Tầm nhìn từ cánh cửa sổ

Nhiếp  ảnh chứng kiến rất nhiều thành tựu trong suốt lịch sử phát triển. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều nhìn nhận Niépce là người có công lớn nhất, không phải vì sự đồ sộ hay tính vĩ đại của công trình, mà vì lòng đam mê  và cả sự nghiệt ngã mà đời đã đối  xử bất công với nhưng gì ông đã làm được.

Phải mất một thời gian rất lâu, nếu không muốn nói là cả cuộc đời và sinh mệnh, để kết hợp giữa sự khéo léo và lòng đam mê, nền tảng tạo ra bức ảnh đầu tiên được biết đến như ngày nay. Thật may ông là một nhà phát minh  (NPM.) chứ không phải một nghệ sĩ, nếu không, công trình này có thể đã bỏ ngang. Vào những năm 1820, Joseph Nicéphore Niépce đã say mê phương pháp in thạch bản, trong đó hình ảnh được vẽ trên đá có thể được sao chép bằng mực dầu gốc.

Để tìm ra các phương pháp khác nhau để tạo ra hình ảnh, Niépce đã dùng một thiết bị có tên là máy ảnh Obscura, chụp lại sự phản chiếu ánh sáng mặt trời từ bên ngoài để ghi lại khung cảnh bên ngoài cửa sổ phòng studio ở miền đông nước Pháp. Cảnh này được xử lý giữ trên một tấm thiếc, sau nhiều giờ phơi sáng, cảnh các tòa nhà và mái nhà bên ngoài hoàn toàn được định hình. Kết quả là bức ảnh vĩnh viễn đầu tiên được biết đến.
Không quá lời khi nói rằng thành tựu của Niépce đã đặt nền móng cho sự phát triển của nhiếp ảnh. Phát minh này đã, khiến công chúng choáng váng và phấn khích trên khắp thế giới. Đột phá này đã thay đổi nhiều thế kỷ phát triển sau đó về hóa học, quang học và nghệ thuật thị giác.

Ngày nay nhiếp ảnh được xem là một trong những ngành khoa học và là bộ môn nghệ thuật tạo hình.  Nhiếp ảnh không chỉ là hình ảnh, mà còn có cả những đóng góp tích cực khác đằng phía sau liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, lý luận, ý thức, tác động xã hội và những công việc gián tiếp khác. Khi cầm tấm ảnh trên tay, mấy ai biết từ hơn 200 năm trước, tấm hình đầu tiên được chụp mất tám giờ và nhiều giờ nữa để hình ảnh được định hình trên tấm kim loại.  

Mùa xuân năm 1765, ở miền trung nước Pháp, một cậu bé ra đời tại trong gia đình trí thức và có truyền thống ham mê nghiên cứu khoa học. Sự hiện diện của cậu ít ai ngờ rằng đã làm thay đổi thế giới, mở ra một trang mới cho lịch sử nhiếp ảnh sau này. Tên của cậu là Joseph Nicéphore Niepcec, người đầu tiên được xem phát minh ra bộ môn nhiếp ảnh.

Tốt nghiệp đại học Oratorian ở Anger, chuyên ngành nghiên cứu khoa và thực nghiệm, ông trở thành giáo sư của nhà trường sau đó. Rời quân ngũ, từ bỏ vai trò quản lý chính quyền quận Nice, ông tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Và nhiếp ảnh là tất cả những  gì ông dành trong phần đời còn lại.

Sơ khởi, nhiếp ảnh đã hình thành từ khi máy ảnh obscura được phát minh trước những năm thế kỷ 18. Các công nghệ làm ảnh cũng như máy ảnh được công bố từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên các nghiên cứu chỉ dừng lại với những hình ảnh trong phòng thí nghiệm. Hình ảnh sau khi hình thành trên vật liệu bắt sáng bị biến mất khi đem ra ngoài ánh sáng. Việc nghiên cứu để lưu giữ hình ảnh bị gián đoạn trong nhiều thập kỷ, thu hút tìm tòi từ nhiều nhà nghiên cứu, cũng như các nhà phát minh .
Bắt đầu thử nghiệm từ những năm 1793, Niépce đã cho ra nhiều hình ảnh khác nhau, nhưng chúng nhanh chóng bị mờ. Các cải tiến liên tục khi thay đổi vật liệu từ kim loại đến  giấy đều không mang lại kết quả khả quan. Một trong nhiều bức ảnh được biết đến bằng kỹ thuật bản in là bức ảnh “Người đàn ông dẫn ngựa” vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.

Các hóa chất cũng như chất định hình được tìm ra một cách rời rạc hay vô tình bởi những người khác nhau trong những lĩnh vực không thuộc nhiếp ảnh. Vào đầu năm 1820, Niepce đã nghiên cứu kết hợp lại và thử nghiệm nhiều lần khi cho ánh sáng tiếp xúc bề mặt đá và thủy tinh có tráng lớp hỗn hợp nhựa đường hòa tan với tinh dầu cây oải hương. Lớp này trở nên đông cứng và không hòa tan khi tiếp xúc với ánh sáng, giúp hình ảnh được định hình vĩnh viễn. Quy trình này được ông ghi lại cặn kẽ trong thư khi gửi cho người anh ruột của mình. Ông viết “Tôi thực sự hài lòng với những cải tiến trong quy trình làm ảnh, kết quả mang lại thành công như những gì tôi mong đợi”.  Năm 1826, Niépce đã cho ra bức ảnh hoàn chỉnh đầu tiên có tên “Tầm nhìn từ cánh cửa số”.

Chất định hình là một cột mốc quan trọng, vì khi đó nhiếp ảnh mới thật sự được sinh ra, dù phát minh máy ảnh đã có từ nhiều trăm năm trước. Thật trùng hợp, tên của bức ảnh cũng chính là tầm nhìn từ cánh cửa, đã mở ra một trang mới, khởi đầu cho ngành công nghiệp nhiếp ảnh hiện đại sau này và kể cả thời kỳ kỹ thuật số.

Thất bại và lòng kiên nhẫn
Trước khi có được thành công, Niépce đã thử nghiệm rất nhiều hóa chất khác nhau, trong đó có sử dụng phốt pho nhưng không mang lại kết quả như ý. Nếu chúng ta nhìn thấy sự kết hợp của các chất hỗ trợ như, bạc, tấm thiếc bitum, phốt pho, iốt, pha trộn với các loại dầu, axit khác nhau, hay bất cứ điều gì và nồng độ khác nhau trong quá trình này, thì có thể hình dung Niépce đã trải qua hàng ngàn giờ thử nghiệm thử nghiệm và thất bại như thế nào.

Sự lãng quên
Niépce đã gửi phát minh của mình cho hội hoàng gia, và thuyết trình cho Vua George IV, tuy nhiên công việc này không để lại nhiều ấn tượng. Ông ra đi khi công việc còn dang dở, người đồng hành với Niépce  trong năm năm cuối đời, cũng là nhà phát minh, Daguerre đã tiếp bước và đã thành công với những hợp đồng thương mại về quyền phát minh. Tấm kim loại của bức ảnh “Tầm nhìn từ cách cửa số” sau đó bị thất lạc và hầu như bị lãng quên, cũng như chính Niépce. Một nhà sử học đã lần theo các dấu vết và tìm ra một phiên bản vào năm 1952 và đưa về viện bảo tàng để lưu giữ đến ngày nay.

Thành tựu
Phát minh ra chất định hình đã mang lại nhiều thành công cho nhiếp ảnh, những cũng lấy mất đi nhiều thứ từ ông. Hơn 33 năm nghiên cứu để tạo ra được hình ảnh đầu tiên. Không chỉ có thời gian, ông còn tiêu tốn nhiều tài sản được thừa hưởng từ gia đình. Ông khánh kiệt với những khoản đầu tư khổng lồ cho những nghiên cứu khoa học của mình và sức khỏe cũng suy yếu, trừ lòng tâm huyết.


Lịch sử nhiếp ảnh thời kỳ phim được đánh dấu bởi hai sự kiện quan trọng, đó là sự phát minh ra chiếc máy ảnh và vật liệu bắt sáng. Trong đó chất định hình và những nghiên cứu trong quy trình làm ảnh của Niépce là cột mốc quan trọng nhất, giúp ông được nhiều người nhớ đến. Năm 1833, Niépce mất trong lặng lẽ, khi những bông hoa oải hương ở Pháp bắt đầu nở hoa. Những gì ông đã làm, được cả thế giới ghi nhận và biết ơn. Lịch sử nhiếp ảnh được mở ra từ tầm nhìn một cánh cửa sổ. Lòng đam mê nghiên cứu và những cống hiến khoa học không mệt mỏi là khởi nguồn để nhiếp ảnh tiếp tục phát triển như ngày hôm nay.

 

Bạn cần Đăng nhập trước khi bình luận cho chủ đề này. Cám ơn bạn.

Trang công nghệ Trắng Đen

Khảo sát

Thương hiệu máy ảnh DSLR nào được bạn yêu thích nhất

Canon - 62.5%
Nikon - 12.5%
Panasonic - 12.5%
Pentax - 0%
Samsung - 12.5%
Sony - 0%

Tổng bình chọn: 8
Khảo sát đă kết thúc lúc: 28 01 2014 - 00:00