hưởng bởi các vùng quá sáng hay quá tối xung quanh. Đo sáng điểm đặc biệt hữu dụng khi chủ đề chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ so với toàn cảnh chụp và sự chênh lệch về độ sáng của chủ đề và hậu cảnh rất lớn. Đo sáng điểm cũng rất hữu dụng khi bạn muốn xác định phạm vi chiếu sáng của toàn cảnh chụp.

Khi đo sáng điểm bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn vì thông thường bạn cần phải đo nhiều vùng sáng tối khác nhau trước khi quyết định thời chụp cuối cùng, nhất là khi cảnh chụp bao gồm nhiều vùng sáng tối khác nhau. Để xác định thời chụp tốt nhất trong trường hợp này, hãy sử dụng cùng một kỹ thuật đo sáng như đo sáng một cảnh chụp có độ tương phản cao đã được trình bày ở phần trên : hãy chọn một thời chụp trung gian giữa các thời chụp đã đo được.

Phần 4

CÁCH SỬ DỤNG MÁY ĐO SÁNG TIA TỚI.

Để sử dụng máy đo sáng tia tới, hãy tiến gần đến chủ đề và hướng cảm biến đo sáng về phía máy ảnh để đo sáng. Máy đo sáng sẽ đo lượng ánh sáng chiếu lên chủ đề, chứ không phải là lượng ánh sáng phản chiếu từ chủ đề, do đó máy đo sáng sẽ không cần biết đến đặc tính chiếu sáng của chủ đề cũng như hậu cảnh. Cũng giống như máy đo sáng phản chiếu, máy đo sáng tia tới cũng cung cấp cho người dùng các thông tin về thời chụp đúng của chủ đề, nhưng đo sáng tia tới thường chính xác hơn khi chủ đề không quá sáng hay quá tối.

Khi đo sáng tia tới, hay chắc chắn là bạn phải đo đúng hướng của nguồn sáng chiếu lên chủ đề ngay tại vị trí của chủ đề mà bạn muốn chụp ảnh, và hãy cẩn thận đừng để bóng của bạn che mất cảm biến đo sáng. Nếu bạn không thể tiếp cận được chủ đề, bạn vẫn có thể đo sáng được bằng cách hướng cảm biến đo sáng về nguồn sáng dùng để chiếu sáng lên chủ đề. Vì máy đo sáng được hướng về phía máy ảnh và xa nguồn sáng hậu cảnh, nên đo sáng tia tới rất hiệu quả khi chụp ảnh ngược sáng. Đo sáng tia tới cũng thường được áp dụng khi chủ đề chiếm một không gian nhỏ trong bức ảnh có hậu cảnh quá sáng hoặc quá tối.

Thời chụp được xác định bằng máy đo sáng tia tới cũng giống như thời chụp được xác định bằng một tấm bìa xám khi đo sáng phản chiếu. Và may mắn thay, đa số các cảnh chụp đều phản chiếu một độ sáng trung bình giữa các vùng sáng và vùng tối, nên đo sáng tia tới thường cho được nhiều kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, nếu chủ đề chính rất sáng hoặc rất tối, và nếu bạn muốn thể hiện chi tiết trong các vùng này, bạn vẫn phải điều chỉnh thời chụp như sau :

  • ­      Đối với các chủ đề sáng, hãy giảm thời chụp xuống từ một nửa đến một EV.
  • ­      Đối với các chủ đề tối, hãy tăng thời chụp lên từ một nửa đến một EV.

Bạn chỉ cần nhớ rằng các điều chỉnh này ngược với các điều chỉnh khi sử dụng một máy đo sáng phản chiếu. Máy đo sáng tia tới không thể nào đo một nguồn sáng trực tiếp, do đó hãy sử dụng một máy đo sáng phản chiếu khi bạn muốn đo một nguồn sáng.

Nếu cảnh chụp không được chiếu sáng một cách đồng nhất, mà bạn muốn có được một thời chụp tổng thể tốt, hãy đo sáng tia tới ở các vùng sáng nhất và tối nhất rồi tính toán bình quân thời chụp để chụp ảnh. 

CÁCH KIỂM TRA MÁY ĐO SÁNG VÀ MÁY ẢNH.

Nếu kết quả đo sáng trở nên quá tối hoặc quá sáng, máy đo sáng của bạn đã đo sáng sai do nhiều nguyên nhân như tuổi thọ của máy, thời gian sử dụng lâu dài, hoặc do bị sự cố hỏng hóc, v.v… Điều đầu tiên bạn nên nghĩ đến là pin của máy đo sáng. Máy đo sáng cầm tay và máy đo sáng tích hợp trong máy ảnh cần phải có một lượng pin mới để có thể hoạt động một cách chính xác; do đó bạn nên thay pin ít nhất mỗi năm một lần. Thời tiết lạnh cũng làm cho pin mất dung lượng nhanh, do đó nếu bạn chụp ảnh trong mùa đông hãy giữ nhiệt cho pin bằng cách để nó trong túi áo. Nếu pin mới vẫn không thể giải quyết được vấn đề, bạn cần phải mang máy tới một nhà sửa chữa chuyên môn, hoặc  tìm hiểu trực tiếp với nhà sản xuất máy đo sáng. 

KIỂM TRA MÁY ĐO SÁNG MỘT CÁCH ĐƠN GIẢN.

Để kiểm tra độ chính xác của máy đo sáng, bạn hãy so sánh kết quả đo sáng với hướng dẫn được ghi trên hộp cuộn phim. Trong một ngày nắng đẹp, hãy hướng máy đo sáng vào một cảnh thuận sáng và có sự chiếu sáng đồng đều rồi so sánh thời chụp với hướng dẫn được ghi trên hộp cuộn phim. Nếu thời chụp chỉ định của máy đo sáng chỉ sai lệch với thời chụp được ghi trên hộp cuộn phim khoảng một nửa EV là không có vấn đề gì về đo sáng cả. Nếu máy đo sáng cho một thông số khác biệt nhiều hơn thì nó cần phải được sửa chữa. Nếu máy đo sáng cho một thời chụp đúng nhưng hình ảnh chụp ra vẫn bị dư sáng hay thiếu sáng, thì tốc độ màn trập hoặc độ mở ống kính của bạn đã có vấn đề.

Hướng dẫn thời chụp bằng ánh sáng trời rất hiệu quả vì nó được dựa trên nguồn sáng tương đối ổn định của mặt trời cộng với ánh sáng của bầu trời, đôi khi còn được gọi là định luật “ánh sáng trời f/16”. Theo định luật này, khi chụp ảnh bằng ánh sáng trời với hướng chiếu sáng thuận và chủ đề mang tính bình quân (có bóng đổ rõ rệt), bạn hãy dùng độ mở ống kính f/16 và tốc độ màn trập tương đương với tốc độ phim chụp. Ví dụ khi sử dụng phim ISO 200, bạn hãy cài đặt thời chụp là f/16 – 1/200 giây. Nếu máy ảnh của bạn không có tốc độ màn trập 1/200 giây, hãy thay thế bằng tốc độ màn trập 1/250 và điều chỉnh độ mở ống kính một chút ít để cân bằng. Nếu bạn chụp ảnh bằng máy ảnh kỹ thuật số hoặc chụp ảnh bằng phim âm, sẽ không có vấn đề gì vì độ rộng phơi sáng của phim âm và của máy ảnh kỹ thuật số tương đối nhiều. Nếu chủ đề ngược sáng, bạn nên tăng thêm 2 EV cho thời chụp (mở lớn thêm hai độ mở ống kính, hoặc giảm hai nấc tốc độ màn trập). Nếu bầu trời có chút ít mây nhưng khung cảnh vẫn sáng (bóng đổ nhẹ), hãy dùng độ mở f/11, nếu trời nhiều mây nhưng vẫn sáng (bóng đổ dịu) hãy sử dụng f/8 và nếu bạn chụp ảnh trong bóng râm (không có bóng đổ), hãy sử dụng f/5.6, v.v… 

ĐIỀU CHỈNH THỜI CHỤP MÀ KHÔNG SỬA CHỮA MÁY ĐO SÁNG.

Qua các kiểm tra trên mà hình ảnh chụp ra vẫn thiếu sáng hoặc dư sáng dưới nhiều điều kiện chiếu sáng khác nhau, cửa điều sáng của ống kính hay tốc độ màn trập đã hoạt động sai, hoặc máy đo sáng đã có vấn đề. Để tạm thời khắc phục, bạn có thể bù trừ thời chụp bằng cách thay đổi độ nhạy ISO của máy đo sáng hoặc máy ảnh.

Để bắt đầu, hãy cài đặt đúng độ nhạy ISO trên máy đo sáng hoặc trên máy ảnh, rồi đo sáng một nguồn sáng bình quân với hướng chiếu sáng thuận. Rồi căn cứ vào thông số của máy đo sáng để chụp một ảnh với thời chụp được chỉ định. Nếu ảnh vẫn thiếu sáng, hãy mở thêm một nửa độ mở ống kính để chụp bức ảnh thứ hai, rồi chụp thêm một bức ảnh thứ ba với một độ mở ống kính lớn hơn. Ví dụ bức ảnh đầu tiên được chụp đúng với chỉ định của máy đo sáng là f/8 – 1/125 giây, bức ảnh thứ nhì là giữa f/8 và f/5.6 – 1/125 giây, và bức ảnh thứ ba là f/5.6 – 125 giây.

Nếu ảnh của bạn bị dư sáng khi chụp với thời chụp được máy đo sáng chỉ định, hãy đóng nhỏ một nửa độ mở ống kính, rồi một độ mở ống kính để chụp kiểm tra. Thao tác chụp kiểm tra được thực hiện giống như phần trình bày ở trên nhưng ngược lại, nghĩa là thay vì mở thêm độ mở ống kính thì đóng nhỏ độ mở ống kính hơn chỉ định của máy đo sáng.

Bạn hãy nhớ ghi lại thời chụp đã thực hiện, nếu bạn hay quên, hãy ghi mỗi thời chụp vào một tờ giấy rồi chụp ảnh bao gồm cả tờ giấy trên để dễ dàng kiểm tra sau này. Giả định bạn đang dùng ISO 200 để chụp ảnh, sau khi kiểm tra nếu thấy ảnh bị dư sáng một độ mở ống kính so với thời chụp của máy đo sáng, hãy cài đặt độ nhạy của máy đo sáng là ISO 400. Ngược lại nếu kiểm tra thấy hình ảnh bị thiếu sáng một EV, hãy cài đặt độ nhạy của máy đo sáng là ISO 100. 

CHỤP BỦA VÂY (BRACKETING).

Khi bạn phải đối mặt với một điều kiện chiếu sáng rất phức tạp mà máy đo sáng khó có thể đo sáng một cách chính xác được, giải pháp tốt nhất là hãy chụp bủa vây thời chụp.

Chức năng chụp bủa vây thời chụp hiện nay được tích hợp hầu như trên tất cả các loại máy ảnh kỹ thuật số SLR. Chức năng này cho phép bạn chụp nhiều kiểu ảnh có thời chụp khác nhau xung quanh thời chụp do máy đo sáng của máy ảnh chỉ định. Tùy theo từng loại máy ảnh mà khả năng chụp bủa vây có thể mở rộng nhiều hay ít. Đa số máy ảnh cho phép bạn chụp bủa vây ba ảnh, hoặc năm ảnh, nhưng cũng có một số loại máy ảnh chuyên nghiệp cho phép bạn chụp bủa vây tới 99 ảnh.

Để chụp bủa vây, bạn cần phải cài đặt hai thông số cho máy ảnh là số lượng ảnh được chụp, và sự chênh lệch về thời chụp của mỗi kiểu ảnh. Ví dụ khi bạn cài đặt chụp bủa vây ba ảnh với sự chênh lệch về thời chụp là một EV, máy ảnh sẽ chụp kiểu ảnh thứ nhất dư một EV, kiểu ảnh thứ hai đúng sáng, và kiểu ảnh thứ ba thiếu một EV. Bạn cũng có thể thay đổi thứ tự của loạt chụp bủa vây như đúng, dư, thiếu hoặc dư, thiếu, đúng, v.v… Xin tham khảo thêm bài viết “BRACKETING là gì” đã được đăng trên diễn đàn.

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00